| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng cơ sở giáo dục đại học không khói thuốc

Thứ Sáu 18/07/2025 , 06:36 (GMT+7)

Trường Đại học TN&MT TP.HCM đẩy mạnh triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng một cơ sở giáo dục đại học không khói thuốc.

Để hiểu rõ hơn về công tác tuyên truyền, truyền thông này, PV Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lê Hoàng Nghiêm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM.

PGS.TS. Lê Hoàng Nghiêm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP.HCM cho biết: Nhà trường tập trung vào 3 mục tiêu chính: nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và duy trì mô hình 'trường học không khói thuốc'. Ảnh: Tường Tú.

PGS.TS. Lê Hoàng Nghiêm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP.HCM cho biết: Nhà trường tập trung vào 3 mục tiêu chính: nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và duy trì mô hình “trường học không khói thuốc”. Ảnh: Tường Tú.

Xin ông cho biết một số kết quả mà Nhà trường đã đạt được trong công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong toàn trường  thời gian qua?

Trong những năm qua, Trường Đại học TN&MT TP.HCM đã tích cực triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm xây dựng một môi trường học tập lành mạnh, an toàn và văn minh. Nhà trường cũng đã ban hành quy định về việc nghiêm cấm hút thuốc lá, bố trí biển báo "Cấm hút thuốc" trong toàn bộ khuôn viên của Trường. Nhà trường còn thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá và liên tục kiện toàn bộ máy để đôn đốc, kiểm tra và duy trì hiệu quả hoạt động này.

Để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Nhà trường đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động cho từng giai đoạn, từng chủ đề hàng năm, tập trung vào 3 mục tiêu chính: nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và duy trì mô hình “trường học không khói thuốc”; triển khai các hoạt động truyền thông, từ treo băng rôn, phát tờ rơi, tổ chức tọa đàm, đến lồng ghép nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình sinh hoạt công dân đầu khóa, giúp sinh viên không chỉ hiểu mà còn thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn môi trường học tập.

Năm 2023, Báo Tài nguyên và Môi trường (nay là Báo Nông nghiệp và Môi trường) đã phối hợp cùng với Trường Đại học TN&MT TP.HCM tổ chức “Hội nghị tập huấn hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc” cho toàn thể sinh viên, cán bộ giảng viên của Nhà trường, góp phần thực hiện thành công việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá ở trường đại học trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để bảo vệ sức khỏe chung cho tất cả mọi người.

Cán bộ, Đoàn Thanh niên, sinh viên Nhà trường chung tay xây dựng cơ sở giáo dục đại học không khói thuốc. Ảnh: Tường Tú.

Cán bộ, Đoàn Thanh niên, sinh viên Nhà trường chung tay xây dựng cơ sở giáo dục đại học không khói thuốc. Ảnh: Tường Tú.

Ngoài ra, Đội bảo vệ và các đơn vị của Trường có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, giảng viên, sinh viên và xử lý hành vi vi phạm. Đặc biệt, việc không hút thuốc còn được đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua đối với cán bộ và điểm rèn luyện của sinh viên, đây là một cách làm vừa công bằng và vừa có tính giáo dục cao. Qua đó, cho thấy Nhà trường đã làm tốt việc kết hợp giữa quy định và truyền thông, giám sát và nêu gương, tạo nên một môi trường không khói thuốc khá rõ nét.

Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện tốt Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong toàn Trường, Nhà trường sẽ có các giải pháp hữu hiệu nào, thưa ông?

Để triển khai thực hiện tốt Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, lãnh đạo Trường Đại học TN&MT TP.HCM xem xét lại các quy định, giải pháp, không chỉ dừng ở khẩu hiệu, mà cần hành động thực tế, đồng bộ và sáng tạo hơn. Theo đó, Nhà trường đề ra 5 nhóm giải pháp thiết thực để áp dụng trong toàn Trường trong thời gian tới.

Cụ thể, Nhà trường sẽ lồng ghép các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các môn học, sinh hoạt đầu khóa, chương trình kỹ năng sống; tận dụng mạng xã hội sinh viên để chia sẻ thông điệp qua các hình thức sáng tạo; mời chuyên gia, bác sĩ đến trò chuyện thực tế, kể câu chuyện thật về tác hại thuốc lá để tăng sự thuyết phục.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường phải là những người tiên phong: không hút thuốc nơi công cộng, không làm ngơ trước hành vi vi phạm; tích cực tuyên truyền trong các lớp học, các buổi gặp gỡ sinh viên, giúp lan tỏa văn hóa lành mạnh.

Trường Đại học TN&MT TP.HCM chú trọng xây dựng cơ sở giáo dục đại học xanh - sạch - đẹp, không khói thuốc. Ảnh: Tường Tú.

Trường Đại học TN&MT TP.HCM chú trọng xây dựng cơ sở giáo dục đại học xanh - sạch - đẹp, không khói thuốc. Ảnh: Tường Tú.

Nhà trường cũng sẽ thành lập hoặc hỗ trợ các câu lạc bộ sinh viên “chống thuốc lá” - nói không với thuốc lá, tạo một sân chơi, giao lưu sáng tạo và kết nối những người cùng chí hướng; đồng thời, lồng ghép tiêu chí “không hút thuốc” vào đánh giá hạnh kiểm, học bổng, thi đua như một cách khuyến khích sinh viên sống khỏe mạnh hơn.

Cùng với đó, Nhà trường sẽ ban hành quy chế nội bộ riêng, trong đó, quy định rõ nơi cấm hút thuốc, hình thức xử phạt, cơ chế giám sát; có thể áp dụng hình thức phản ánh vi phạm ẩn danh hoặc quét mã QR báo cáo để tăng tính chủ động và minh bạch.

Nhà trường cũng sẽ kết nối với tổ chức y tế, xã hội và hợp tác với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá để được cung cấp tài liệu, tập huấn, hỗ trợ tài chính; kêu gọi tài trợ từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội cho các hoạt động truyền thông sáng tạo, lâu dài.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Một tín hiệu rất tích cực, đó là nhận thức của cán bộ, giảng viên và sinh viên của Nhà trường đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn và hiện nay, đã trở thành thói quen không hút thuốc trong toàn trường. Nếu trước kia, việc hút thuốc lá được xem là “chuyện cá nhân, ai cũng có quyền” thì giờ đây, mọi người đều hiểu rằng, đây là một không gian chung để cùng bảo vệ sức khỏe của cả một tập thể”, PGS.TS. Lê Hoàng Nghiêm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP.HCM chia sẻ.

Xem thêm

Bình luận mới nhất