Hợp tác Việt Nam – Congo vì nền nông nghiệp bền vững
Thứ Ba 15/07/2025 , 22:00 (GMT+7)
Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đã có cuộc tiếp song phương với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Cộng hòa Dân chủ Congo.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển nông nghiệp bền vững từ sản xuất lúa gạo, rau quả, cà phê đến nuôi trồng thủy sản và chế biến sau thu hoạch. Việt Nam hiện đã bảo đảm an ninh lương thực cho 100 triệu dân và xuất khẩu nông sản đến hơn 180 quốc gia, đạt kim ngạch 62,5 tỷ USD năm 2024, thặng dư thương mại gần 18 tỷ USD. Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ công nghệ, giống cây trồng và các giải pháp kỹ thuật với các nước đối tác, trong đó có Congo.
Hai bên thống nhất thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp từ chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ sư và nông dân, đến đầu tư hạ tầng, kết nối thương mại nông sản song phương, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ tài chính từ các bên thứ ba.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất thành lập nhóm đầu mối kỹ thuật để phối hợp chi tiết với phía Congo trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy sản Congo Grégoire Kangaji bày tỏ ấn tượng trước tiến bộ của Việt Nam trong cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ nông nghiệp. Ông cho biết Congo có 80 triệu ha đất canh tác, điều kiện tự nhiên tương đồng Việt Nam và đang ưu tiên phát triển ba cây trồng chủ lực là ngô, sắn, gạo. Congo cũng tập trung vào chăn nuôi gia cầm, nuôi cá và mong muốn hợp tác khai thác khoáng sản sản xuất phân bón theo cơ chế Nam – Nam.
Cùng ngày, phiên đối thoại chuyên đề buổi chiều của Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP tiếp tục với chủ đề khoa học, công nghệ và các sáng kiến đổi mới nhằm thúc đẩy hệ thống lương thực – thực phẩm bền vững.
Tại đây, đại diện FAO khẳng định OCOP là sáng kiến toàn cầu, đang được triển khai tại 95 quốc gia, với định hướng “5 tăng – 5 giảm – 3 tối ưu”. Đáng chú ý, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã xây dựng mạng lưới khoa học đổi mới sáng tạo nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Bốn tốt hơn” gồm: sản xuất tốt hơn, môi trường tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn và cuộc sống tốt hơn.
Các giải pháp công nghệ như QR code truy xuất nguồn gốc, định vị GPS vùng sản xuất và nền tảng dữ liệu nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi, giúp OCOP thích ứng với yêu cầu mới của nền nông nghiệp minh bạch, số hóa và bền vững.
Diễn đàn cũng thống nhất đẩy mạnh mở rộng OCOP đến toàn bộ các quốc gia thành viên FAO, đồng thời lồng ghép với các sáng kiến trọng điểm như “Bàn tay gắn kết”, “Làng số” và “Thành phố xanh” hướng tới một hệ sinh thái nông nghiệp bao trùm, xanh và hiện đại…