Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), bão Wipha gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực ven biển phía Nam nước này, buộc chính quyền địa phương phải kích hoạt hàng loạt biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Trong đó, các tỉnh Quảng Đông và Hải Nam đã nâng mức cảnh báo thiên tai. Nhiều thành phố lớn như Thâm Quyến, Chu Hải và Macau đồng loạt hủy hoặc hoãn toàn bộ các chuyến bay trong ngày để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Tại Macau, trung tâm du lịch thế giới, giới chức đã phát tín hiệu bão cấp 10 và hạ xuống cấp 8 vào đầu giờ chiều cùng ngày, đồng thời cảnh báo nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng tại khu vực nội cảng.
Ở Hong Kong, nơi hứng chịu ảnh hưởng trực tiếp trước khi bão tiến vào Trung Quốc đại lục, chính quyền đã phát tín hiệu cảnh báo bão T10 - đây là mức cao nhất kể từ siêu bão Saola năm 2023. Hơn 250 người đã phải tìm nơi trú ẩn tại các trung tâm tạm thời. Giới chức ghi nhận hơn 450 vụ cây đổ, nhiều điểm ngập úng, trong đó có các tuyến đường huyết mạch như tại khu Wong Tai Sin.

Sơ đồ hướng đi của bão Wipha. Ảnh: Al Jazeera.
Để đảm bảo an toàn, toàn bộ trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em tại Hong Kong đã đóng cửa trong ngày 20/7. Hệ thống tàu điện hoạt động giới hạn, đặc biệt các tuyến chạy ngoài trời bị tạm dừng hoàn toàn. Mưa lớn trút xuống với lượng hơn 110mm chỉ trong vòng 3 giờ, khiến giàn giáo sập, giao thông công cộng tê liệt và gián đoạn sinh hoạt của người dân.
Dự báo trong những ngày tới, bão Wipha sẽ tiếp tục gây mưa lớn diện rộng tại miền Nam Trung Quốc, làm tăng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét và thiệt hại cơ sở hạ tầng tại các vùng đồng bằng ven biển.
Trước khi tiến vào Trung Quốc, bão Wipha đã quét qua Philippines ở cấp độ bão nhiệt đới, gây mưa lớn và lũ lụt, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán khẩn cấp. Chính quyền Philippines xác nhận 2 người mất tích do ảnh hưởng của bão.