‘Lá chắn thép’ gần 3,5 km bảo vệ người dân trước mùa mưa bão
Thứ Hai 14/07/2025 , 13:58 (GMT+7)
Tuyến đê biển ở xã Hải Thịnh, tỉnh Ninh Bình không chỉ là công trình thủy lợi mà còn là ‘lá chắn thép’ giúp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trước mùa mưa bão.
‘Lá chắn thép’ bảo vệ người dân trước mua mưa bão
Tuyến đê biển không chỉ là công trình thủy lợi mà còn là ‘lá chắn thép’ giúp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân tại xã Hải Thịnh trước mùa mưa bão.
Tuyến đê biển với chiều dài gần 3.5 kilomet này là một trong những tuyến đê biển phải chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sóng biển và mưa bão trên địa bàn xã Hải Thịnh, tỉnh Ninh Bình.
Nhận thấy tầm quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản hoa màu của người dân trước mỗi mùa thiên tai, dự án “Củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển một số tỉnh Bắc Bộ” được Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai nhằm chống sạt lở, giảm sóng, gây bồi tạo bãi, tăng cường khả năng an toàn cho tuyến đê. Tuyến đê kè được đầu tư đã giúp người dân sinh sống trên địa bàn xã Hải Thịnh yên tâm hơn mỗi mùa mưa bão.
Phỏng vấn
Bà NGÔ THỊ HIỂN
Xã Hải Thịnh, tỉnh Ninh Bình
Trước đây, tuyến đê thường xuyên sạt lở, nước biển ngập tràn vào tận chân đê, sóng lớn khiến người dân rất lo sợ. Việc Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đê giúp chúng tôi bớt lo lắng. Người dân rất vui mừng, hy vọng Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ để cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Ông NGUYỄN VĂN BÌNH
Xã Hải Thịnh, tỉnh Ninh Bình
Trước đây, tuyến đê xuống cấp, mưa bão gây ngập lụt nghiêm trọng. Nay được đầu tư lại, tuyến đê khang trang, gia đình tôi cũng như bà con rất vui và kỳ vọng công trình sẽ giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và phát triển du lịch địa phương.
Tuyến đê cũ được xây dựng cách đây hơn 20 năm do địa chất yếu dẫn đến không có bãi bồi nên chỉ cần sóng biển rút chân là tình trạng sạt lở có thể xảy ra, các giải pháp kè thông thương không thể giải quyết được tình trạng sạt lở đê. Do đó, việc thi công thềm đá hộc để gia cố phần chân taluy của mái kè và sử dụng trụ chắn sóng (Tetrapod) hai lớp để chống sóng đánh vào chân đê được đưa ra trong quá trình thi công dự án.
Phỏng vấn
Ông VŨ VĂN QUYẾT
Chỉ huy trưởng công trình, Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong
Dự kiến dự án hiện đã hoàn thành khoảng 30-35%, nếu thời tiết thuận lợi thì đến tháng 9 có thể hoàn thiện phần thềm cơ chắn sóng trước mùa bão. Hạng mục này bao gồm đá hộc gia cố chân ta-luy, đặt cấu kiện TNF hai lớp để chống sóng đánh vào chân đê.
Mỗi ngày đơn vị thi công chỉ có 3 đến 5 tiếng đồng hồ để thi công dưới nước do thủy triều lên cao. Nhằm khắc phục những khó khăn đó, đơn vị đã tăng cường máy móc, bố trí hơn 100 công nhân chia thành nhiều mũi để thi công đồng loạt, tận dụng tối đa thời gian thủy triều để thi công.
Công trình không chỉ giúp bảo vệ hàng ngàn hộ dân mà còn giữ vai trò sống còn trong phát triển nông nghiệp, du lịch và kinh tế biển tại địa phương.
Phỏng vấn
Ông HOÀNG ĐÌNH TUẤN
Giám đốc Ban QLDA Xây dựng chuyên ngành NN&PTNT tỉnh Ninh Bình
Mục tiêu của dự án là giảm sóng, tạo bãi gây bồi để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất xã hội khu vực.
Dự án dự kiến hoàn thành cơ bản 80% vào tháng 11/2025 và hoàn thành toàn bộ trong năm 2025. Đây là dự án rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho vùng ven biển, góp phần bảo vệ tài sản và sinh kế của người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất trong vùng.
Nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, thời gian qua việc kiểm tra, tu sửa, gia cố các tuyến đê luôn được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặc biệt quan tâm và ưu tiên.
Với 3.260km bờ biển Việt Nam đang phải chống chọi với biến đổi khí hậu, triều cường và bão lũ. Dự án “Củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển một số tỉnh Bắc Bộ” được thực hiện tại xã Hải Thịnh không chỉ là công trình chống thiên tai còn là sự đoàn kết của chính quyền và nhân dân trong hành trình giữ đất, giữ làng.