| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM: Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tốt

Thứ Ba 11/05/2021 , 21:19 (GMT+7)

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng kinh tế TP.HCM trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức tăng trưởng tốt, kinh tế đang dần phục hồi và phát triển.

Cuộc họp báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh trên địa bàn TP.HCM trong 4 tháng đầu năm. Ảnh: TTBC.

Cuộc họp báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh trên địa bàn TP.HCM trong 4 tháng đầu năm. Ảnh: TTBC.

Chiều 11/5, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh trên địa bàn TP.HCM trong 4 tháng đầu năm.

Các sở ngành cho hay, dù chịu tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng tình hình phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM vẫn phát triển khả quan.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 4 tháng đầu năm ước đạt 366.234 tỷ đồng, tăng 7,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp cũng ước tăng 9,7% so với cùng kỳ… Đây là tín hiệu tích cực của tăng trưởng kinh tế Thành phố giữa lúc nhiều nước trên thế giới đang căng mình đối phó làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần thứ 3.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Ngoài ra, đối với bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu trong 4 tháng đầu năm cũng có mức tăng trưởng cao tăng 12% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng chung của toàn ngành. Cụ thể, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 28%; ngành hóa dược - cao su - nhựa ước tăng 2,4%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước tăng 7,4%; ngành cơ khí ước tăng 17,5%.

“Để duy trì sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp, TP.HCM tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu; xây dựng và hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ của thành phố làm động lực để phát triển các ngành công nghiệp khác…

Ngoài ra, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; thường xuyên tổ chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử, tổ chức các chương trình bình ổn giá…”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong 4 tháng đầu năm tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 140.300 tỷ đồng, đạt 38% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 101.493 tỷ đồng, đạt 40% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 38.800 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 19.165,920 tỷ đồng, đạt 19,76% dự toán.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 3.700 tỷ đồng (tăng 1,7% so cùng kỳ), trong đó, trồng trọt tăng 2,4% so cùng kỳ, chăn nuôi tăng 1,1% so cùng kỳ, thủy sản tăng 1% so cùng kỳ. Đặc biệt, chim yến đang là sản phẩm tiềm năng của TP.HCM với sản lượng tăng 4,1 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,85 triệu đô, giảm 0.4% so với cùng kỳ.

Về xây dựng nông thôn mới, ông Hiệp cho biết, hiện nay thành phố đã có 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn hai xã ở huyện Củ Chi là An Phú và Tân Thuận Đông. Về huyện nông thôn mới, ngoài huyện Cần Giờ vừa được Thủ tướng trao quyết định công nhận huyện nông thôn mới thì TP.HCM đang lấy ý kiến để hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan ban ngành thẩm định công nhận huyện Bình Chánh là huyện nông thôn mới. “Sau khi huyện Bình Chánh được công nhận huyện nông thôn mới, sẽ làm hồ sơ trình hội đồng Trung ương công nhận TP.HCM đạt chuẩn nông thôn mới”, giám đốc Sở NN-PTNT cho hay.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thông qua các báo cáo của các sở ngành cho thấy các chỉ số kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2021 của TP.HCM khá khả quan và có mức tăng trưởng tốt. “Đây là niềm vui, phấn khởi, trong một điều kiện dịch bệnh như thế, nhưng hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực đều tăng trong 4 tháng đầu năm 2021. Chính vì vậy, chúng ta càng thấy trách nhiệm của chúng ta hiện nay trong công tác phòng chống dịch Covid-19 là một trách nhiệm hết sức nặng nề, nếu không nó sẽ làm gãy đổ tất cả những nỗ lực của chúng ta trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, trong thời gian tới, các đơn vị, sở ngành, UBND quận huyện và thành phố Thủ Đức cần hết sức cảnh giác, không được lơ là trong công tác chống dịch Covid-19. Hiện nay việc phòng chống dịch Covid-19 là ưu tiên số 1 của TP.HCM. Thủ trưởng các đơn vị như du lịch, các khu công nghiệp, giao thông vận tải… phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng dịch ở mức cao nhất.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19 và triển khai hiệu quả chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực. Để hỗ trợ doanh nghiệp thành phố vượt qua khó khăn, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Xem thêm
Gần 400 doanh nghiệp lương thực, thực phẩm tìm cơ hội mở rộng thị trường

TP.HCM HCMC FOODEX 2025 quy tụ gần 400 doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến sâu, gia vị, phụ gia, công nghệ chế biến...

Khai báo hàng tháng rất quan trọng khi đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp

HÀ NỘI Trong thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, người lao động phải đến khai báo hàng tháng theo lịch hẹn ghi trên quyết định hưởng.

Agribank ưu đãi tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản

Agribank đăng ký triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản quy mô 20.000 tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Cần minh bạch, kiểm soát sở hữu chéo khi tái cơ cấu ngân hàng

TP.HCM Để quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả, cần có chính sách minh bạch, khung pháp lý chặt chẽ, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

3 hội chợ nông sản lớn sắp diễn ra tại Trung Quốc

Ba hội chợ lớn tại Trung Quốc năm 2025 mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt bứt phá, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi phân phối hiện đại và bền vững.