Học IPM, nông dân Quảng Ninh sản xuất giỏi, múa hát hay

Nguyễn Thành - Thanh Phương - Thứ Ba, 12/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

Bằng lời ca, tiếng hát, nông dân phường Kim Sơn (TP Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã lan tỏa kiến thức, bài học từ chương trình IPM, giúp nâng cao chất lượng đồng ruộng.

Niềm vui từ lớp học IPM

Sau 4 tháng triển khai, lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) về IPM trên cây lúa tại phường Kim Sơn (TP Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã kết thúc. Trong buổi tổng kết lớp học, các học viên đã dẫn dắt đại biểu đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Các học viên trình bày ca khúc tự sáng tác về lớp học IPM trong buổi tổng kết. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trong tà áo dài duyên dáng, chiếc áo trắng được sơ vin chỉnh tề, những người nông dân tự tin cất tiếng hát, lời ca. Điều đặc biệt, những bài hát đều “made in nông dân”.

Trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam, giảng viên đứng lớp Bùi Thị Khanh (Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh) bật mí: “Đây cũng chính là một phần nội dung của lớp học. Các học viên tự sáng tác bài hát về chủ đề IPM, qua đó gửi gắm, lan tỏa thông điệp, ý nghĩa của chương trình IPM trong sản xuất nông nghiệp. Để chuẩn bị cho buổi tổng kết, các bác nông dân đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để tập luyện các tiết mục”.

Không chỉ gây bất ngờ bởi những tiết mục văn nghệ đặc biệt, các học viên còn tự tin thuyết trình, báo cáo về kết quả học tập trong suốt thời gian vừa qua. Bà Phạm Ngọc Anh (khu Gia Mô, phường Kim Sơn) chia sẻ: “Thông qua lớp học, chúng tôi đã biết cách kiểm soát chuột gây hại, đồng thời sử dụng phương pháp diệt chuột hiệu quả, an toàn. Những kiến thức từ lớp học sẽ được chúng tôi ứng dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới".

Học viên báo cáo kết quả quản lý chuột hại trên cây lúa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Với 30 thành viên, lớp học được chia thành 5 nhóm. Trong buổi tổng kết, mỗi nhóm sẽ lên báo cáo kết quả nghiên cứu về một số nội dung như ảnh hưởng của việc cắt lá đối với sinh trưởng và năng suất của cây lúa; khả năng ăn mồi của thiên địch; quản lý chuột hại…

Mỗi người nông dân đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, tự mình đưa ra những nhận xét và rút ra kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây lúa một cách hiệu quả và bền vững.

Học viên Nguyễn Thị Sồi (khu Gia Mô, phường Kim Sơn) bày tỏ: “Người nông dân chúng tôi chỉ biết lao vào làm, dựa trên kinh nghiệm của bản thân và những người xung quanh. Tuy nhiên, không có khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng của lúa trong những năm qua chưa được cao, ổn định”. Sau lớp học, bà Sồi đã biết thế nào là thiên địch của cây, cách chăm sóc cây khoa học, liều lượng và thời gian phun thuốc cho cây và nhận biết một số loại sâu bệnh.

“Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm”, lớp học đã tiến hành theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” và lấy người học làm trung tâm, lấy đồng ruộng làm bài học. Trên đồng ruộng, học viên được tự thực hành, tự kiểm tra kết quả áp dụng tiến bộ khoa học vào cây trồng để thấy được vai trò, lợi ích của thiên địch hay tác hại của việc làm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đến hệ sinh thái đồng ruộng, sức khỏe con người và chất lượng nông sản.

Phương pháp lấy người học là trung tâm, “đồng ruộng là bài học” đã giúp người nông dân hiểu rõ về việc áp dụng IPM vào trồng trọt. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hằng tuần, các học viên sẽ đều ra đồng để điều tra hệ sinh thái ruộng lúa, quan sát điều kiện thời tiết, đất, nước tại ruộng và chỉ tiêu tăng trưởng, phát triển của cây lúa, điều tra đối tượng dịch hại, mật độ thiên địch. Sau đó, các nhóm sẽ cùng thảo luận, vẽ ra bức tranh về sinh thái và đưa ra các biện pháp cần thiết.

“Chúng tôi đã nắm được kỹ thuật đo đếm các chỉ tiêu quan sát và đưa ra quyết định trên thực tế đồng ruộng, biết được ý nghĩa của phân bón, cách bón phân cùng những hiểu biết cơ bản về thuốc bảo vệ thực vật. Tôi cảm thấy rất vui, rất phấn khởi khi được biết thêm những kiến thức, kinh nghiệm quý báu để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp”, bà Sồi cho biết.

Không chỉ được cung cấp về các kiến thức trong trồng lúa theo IPM, các học viên đã hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.

Đan xen với nội dung học tập, nghiên cứu thực tế, trong mỗi buổi học, học viên còn được hướng dẫn và biểu diễn các tiết mục văn nghệ và sáng tác các bài hát về chủ đề lớp học, về IPM. “Học IPM vui lắm, lợi ích nhân đôi, niềm vui trọn vẹn”, một học viên trong lớp học hào hứng bày tỏ.

Học viên lớp IPM vẽ tranh về hệ sinh thái đồng ruộng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Học đến đâu, tuyên truyền đến đó

Sau lớp học, mỗi học viên đã trở thành một tuyên truyền viên để cùng lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm và lợi ích của IPM đến với những hộ dân xung quanh. Bà Nguyễn Thị Sồi hồ hởi chia sẻ: “Tôi cứ học đến đâu là tuyên truyền đến đó, chị em nông dân ở sát nhau nên chúng tôi còn dẫn ra những ruộng mẫu để xem thực tế và kiểm nghiệm. Mặc dù không được thực tế học nhưng mọi người cũng đã hiểu và vận dụng được vào cây trồng của chính gia đình mình”.

Theo bà Sồi, việc học không chỉ cho riêng bản thân của mình hay cây trồng của nhà mình mà còn là cho những bà con nông dân xung quanh. Tất cả vì mục tiêu tăng năng suất, chất lượng cây trồng để từ đó giúp người nông dân có thêm thu nhập, cuộc sống thêm ổn định, ấm no.

Không chỉ riêng bà Sồi, các học viên khác cũng đã và đang tích cực để hướng dẫn các hộ dân xung quanh cùng thực hiện khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi phương pháp sản xuất truyền thống để tạo nên những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và bảo vệ sức khỏe cho chính những người sản xuất.

Các học viên phấn khởi khi được nhận giấy chứng nhận, sau khóa học họ sẽ trở thành những tuyên truyền viên IPM. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Nguyễn Khắc Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh, thông tin: “Trong năm 2025, Chi cục sẽ tổ chức thêm nhiều lớp IPM cho cây lúa, cây rau màu… để bà con nông dân có thêm kiến thức để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích, từ đó nâng cao thu nhập. Tôi mong rằng qua lớp học, người nông dân trước tiên sẽ sản xuất tốt trên đồng ruộng của chính mình, sau đó tuyên truyền cho các hộ nông dân trên địa bàn để lan tỏa ý nghĩa của lớp học”.

Cùng với đó, trong thời gian tới, Sở NN-PTNT Quảng Ninh phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và các địa phương tổ chức các lớp đào tạo nguồn giảng viên chất lượng để hướng dẫn nông dân hiểu và áp dụng IPM trên đồng ruộng. Với sự nỗ lực đó, ngành nông nghiệp tỉnh nhà mong rằng sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững.

Theo báo cáo tổng kết tại các lớp học, Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho người nông dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn như giảm số lần phun thuốc trên cây trồng từ 1 - 2 lần và công phun thuốc từ 90.000 - 180.000 đồng/sào/vụ, tương đương 2,4 - 4,9 triệu/ha/vụ; năng suất cây trồng tăng trung bình 5 - 10%; lợi nhuận do áp dụng IPM tăng cao (áp dụng IPM trên lúa tăng lợi nhuận khoảng 4.000.000 đồng/ha, áp dụng IPM trên rau tăng lợi nhuận khoảng 9.300.000 đồng/ha).

Đặc biệt, việc khuyến khích sử dụng thuốc thảo mộc tự ủ trong sản xuất rau đã được người dân tích cực ủng hộ, giúp tiết kiệm kinh phí, tạo ra sản phẩm an toàn và góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, áp dụng quản lý dịch hại trên cây trồng còn giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái do việc giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, từ đó tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng.

Nguyễn Thành - Thanh Phương
Tin khác
Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả
Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả

Nuôi kiến vàng giúp vườn cây có múi giảm sâu bệnh, nâng cao chất lượng trái, tiết kiệm chi phí nhưng ít nhà vườn áp dụng.

Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng
Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng

YÊN BÁI Theo kinh nghiệm, hành và tỏi có chứa các hợp chất tự nhiên có khả năng xua đuổi nhiều loại côn trùng gây hại.

Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa
Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa

Tại ĐBSCL, các địa phương đã thả hàng trăm triệu con ong ký sinh cùng các thiên địch khác để khống chế dịch sâu đầu đen hại dừa.

NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ
NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ

Hà Tĩnh sẽ đưa các giống chè mới chất lượng tốt và khả năng chịu hạn vào sản xuất như PH8, PH9, LCT1, TRI5.0 PH22, Hương Bắc Sơn…

Giải pháp sạ cụm với canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL
Giải pháp sạ cụm với canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL

Sạ cụm, đặc biệt là sạ cụm kết hợp bón vùi phân là giải pháp cơ giới hóa khâu xuống giống hiệu quả, thúc đẩy canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đẩy lùi nỗi lo về tuyến trùng và vàng lá thối rễ trên cây trồng
Đẩy lùi nỗi lo về tuyến trùng và vàng lá thối rễ trên cây trồng

Trước mối nguy thầm lặng của tuyến trùng và bệnh vàng lá thối rễ do Fusarium sp. gây ra, hàng trăm nhà khoa học đã cùng thảo luận các biện pháp phòng trừ bệnh hại nguy hiểm này.

'Chẩn đoán' các bệnh trên cây trồng do nấm Fusarium và tuyến trùng
'Chẩn đoán' các bệnh trên cây trồng do nấm Fusarium và tuyến trùng

TS. Hà Minh Thanh - Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật - cung cấp thông tin về một số triệu chứng bệnh do nấm Fusarium và tuyến trùng gây ra trên cây trồng.

Hướng dẫn trồng rau ăn lá thủy canh
Hướng dẫn trồng rau ăn lá thủy canh

So với trồng rau trên đất, trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm như tối ưu không gian sản xuất, tiết kiệm nước, ít tốn công chăm sóc, hạn chế sâu bệnh, dễ dàng kiểm soát về an toàn thực phẩm… Thạc sĩ Ngô Xuân Chinh - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam hướng dẫn bà con một cách chi tiết kỹ thuật trồng rau ăn lá theo phương thức này.

Hướng dẫn trồng chuối đảm bảo yêu cầu xuất khẩu
Hướng dẫn trồng chuối đảm bảo yêu cầu xuất khẩu

Chuối nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn của nước ta. Hiện chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái của cả nước, sản lượng ước tính 2 triệu tấn/năm. Việt Nam được đánh giá là điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển loại trái cây này. Các kỹ sư, kỹ thuật viên của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) - công ty trồng và xuất khẩu chuối hàng đầu Việt Nam hướng dẫn quy trình trồng chuối đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Hướng dẫn nuôi trồng rong sụn trong vùng nuôi nhuyễn thể
Hướng dẫn nuôi trồng rong sụn trong vùng nuôi nhuyễn thể

Ông Đặng Xuân Tiến, quản lý dự án nuôi trồng rong sụn, Công ty Cổ phần Tập đoàn STP (STP Group) hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi trồng rong sụn trong vùng nuôi nhuyễn thể, phương thức thu hoạch và sơ chế bảo quản rong sụn tốt nhất.

Hướng dẫn trồng tam thất hoang
Hướng dẫn trồng tam thất hoang

Tam thất hoang là một loại thảo dược quý giá, tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc. Tam thất hoang cùng chi với sâm Ngọc Linh, có hoạt chất Saponin giá trị không kém sâm Ngọc Linh. Tam thất được coi là 'vàng trắng' trong ngành Lâm nghiệp. Video: TS Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, hướng dẫn cách trồng cây tam thất hoang dưới tán rừng, cách thức thu hoạch, sơ chế, bảo quản củ tam thất đảm bảo chất lượng.

Hướng dẫn trồng rừng tếch sản xuất gỗ lớn
Hướng dẫn trồng rừng tếch sản xuất gỗ lớn

Gỗ tếch là một trong những loại gỗ nổi tiếng nhất thế giới với các đặc tính như màu sắc và vân gỗ đẹp, nhẹ, độ bền cao, chống mối mọt tốt và không nứt vỡ. Việt Nam có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để trồng gỗ tếch. TS. Đặng Thịnh Triều - Viện Nghiên cứu Lâm sinh hướng dẫn quý vị và bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc tếch hiệu quả cao nhất.

Sự kiện