Đây là nội dung tại Tờ trình số 328/TTr-CP về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn trị giá 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines vừa được Chính phủ trình Quốc hội chiều 25/6.
Khoản vay tái cấp vốn trên được thực hiện theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội, nhằm hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng được triển khai vào năm 2021, đến tháng 7/2024, Vietnam Airlines bắt đầu phải trả nợ cho khoản vay này.
Tại Tờ trình số 328 của Chính phủ, có hai nội dung quan trọng liên quan đến phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay của Vietnam Airlines.
Thứ nhất, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung nội dung Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn vào chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Hai là, Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a, Khoản 11 Điều 1 Nghị quyết 135.
Trong đó, thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm; lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm. Việc gia hạn dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng được thực hiện sau khi các tổ chức tín dụng gia hạn thời hạn trả nợ đối với khoản vay của Vietnam Airlines, theo Nghị quyết 135.
Nếu không được gia hạn, Vietnam Airlines sẽ mất khả năng thanh toán từ tháng 7 tới
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Vietnam Airlines hiện vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về tài chính. Trong khi đó, các giải pháp cơ cấu lại khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và phát hành cổ phiếu tăng vốn của Vietnam Airlines có nhiều nội dung cần xin ý kiến, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mới có căn cứ để thực hiện, dẫn đến kéo dài chưa thể hoàn thành được ngay.
Vì vậy, việc gia hạn khoản vay tái cấp vốn sẽ tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines trong việc duy trì dòng tiền, cải thiện các cân đối tài chính, tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong ngắn hạn.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình Vietnam Airlines triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu tổng thể trong dài hạn, tăng lợi thế đàm phán với các chủ nợ, nhà cung cấp, các tổ chức tín dụng nước ngoài, tránh được các hệ lụy phát sinh.
Đáng chú ý, trong trường hợp Vietnam Airlines không được gia hạn trả nợ, hãng bay quốc gia sẽ ngay lập tực phải đối mặt với các rủi ro rất lớn.
Trước tiên, hãng có thể sẽ mất khả năng thanh toán ngay từ tháng 07/2024; nguy cơ không thực hiện được các cam kết với các bên cho thuê tàu bay, các đối tác cung cấp dịch vụ. Điều này dẫn đến Vietnam Airlines có thể bị kiện, giảm uy tín với các đối tác.
Kế đến là phát sinh các chi phí tài chính do không thể hoàn trả các khoản nợ và phải tiếp tục đơn phương giãn hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn.
Trong đó, các khoản nợ từ vay mua tàu bay được Chính phủ bảo lãnh sẽ bị các tổ chức tín dụng yêu cầu Chính phủ trả nợ thay cho Vietnam Airlines (dư nợ vay bảo lãnh Chính phủ đến 31/3/2024 là 331 triệu USD).
Cần làm rõ khả năng trả nợ của Vietnam Airlines
Trước đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines; để hãng tiếp tục khẳng định vai trò là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế lưu ý Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, tránh trường hợp quá gấp, không đúng thời hạn quy định để báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh chương trình kỳ họp và cho ý kiến.
Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế cũng yêu cầu Chính phủ phải phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của Vietnam Airlines.
Cụ thể, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong tình thế cấp thiết, cấp bách như Chính phủ báo cáo, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể tháo gỡ ngay khó khăn trước mắt cho Vietnam Airlines. Phương án này giúp cân đối dòng tiền cũng như hỗ trợ về thời gian để Vietnam Airlines cơ cấu lại hoạt động một cách toàn diện.

Có lãi trở lại sau 16 quý thua lỗ liên tiếp, tới hết quý I/2024, Vietnam Airlines vẫn đang lỗ lũy kế hơn 36.740 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm hơn 12.556 tỷ đồng.
Như trên, để làm rõ hơn tính khả thi và hiệu quả của phương án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của Vietnam Airlines. Bởi theo phụ lục kèm tờ trình của Chính phủ, dòng tiền mới chỉ dự kiến trong năm 2024, chưa chứng minh được khả năng trả nợ phù hợp với thời gian đề nghị gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần làm rõ dự báo về các rủi ro tiềm ẩn, các kịch bản ứng phó, kế hoạch giảm thiểu rủi ro tương ứng đối với hoạt động của Vietnam Airlines. Nếu trong trường hợp chỉ có biện pháp gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn, liệu có giúp cho Vietnam Airlines cải thiện được tình hình tài chính và vượt qua khó khăn hay không...