| Hotline: 0983.970.780

Vụ ‘băm nát’ hành lang thoát lũ sông Hồng: Dừng thi công, tháo dỡ công trình

Thứ Tư 09/07/2025 , 22:57 (GMT+7)

Hà Nội yêu cầu đình chỉ, tháo dỡ công trình vi phạm hành lang thoát lũ sông Hồng tại phường Bồ Đề do vi phạm pháp luật đê điều, ảnh hưởng phòng chống thiên tai.

Hà Nội vào cuộc sau phản ánh của Báo Nông nghiệp và Môi trường

Báo Nông nghiệp và Môi trường vừa có loạt bài “Băm nát” hành lang thoát lũ sông Hồng, phản ánh sự việc công trình xây dựng kiên cố trên hành lang thoát lũ sông Hồng vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai tại địa bàn phường Ngọc Thụy cũ, nay là phường Bồ Đề.

Hà Nội yêu cầu đình chỉ, tháo dỡ công trình sai phạm trên hành lang thoát lũ sông Hồng.

Hà Nội yêu cầu đình chỉ, tháo dỡ công trình sai phạm trên hành lang thoát lũ sông Hồng.

Ngay lập tức, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) đã thành lập đoàn kiểm tra, lập biên bản hiện trường; báo cáo lãnh đạo Sở và có văn bản đề nghị UBND phường Bồ Đề phối hợp giải quyết.

Thông tin với Báo Nông nghiệp và Môi trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết, từ thông tin phản ánh của Báo, ngày 4/7, đoàn đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, nắm bắt sự việc.

Theo đó, tại khu vực di tích đền Rừng (phường Bồ Đề) xảy ra tình trạng xây dựng công trình quy mô lớn trong hành lang thoát lũ của tuyến sông Hồng. Hàng vi trên đã vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, gây ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ và chứa lũ của tuyến sông; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra lũ lớn trên sông.

Tại thời điểm đoàn kiểm tra, Tiểu Ban quản lý di tích đền Rừng - đơn vị thi công công trình vi phạm, không cung cấp được hồ sơ pháp lý liên quan tới việc tu sửa, tôn tạo, trùng tu di tích; chưa có văn bản xin ý kiến đơn vị quản lý đê điều, phương án phòng chống thoát lũ đối với công trình xây dựng trong phạm vi không gian thoát lũ sông Hồng.

Cận cảnh một số hạng mục tại công trình xây dựng vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai. Ảnh: Kiên Trung.

Cận cảnh một số hạng mục tại công trình xây dựng vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai. Ảnh: Kiên Trung.

Ngày 7/7, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa ký văn bản số 4116 gửi UBND phường Bồ Đề đề nghị xử lý dứt điểm vụ việc vi phạm. Đồng thời, yêu cầu phường Bồ Đề tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai; Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội tại văn bản 1685 về việc giải tỏa, thanh thải vật cản, xử lý vi phạm lấn chiếm bãi sông, lòng sông, phạm vi bảo vệ đê điều để đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ…

Các công trình sai phạm được xây dựng tại khu vực di tích lịch sử đền Rừng, tổ 10, phường Ngọc Thụy trước đây. Ảnh: Kiên Trung.

Các công trình sai phạm được xây dựng tại khu vực di tích lịch sử đền Rừng, tổ 10, phường Ngọc Thụy trước đây. Ảnh: Kiên Trung.

UBND phường Bồ Đề có trách nhiệm chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với Hạt Quản lý đê số 9 và các đơn vị liên quan kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ đối với hành vi vi phạm nêu trên; kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm, triệt để trường hợp vi phạm theo thẩm quyền, đúng quy định về trật tự xây dựng, đất đai, đê điều, phòng chống thiên tai; yêu cầu chủ vi phạm khắc phục hành vi sai phạm, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu và có biện pháp ngăn chặn, không để phát sinh vi phạm mới.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội yêu cầu UBND phường Bồ Đề báo cáo kết quả xử lý công trình sai phạm trước ngày 11/7.

Đình chỉ, tháo dỡ công trình sai phạm

Ngay sau khi có văn bản của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, UBND phường Bồ Đề đã có Thông báo gửi Tiểu Ban Quản lý di tích đền Rừng, chủ đầu tư xây dựng công trình, phải dừng toàn bộ hoạt động thi công, tự tổ chức tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm bao gồm toàn bộ các kết cấu, vật liệu xây dựng và các bộ phận công trình liên quan, khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Thời hạn thực hiện tháo dỡ trước ngày 20/7/2025. Sau thời gian trên, nếu Tiểu Ban quản lý di tích đền Rừng không thực hiện theo yêu cầu, UBND phường Bồ Đề sẽ tiến hành biện pháp cưỡng chế theo quy định, đồng thời đề xuất các cơ quan tạm ngưng cung cấp dịch vụ điện, nước sinh hoạt…

Hiện tại, chủ đầu tư đã dừng các hoạt động thi công, có biện pháp che chắn công trình sai phạm. Ảnh: Kiên Trung.

Hiện tại, chủ đầu tư đã dừng các hoạt động thi công, có biện pháp che chắn công trình sai phạm. Ảnh: Kiên Trung.

Ngoài ra, Tiểu Ban quản lý di tích có trách nhiệm thực hiện các quy trình, quy định về cấp phép xây dựng đối với việc trùng tu, tôn tạo di tích đã được UBND TP. Hà Nội công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố (gồm Đình Gia Thượng và đền Rừng).

“Chúng tôi tuân thủ chỉ đạo của chính quyền địa phương, đã cho dừng thi công toàn bộ công trình. Toàn bộ công nhân, máy móc, nguyên vật liệu xây dựng… đã được di chuyển ra bên ngoài”, thủ nhang đền Rừng xác nhận.

Ông Hoàng Xuân Mai - thủ nhang đền Rừng thừa nhận với Báo Nông nghiệp và Môi trường việc thi công công trình là sai phạm, chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép.

Tuy nhiên, ông Mai cho rằng, lý do Ban Quản lý di tích tiến hành xây dựng công trình là để gia cố, nâng cấp công trình đã xuống cấp, nhiều hạng mục bị hư hại, mất an toàn do thời gian xây dựng Đền đã lâu. Ngoài ra, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (tháng 9/2024), nước dâng cao gây ngập lụt diện rộng, di tích đền Rừng cũng bị ảnh hưởng, xuống cấp.

Thời điểm hiện tại, toàn bộ việc thi công đã được dừng theo chỉ đạo của UBND phường Bồ Đề. Chủ đầu tư cũng sử dụng lưới đen, bạt… che chắn công trình bê tông hiện đã hoàn thiện đổ cột và mặt bằng sàn…

Khu vực xây dựng công trình không phép nằm trọn vẹn trong hành lang thoát lũ sông Hồng, kéo dài tới sát ngấn nước sông. Ảnh: Kiên Trung.

Khu vực xây dựng công trình không phép nằm trọn vẹn trong hành lang thoát lũ sông Hồng, kéo dài tới sát ngấn nước sông. Ảnh: Kiên Trung.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, tình trạng vi phạm về đất đai, môi trường, trật tự xây dựng, đê điều và phòng chống thiên tai trên địa bàn quận Long Biên (cũ) diễn biến phức tạp.

Chi cục đề nghị chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi sai phạm; lực lượng công an và các đơn vị chức năng lập các chốt, tổ chức tuần tra, canh gác tại các cửa khẩu, đường, ngõ vận chuyển đổ chất thải, rác thải, phế thải xây dựng ra khu vực bờ sông, bãi sông, lấn chiếm lòng sông…

Tổ chức kiểm tra, rà soát về tình hình, hiện trạng sử dụng đất; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng; thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với các khu vực diện tích đất bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.

Ông Phạm Đình Du - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội cảm ơn Báo Nông nghiệp và Môi trường đã kịp thời phản ánh sự việc, giúp đơn vị nắm bắt thông tin để có các chỉ đạo kịp thời, quản lý tốt hơn lĩnh vực phụ trách, đặc biệt là không gian thoát lũ sông Hồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều tại Quyết định số 257.

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư Tân Dân: Cần xem xét hủy thầu

HƯNG YÊN Chủ đầu tư tổ chức đấu thầu và chọn xong nhà thầu khi chưa có Quyết định thu hồi, giao đất là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về đấu thầu...

Bộ Xây dựng thẩm định cấp phép sai quy hoạch tại dự án Tecco Diamond

Dự án Tecco Diamond được TP. Hà Nội công nhận kết quả trúng đấu giá với chỉ tiêu quy hoạch cao 25 tầng nhưng Bộ Xây dựng lại thẩm định bổ sung 2 tầng hầm.

Bị phạt vì mua, tàng trữ 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp

UBND tỉnh Nghệ An vừa Quyết định xử phạt một cá nhân số tiền 50 triệu đồng vì hành vi mua bán, tàng trữ hơn 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Nghiêm cấm ép buộc đổi thẻ căn cước và hộ chiếu

Công an TP Hà Nội khẳng định người dân không phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu sau khi sát nhập, thay đổi tên đơn vị hành chính.

Bình luận mới nhất