Moscow và Kiev đã tổ chức 2 vòng đàm phán trực tiếp tại Istanbul trong năm nay. Tại một cuộc họp vào tháng trước, hai bên đã trao đổi dự thảo bản ghi nhớ phác thảo lộ trình chấm dứt xung đột và đồng ý về một đợt trao đổi tù nhân mới.
Hãng thông tấn TASS trước đó đã đưa tin, trích dẫn một nguồn tin nội bộ, rằng một vòng đàm phán mới sẽ diễn ra vào ngày 24/7.
Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov - người dẫn đầu phái đoàn của Kiev tại các cuộc đàm phán trước đó, đã đề xuất ngày 23/7 là ngày tổ chức cuộc họp tiếp theo, theo ông Zelensky.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Euronews.
"Tôi đã thảo luận với ông Rustem Umerov về việc chuẩn bị trao đổi tù binh chiến tranh và một cuộc họp khác ở Thổ Nhĩ Kỳ với phía Nga. Ông Umerov báo cáo rằng cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 23/7", Tổng thống Ukraine nói.
Chương trình nghị sự của Kiev cho các cuộc đàm phán sắp tới bao gồm các vấn đề nhân đạo, như trao đổi tù binh chiến tranh và đàm phán về một cuộc họp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo hai nước, ông Zelensky cho biết trong một tuyên bố trước đó cùng ngày.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng cần có thêm "những nỗ lực ngoại giao rất lớn", vì các bản ghi nhớ hòa bình của Nga và Ukraine "hoàn toàn trái ngược". Thành phần của phái đoàn Nga không có thay đổi nào, ông nói với các phóng viên hôm 21/7.
Bản ghi nhớ của Moscow yêu cầu công nhận pháp lý đối với các khu vực Crimea, Lugansk, Donetsk, Zaporozhye và Kherson là một phần lãnh thổ của Nga, cũng như rút hoàn toàn các lực lượng quân sự và bán quân sự của Ukraine khỏi các vùng lãnh thổ này. Phía Nga cũng yêu cầu Ukraine chấp nhận tình trạng trung lập và không tham gia các liên minh quân sự và liên minh như NATO. Nước này cũng phải hạn chế quy mô của lực lượng vũ trang, cùng với một số điểm khác.
Bản ghi nhớ của Kiev kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện, khẳng định rằng Ukraine sẽ không bị buộc phải trung lập, bao gồm cả lựa chọn trở thành thành viên chính thức của NATO, và yêu cầu nhận được "đảm bảo an ninh mạnh mẽ" từ các nước phương Tây.
Nga đã lên tiếng phản đối các nỗ lực do Anh và Pháp dẫn đầu nhằm triển khai quân đội "gìn giữ hòa bình" ở Ukraine trong trường hợp đạt được một lệnh ngừng bắn. Moscow đã cảnh báo rằng bất kỳ lực lượng NATO nào trên lãnh thổ Ukraine, dưới vỏ bọc của "lực lượng gìn giữ hòa bình" hoặc danh nghĩa nào khác, sẽ bị coi là mục tiêu quân sự hợp pháp.