Cần theo sát thông tin dự báo, cảnh báo
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ chiều tối 28/5 đến sáng sớm 30/5, khu vực Bắc Bộ được dự báo có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 40-100 mm, cục bộ có nơi trên 200 mm.
Từ gần sáng 29/5 đến sáng sớm 30/5, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70 mm, cục bộ có nơi trên 120 mm.
Từ chiều 28/5 đến ngày 29/5 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất tlượng mưa phổ biến 30-60 mm, cục bộ có nơi trên 100 mm và cần lưu ý thời gian mưa tập trung vào chiều tối.
Cơ quan khí tượng thủy văn cũng cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100 mm trong vòng 3 giờ, kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cực đoan là yếu tố kích hoạt cho các tai biến nguy hiểm như sạt lở, lũ quét, trượt lở đất đá ở sườn đồi núi dốc; ngập lụt ở vùng trũng thấp, khu đô thị, công nghiệp.

Dự báo lượng mưa tích lũy trong vòng 24 giờ (tính từ chiều tối nay 28/5 đến chiều tối mai 29/5). Vùng màu vàng cam là khu vực có lượng mưa lớn nhất. Ảnh: TTDBKTTVQG.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, riêng với hiện tượng mưa lớn, công nghệ dự báo hiện nay dựa trên mô hình, hệ thống quan trắc, vệ tinh, radar cho phép nhận diện khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn. Việc dự báo khả năng xuất hiện mưa lớn diện rộng hoặc cục bộ trong vài ngày tới là tương đối chính xác.
Tuy nhiên, cụ thể hơn về lượng mưa bao nhiêu, mưa ở đâu và vào thời điểm nào trong ngày, giờ nào mưa vẫn là bài toán khó với ngành dự báo, kể cả ở những quốc gia có công nghệ dự báo hiện đại nhất hiện nay cũng khó có thể dự báo trước. Vì thế, cơ quan khí tượng thủy văn phải liên tục liên tục cập nhật dữ liệu quan trắc và dự báo định lượng mưa cho từng khu vực sớm nhất là 24-48h trước khi xảy ra mưa.
Trước 3-6 tiếng sẽ có dự báo lượng mưa chi tiết đến từng giờ, từ đó có những cảnh báo tác động đến từng khu vực cụ thể. Đặc biệt về sạt lở, lũ quét, lực lượng phòng chống thiên tai địa phương và người dân có thể theo dõi trên hệ thống khoanh vùng cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trực tuyến theo thời gian thực tại địa chỉ https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/. Cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét trong vòng 6 giờ tới và khoanh vùng nguy cơ đến cấp xã ở các mức: trung bình, cao, rất cao. Cứ mỗi giờ, bản đồ nguy cơ sẽ được cập nhật một lần và là cơ sở để triển khai các giải pháp ứng phó.
Không gì bằng triển khai lực lượng tại chỗ
Từ dự báo đến hành động thực tế vẫn còn khoảng cách nhất định. Cơ quan dự báo đang nỗ lực rút ngắn thời gian cảnh báo để làm sao đưa ban tin tới chính quyền, người dân nhanh nhất có thể. Bởi, thiên tai có thể xảy ra chỉ trong tích tắc, nhất là mưa lớn thường diễn ra vào thời điểm đêm tối nên càng khó ứng phó. Tiếp đến chính là hành động cụ thể của lực lượng phòng chống thiên tai, đảm bảo phát huy "4 tại chỗ" và kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, không chủ quan trước bất kỳ tình huống nào.
Trong hơn 10 giải pháp chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất mà Bộ Nông nghiệp và Môi trường gửi tới các địa phương, khuyến cáo đầu tiên luôn là tuân thủ triển khai giải pháp theo đúng hướng dẫn của các cấp chỉ huy phòng chống thiên tai. Thứ hai là theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ cho các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động phòng tránh.

Một góc xã Đồng Phúc (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) sau trận lũ quét đêm 17, rạng sáng 18/5. Ảnh: Cục QLĐĐ&PCTT.
Xếp ngay sau đó, một giải pháp vô cùng quan trọng là triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn; tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Ông Mai Văn Khiêm chia sẻ: Thực tế chỉ ra, sạt lở đất xảy ra có sự cộng hưởng từ đặc điểm địa chất, địa hình và mưa là yếu tố kích hoạt. Ví dụ cùng một độ dốc, loại hình địa chất nhưng khi có mưa lớn với lượng tương đương nhau, có nơi xảy ra sạt lở, có nơi không. Căn cứ vào thông tin cảnh báo mưa lớn và bản đồ nguy cơ, lực lượng xung kích và người dân cần kiểm tra, rà soát sớm để có thể phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm xung quanh khu vực mình sinh sống, sơ tán và tránh lưu thông tại những khu vực có nguy cơ cao.
Tương tự với lũ ống, lũ quét, nguyên nhân thường gắn với hiện tượng nghẽn dòng tự nhiên do trượt lở khối lượng bùn đất lớn ở thượng nguồn, cây củi hay bùn rác tích lại tạo thành. Đến một thời điểm nhất định, điểm nghẽn bị bục ra kéo theo dòng nước mạnh cuốn phăng mọi thứ trên đường đi. Do đó, cần theo dõi, giám sát những yếu tố có thể dẫn đến nghẽn dòng và khơi thông nhanh chóng.

Mưa lớn có thể kích hoạt sạt lở, lũ quét. Ảnh minh họa.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, kinh nghiệm phòng chống thiên tai từ chính đợt bão số 3 năm 2024 (Yagi) là vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương.
Trong đó, vai trò lực lượng xung kích cơ sở cùng với vai trò, kinh nghiệm, sự hiểu biết về thiên tai của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, nhất là đối với khu vực miền núi có địa hình dễ bị chia cắt.
Điển hình như Anh Ma Seo Chứ - Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã phát hiện và vận động cả thôn 115 người sơ tán đến nơi an toàn, tránh được thiệt hại do sạt lở đất; 142 giáo viên và học sinh trường Mường Hum, huyện Bát Xát đã sơ tán đến nơi an toàn trước khi cả quả đồi sạt xuống.
Những khu vực có nguy cơ sạt lở đất: Đã từng xảy ra sạt lở; có địa hình dốc (bao gồm cả khu vực thấp nhất của hẻm núi); vùng đất từng cháy rừng; vùng đất đã bị biến đổi do tác động của con người (phá rừng, xây dựng công trình, đường giao thông...); các con kênh dọc theo sông, suối.
Một số dấu hiệu nhận biết sạt lở sắp diễn ra:
- Nước chảy nhiều hoặc ít bất thường ở các khu vực kênh rạch, sông suối. Bên cạnh đó, độ ẩm đất tăng cao ở những khu vực vốn khô ráo.
- Mạch nước chuyển từ trong sang đục.
- Trần, tường, sàn, sân nhà có dấu hiệu nứt vỡ, nghiêng ngả hoặc xê dịch.
- Mặt đất phồng rộp, bấp bênh. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.
- Nghe thấy tiếng đât đá rơi, tiếng cây gãy hoặc tảng đã va chạm với nhau; âm thanh to, rõ dần theo thời gian.