Giới khoa học muốn thay đổi hàng trăm danh pháp thực vật mang tính nhạy cảm

Hoa Lay Ơn - Thứ Năm, 26/09/2024 , 10:35 (GMT+7)

Lần đầu tiên, các nhà thực vật học đang cân nhắc việc loại bỏ hoàn toàn những tên loài thực vật mang tính xúc phạm các cộng đồng người dân bản địa.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tên khoa học của cây san hô châu Phi có tính phân biệt chủng tộc trong cách đặt tên của nó. Ảnh: Wikimedia Commons.

Thời gian qua, các nhà khoa học đề nghị thay đổi tên của những loài thực vật có chứa ngôn từ phân biệt chủng tộc. Đồng thời, họ khuyến khích việc tổ chức một hội đồng để xem xét và đề xuất tên mới cho các loài cây, thay thế những tên gọi cũ không phù hợp. Dự kiến quá trình thay đổi này sẽ bắt đầu từ năm 2026.

Bà Alina Freire-Fierro, nhà thực vật học đến từ Đại học Kỹ thuật Cotopaxi (Hoa Kỳ) là một trong những người tích cực kêu gọi bỏ phiếu và đề xuất việc thay đổi tên các loài thực vật mang tính xúc phạm. Tại Đại hội Thực vật Quốc tế, tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha, bà kêu gọi: “Đã đến lúc chúng ta cần hành động và loại bỏ những tên gọi không phù hợp với thời đại”. Cuộc bỏ phiếu kín tại sự kiện này thu hút 556 nhà thực vật học tham gia, trong đó 63% đồng thuận với đề xuất.

Một đề xuất điển hình là việc bỏ chữ "c" khỏi hơn 300 tên khoa học của các loài cây, tảo và nấm. Chẳng hạn, một loài cây có tên phiên âm là Caf[e]r- hoặc Caff[e]r-, được đặt tên trong thời kỳ phân biệt chủng tộc "Apartheid" ở Nam Phi (1948 – 1994). Các nhà khoa học đề xuất thay đổi tên loài này thành Affra, với ý nghĩa chỉ đơn giản là loài cây này có nguồn gốc từ châu Phi. Việc làm này giúp tên gọi trở nên trung lập và không phân biệt bất kỳ cộng đồng nào.

Nhà thực vật học Gideon Smith, một chuyên gia về phân loại thực vật tại Đại học Nelson Mandela, chia sẻ: “Chúng tôi rất biết ơn sự ủng hộ từ các đồng nghiệp trên khắp thế giới. Họ đã giúp chúng tôi đưa ra những lập luận thuyết phục để loại bỏ những tên loài thực vật mang tính nhạy cảm, gợi nhớ về những thời kỳ lịch sử mà con người không muốn nhắc lại”.

Từ năm 2021, vấn đề này đã được đưa ra tranh luận và ngày càng thu hút sự chú ý. Một số nhà nghiên cứu ủng hộ việc khôi phục tên gọi bản địa cho các loài cây và thay đổi những tên gọi phản cảm. Ví dụ, một loài cây có tên tiếng Anh là Hibbertia, được đặt theo tên của George Hibbert, một nhà thực vật học nghiệp dư người Anh và cũng là người có công trong phong trào chống chế độ nô lệ vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Mặc dù tên “Hibbertia” không mang tính xúc phạm, nhưng một số nhà khoa học vẫn đề xuất loại bỏ những tên gọi tôn vinh cá nhân. Họ lập luận rằng việc đặt tên theo con người không còn phù hợp với nguyên tắc bình đẳng và đại diện cho mọi người.

Cây san hô, trước đây được gọi là Erythrina caffra, hiện đã được đổi thành Erythrina affra. Ảnh: Wikimedia Commons.

Tuy nhiên, quan điểm này cũng vấp phải sự phản đối từ một số nhà khoa học khác. Họ cho rằng những tên gọi đã được chấp nhận theo danh pháp khoa học - là hệ thống thuật ngữ, quy tắc được dùng để đặt tên trong các lĩnh vực khoa học - không nên bị ảnh hưởng bởi các phong trào hay tranh cãi xã hội đương thời. Theo họ, danh pháp khoa học là một hệ thống mang tính ổn định, không nên thay đổi dựa trên những biến động tạm thời trong xã hội.

Các nhà phân loại học trong lĩnh vực thực vật thường miễn cưỡng thay đổi tên của các loài thực vật, vì việc này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như gây rối loạn hoặc xáo trộn hệ thống dữ liệu hiện có. Trong một số trường hợp, điều này còn liên quan đến các thủ tục pháp lý. Dù vậy, tại Đại hội Thực vật Quốc tế, các nhà khoa học đã bỏ phiếu cho những thay đổi trái ngược với quyết định của Ủy ban Quốc tế về Danh pháp Động vật học đưa ra một năm trước đó. Ủy ban này khẳng định sẽ không xem xét việc thay đổi tên các loài động vật, ngay cả khi một số tên được coi là xúc phạm.

Một chuyên gia từ Vườn Bách thảo Vuơng quốc Bỉ tham dự sự kiện cho biết: “Ngay cả những thay đổi nhỏ, chẳng hạn như việc thay đổi một phụ âm trong tên, cũng có thể gây ra những tác động không lường trước”. Điều này cho thấy áp lực và sự xung đột đã diễn ra trong suốt quá trình thảo luận.

Trong sự kiện, các nhà thực vật học cũng thảo luận về một đề xuất mở rộng việc thay đổi các tên gọi hiện tại bị coi là xúc phạm về mặt văn hóa. Đề xuất này bao gồm việc thành lập một ủy ban thường trực mới để xử lý các quyết định liên quan đến việc đổi tên trong tương lai.

Tuy nhiên, trước khi được đưa ra bỏ phiếu, đề xuất đã được sửa đổi. Thay vì thành lập một nhóm mới, một ủy ban hiện có, chuyên đánh giá các tên không hợp lệ vì những lý do khác (như đã được phát hiện trước đó), sẽ tiếp nhận và xử lý các yêu cầu thay đổi tên bị coi là mang tính khiếm nhã.

Ủy ban này sẽ chỉ xem xét các khiếu nại về tên khoa học mới được công bố sau ngày 1/1/2026, và sẽ không áp dụng hồi tố cho các tên đã được sử dụng trước đó. Hồi tố chỉ được thực hiện trong các trường hợp đặc biệt, nhằm bảo đảm lợi ích chung cho xã hội. Một đại diện của Cộng đồng Khoa học nhận xét: “Chúng ta có thể xử lý các tên mới, nhưng rõ ràng vấn đề này ít nghiêm trọng hơn so với các tên đã tồn tại từ trước”.

Đối với những nhà thực vật học muốn tiếp tục đấu tranh để thay đổi những tên loài thực vật có tính nhạy cảm và xúc phạm đã tồn tại, vấn đề này sẽ được tiếp tục xem xét và báo cáo tại kỳ họp tiếp theo của Đại hội Thực vật Quốc tế, diễn ra sau 6 năm nữa.

Hoa Lay Ơn
Tin khác
Indonesia đẩy mạnh startup xe điện, chiếm lĩnh chuỗi giá trị
Indonesia đẩy mạnh startup xe điện, chiếm lĩnh chuỗi giá trị

Indonesia đang nuôi tham vọng trở thành trung tâm sản xuất xe điện và pin toàn cầu, nhờ tài nguyên, chính sách thuận lợi và làn sóng startup sáng tạo.

Canada: Một trường cao đẳng mở chương trình đào tạo AI trong ngành thủy sản
Canada: Một trường cao đẳng mở chương trình đào tạo AI trong ngành thủy sản

Trường Excel Career College triển khai một chương trình đào tạo hoàn toàn miễn phí, nhằm trang bị kiến thức về ứng dụng AI cho lực lượng lao động trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Tiếp viên hàng không về quê nuôi lợn, 2 tháng kiếm 686 triệu đồng
Tiếp viên hàng không về quê nuôi lợn, 2 tháng kiếm 686 triệu đồng

Một nữ tiếp viên hàng không ở Trung Quốc đã nghỉ việc và quay về quê nhà để làm nghề nuôi lợn, kiếm được 28.000 USD, tương đương 686 triệu đồng chỉ trong 2 tháng.

Tây Ban Nha: Doanh thu ngành công nghiệp thịt đạt 34,2 tỷ euro năm 2024
Tây Ban Nha: Doanh thu ngành công nghiệp thịt đạt 34,2 tỷ euro năm 2024

Xét theo toàn bộ chuỗi giá trị, bao gồm chăn nuôi và bán lẻ, Tây Ban Nha có ngành công nghiệp thịt đang tạo ra khoảng 700.000 việc làm...

Quy hoạch tốt, nuôi biển bền vững, giảm tác động đến đa dạng sinh học
Quy hoạch tốt, nuôi biển bền vững, giảm tác động đến đa dạng sinh học

Với quy hoạch cẩn thận, có thể mở rộng nuôi biển để cung cấp thực phẩm cho hàng tỷ người nhưng vẫn giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học biển.

Brazil liệu có trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu tôm hàng đầu tại Mỹ Latinh?
Brazil liệu có trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu tôm hàng đầu tại Mỹ Latinh?

Để đạt được mục tiêu này, theo Chủ tịch ABCC Itamar Rocha, ngành tôm Brazil cần đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu, nâng cao năng lực chế biến…

Trung Quốc thử nghiệm thành công nhiều giống trái cây mới
Trung Quốc thử nghiệm thành công nhiều giống trái cây mới

Thông qua việc bảo tồn nguồn giống dứa trên thế giới, Viện Nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc đã nghiên cứu chọn giống, lai tạo thành công hai giống dứa đỏ.

Tạo ra sản phẩm chăm sóc da từ sầu riêng non
Tạo ra sản phẩm chăm sóc da từ sầu riêng non

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) đã thành công khi biến sầu riêng thành một thành phần đột phá cho các sản phẩm chăm sóc da cao cấp, dựa trên công nghệ xanh và các phương pháp bền vững.

Trung Quốc tăng năng suất ngũ cốc và dầu ăn trên diện tích lớn
Trung Quốc tăng năng suất ngũ cốc và dầu ăn trên diện tích lớn

Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, tăng năng suất cây ngũ cốc và dầu ăn trên diện tích lớn khu vực cấp xã, huyện, thành phố là nhiệm vụ chính năm 2025.

Nông dân Mỹ biến len thải thành phân ủ, giữ nước cho đất qua mùa hạn
Nông dân Mỹ biến len thải thành phân ủ, giữ nước cho đất qua mùa hạn

Ông Albert Wilde tiên phong sử dụng phụ phẩm len cừu để bổ sung dinh dưỡng hữu cơ, cung cấp dưỡng chất cho cây trồng thay cho phân bón hóa học.

Thụy Điển xây dựng thành phố lớn nhất thế giới làm hoàn toàn bằng gỗ
Thụy Điển xây dựng thành phố lớn nhất thế giới làm hoàn toàn bằng gỗ

Ở vùng ngoại ô của thủ đô Stockholm, Thụy Điển đang triển khai dự án xây dựng 'Thành phố gỗ Stockholm', dự kiến sẽ mang đến 2.000 ngôi nhà mới vào năm 2027.

Tờ báo ‘xanh’ của Nhật Bản làm từ giấy hạt giống
Tờ báo ‘xanh’ của Nhật Bản làm từ giấy hạt giống

Ấn phẩm đặc biệt được gọi là Báo Xanh tích hợp cả hạt giống trong từng tờ giấy, cho phép bạn đọc gieo trồng hạt sau khi đọc xong tin tức.

Sự kiện