
Những hiện vật bằng đá được tìm thấy dọc sông Hồng, đoạn qua địa bàn xã Bảo Hà. Ảnh: Trung Nguyên.
Ngày 15/5, UBND xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên, Lào Cai) thông tin, từ ngày 12-15/5, Đoàn nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng chuyên gia Trường Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) tiến hành khảo sát các di tích thời kỳ tiền sử phục vụ đề tài nghiên cứu “Điều tra, khảo sát các di tích thời kỳ tiền sử dọc sông Hồng ở tỉnh Lào Cai” tại các xã Cam Cọn, Bảo Hà và Kim Sơn.
Trong quá trình khảo sát trên địa bàn xã Bảo Hà, đoàn nghiên cứu đã phát hiện nhiều hiện vật thời kỳ đồ đá cũ tại thôn Bùn 1, Bùn 2, Bùn 3, Bùn 4, Bảo Vinh, Liên Hà 6, Liên Hà 7 và Liên Hải. Những hiện vật này chủ yếu là các công cụ được chế tác bằng đá cuội. Bước đầu cho thấy, tại đây có các dấu vết hoạt động và cư trú của người cổ đại.

Người cổ đại đã chế tác những viên đá thành công cụ dụng cụ sử dụng cho đời sống hằng ngày. Ảnh: Trung Nguyên.
Qua đánh giá sơ bộ, các hiện vật nói trên thuộc Văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, cách đây khoảng 16 nghìn năm. Với những phát hiện này cho thấy xã Bảo Hà có tiềm năng lớn về mặt khảo cổ học, đặc biệt trong việc nghiên cứu thời kỳ tiền sử ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.