| Hotline: 0983.970.780

Yêu cầu ngưng phát sóng 34 kênh của HTVC

Thứ Năm 23/07/2009 , 14:50 (GMT+7)

Theo cơ quan quản lý Nhà nước, đây là số lượng kênh thực tế mà HTVC đang phát sóng nhưng không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan này đã yêu cầu Trung tâm Truyền hình Cáp Thành phố Hồ Chí Minh (HTVC) ngưng phát sóng 34 kênh truyền hình trước ngày 1/8 “để đảm bảo hoạt động của hệ thống truyền hình cáp nói riêng và hoạt động của Đài nói chung tuân thủ đúng quy định”.

Theo cơ quan quản lý Nhà nước, đây là số lượng kênh thực tế mà HTVC đang phát sóng nhưng không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Căn cứ vào Giấy phép số 40/GP-BVHTT ngày 6/5/2004 mà Bộ Văn hóa – Thông tin và Bộ Thông tin – Truyền thông cấp cho HTVC và 6 công văn cho phép bổ sung kênh (từ 2005-2008) trong Nhóm kênh truyền hình phát cho đối tượng không hạn chế (mọi người dân) trên hệ thống HTVC, đơn vị này chỉ có giấy phép phát 52 kênh. Tuy nhiên, HTVC hiện chỉ sử dụng 36 kênh trong số kênh được phép này để phát sóng, 16 kênh khác chưa phát sóng hoặc đã ngưng phát sóng.

Theo HTVC, đài này đang phát 63 kênh phổ biến và 7 kênh hạn chế. Thống kê số kênh thực tế ngày 22/7 cho thấy, trừ 5 kênh trùng và sọc màu, HTVC đang phát 68 kênh.

Trong đó, so sánh với các giấy phép hiện có đối với HTVC, 34 kênh thuộc diện không có giấy phép (chiếm 49%). Đối với nhóm kênh trong nước, cùng thời điểm này có 43 kênh phát sóng, trong đó 17 kênh không có giấy phép (40%).

Trả lời phóng viên, Giám đốc HTVC Lê Đức Hùng lại khẳng định 70 kênh mà HTVC đang phát “về nguyên tắc, đều có giấy phép” và “có thể giấy phép của Bộ đang trên đường đi”. Tuy nhiên, ông Hùng đề cập đến thực tế “phát sóng 4 năm qua trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh mà không ai nói gì, có nghĩa là hợp pháp. Có thể quản lý Nhà nước chỉ ra đến mức đó và bây giờ Nhà nước điều chỉnh, lập lại hồ sơ”.

Ông cũng cho biết HTVC không trực tiếp liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép để thực hiện các thủ tục xin giấy phép. Vấn đề này do cơ quan chủ quản của HTVC là Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) thực hiện. Phó Giám đốc HTV Nguyễn Quý Hòa cũng khẳng định “68 kênh hiện đang phát sóng đều có giấy phép, trừ các kênh của địa phương khác mà HTVC mua lại để phát”. Ông Hòa và cho biết HTV đang “đợi giấy phép cấp lại của Bộ” trong vài ngày tới.

Ông Hùng giải thích tình trạng “cắt kênh” gần đây của HTVC là do một số đài nước ngoài đóng kênh, giá bản quyền tăng và một số kênh có nội dung không phù hợp định hướng.

HTVC hiện đang có gần 400.000 thuê bao. Thời gian qua, tỷ lệ khách hàng HTVC phàn nàn về tình trạng cắt kênh, hoán đổi vị trí kênh… gia tăng.

Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã ban hành Thông tư số 18/2009/TT-BTTTT quy định một số yêu cầu về quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự đầu cuối của người sử dụng dịch vụ, trong đó yêu cầu nhà cung cấp đáp ứng các tiêu chí cụ thể về dải tần số hoạt động, tín hiệu cao tần, tín hiệu hình, tín hiệu tiếng…

Theo Thông tư này, việc cấp phép, quản lý hoạt động của đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự được thực hiện theo Quyết định số 79/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Nhà nước đối với cơ quan báo chí.

Các đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm (trước 15/12) về các nội dung phát triển thuê bao, phát triển hạ tầng, phát triển dịch vụ, phát triển nội dung chương trình, giải quyết khiếu nại, chăm sóc khách hàng, đảm bảo chất lượng… Tuy nhiên, Thông tư này chỉ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2009.

(Theo TTXVN)

Xem thêm
Quảng Nam phấn đấu hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 31/10/2025

Quảng Nam sẽ tập trung ưu tiên hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho đối tượng thuộc người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ trước ngày 27/7.

Phú Thọ, vì sao người Mường ruồng bỏ nhà sàn?: [Bài 2] Cốt không hồn

Anh Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết trước năm 2000 gần như 100% người Mường trong xã đều ở nhà sàn.