
Ảnh mang tính minh họa.
“Ai xuôi về biển, ai ngược lên ngàn
Nghe theo câu hát ru con tìm về”
Chỉ đến khi bà tôi kiên quyết bắt mẹ tôi đi, thì mẹ mới chịu trao lại tôi cho bà, vừa đi vừa như trốn chạy như để khỏi nghe tiếng con khóc với theo… .
Thế mà tôi lại chẳng nhớ gì, vì khi ấy tôi còn nhỏ quá, chưa đầy một tuổi. Nên năm tôi lên 3, lên 4, bỡ ngỡ mới từ Quảng Bình ra Hà Nội, khi một buổi sáng mẹ tôi về nhà ông bà tôi ở 1 Lê Phụng Hiểu tìm con, tôi cứ tưởng đấy là một ai xa lạ, quyết không cho bế, không cho hôn, dù bà tôi mắt đỏ hoe luôn miệng: “Mẹ con đó, mẹ con đó”.
Thế nhưng đến buổi trưa, thì một sự kỳ diệu đã xảy ra. Khi bà tôi thúc ép mãi, tôi mới chịu để cho mẹ tôi bế vào lòng, rồi đặt tôi nằm gối lên đùi mẹ ngủ. Và lời ru của mẹ bỗng cất lên. “A á ru hời ơ hời ru/ Mẹ thương con có hay chăng/ Thương từ khi thai nghén trong lòng/ Mấy nắng sớm chiều mưa ròng/ Chín tháng so chín năm, gian khó tính khôn cùng/ A á ru hời ơ hời ru”.
Có một cái gì lạ quá trong tâm hồn tôi, xao xuyến, rạo rực, kỳ ảo. Tôi mở mắt ra nhìn mẹ. Gương măt tưởng xa lạ của mẹ mới đẹp làm sao, thánh thiện làm sao. Bởi mẹ đang âu yếm nhìn tôi, đang hát ru tôi,bởi bàn tay mẹ đang xoa xoa đầu tôi. Bởi tôi nghe trong lời ru ngọt ngào và âu yếm, có tiếng trái tim mẹ đập, có hương ngát của tâm hồn mẹ bao quanh, có những vì sao lấp lánh và những chân trời với những cánh buồm thắm đỏ. Và có cả những năm kháng chiến dài dằng dặc mà mẹ xa tôi, hẳn không ít đêm mẹ phải ru lộc cây rừng để nguôi nỗi nhớ con.
Mẹ ru để tôi vào giấc ngủ, nhưng chính vì lời ru ấy lại làm đứa trẻ không thể ngủ. Nó cứ chớp chớp mắt nhìn lên gương mặt mẹ, rồi lại giả nhắm mắt lại như sợ bị mẹ phát hiện, rồi lại hé mắt nhìn lên. Như không phải mẹ nữa mà là một bà tiên với những lời ru dịu ngọt như chắp cánh tâm hồn: “Ôm con ra mái hiên nhìn đàn chim rộn ràng hót/ Giữa mùa xuân mừng con sẽ góp phần/ Tương lai con đẹp lắm/ Mẹ ngắm con cười/ A á ru hời ơ hời ru”…
Từ ngày ấy với tôi, mẹ đồng nghĩa với lời ru, và lời ru chính là mẹ…
Sau này từ mặt trận trở về, lấy vợ sinh con ở một miền đất trung du nơi vợ tôi lên dậy học, tối tối tôi vẫn vận chiếc áo lính bạc màu, bế con trong tay ra hiên nhà nhìn những vì sao xa nhấp nháy, và cất lên lời hát ru con với những lời ru của mẹ năm xưa: “Mẹ thương con có hay chăng / Thương từ khi thai nghén trong lòng”.
Nói thật những khi ấy, tôi muốn mang lời ru của mẹ hằng ru tôi đến với cháu. Tôi ít được sống gần mẹ, nên hay nhớ mẹ, và hay thích hát những lời ru để nguôi nhớ mẹ, để mang trái tim của mẹ, một trái tim đầy yêu thương và trắc ẩn đến với con cháu mình…
Rồi sau này những công việc văn chương, báo chí thu hút tôi với nhiều đề tài. Nhưng tôi hay viết hơn cả là về những người lính, và nhất là về cuộc đời những nghệ sỹ. Nào có ai bắt buộc tôi đâu, chỉ là vì tôi yêu mẹ tôi, yêu cuộc đời nghệ thuật và những người bạn nghê thuật của mẹ, yêu những thế hệ nghệ sỹ trẻ mẹ tôi hằng yêu quý và hy vọng, để viết, viêt bằng cả trái tim mình.
Có một điều không hiểu vì sao, như một sự mách bảo của con tim, khi viết về các ca sỹ, tôi thường hay lặng lẽ sưu tầm nghe họ hát “Xa khơi”, hay “Mẹ yêu con”. Và từ đây, sẽ chi phối cảm xúc cho tôi viết, bởi tôi hay viết về phần đời hơn là phần đạo, phần “con tim” nhiều hơn là phần học thuật, lý luận…

Ca sĩ Đào Tố Loan.
Cũng thú thật những ngày tháng qua, TP.HCM nơi tôi sống căng thẳng và nặng nề vô cùng vì là tâm dịch Covid-19. Và thế là giữa tiếng còi hụ xe cứu thương, giữa những tin thông báo về dịch bệnh Covid-19… tôi lặng lẽ trở về với âm nhạc.
Có hai giọng hát thật sự làm tôi choáng, là Đào Tố Loan và Trần Hồng Nhung. Loan làm tôi choáng vì là một giọng hát Opera quá xuất sắc, tôi chưa từng thấy một nghệ sỹ trẻ Việt Nam nào hát được Opera như thế. Thật sự Đào Tố Loan làm tôi khâm phục. Nhưng nếu nói thích, thì tôi thích giọng Trần Hồng Nhung.
Để xem mình có cảm tính không, và cũng để hiểu vì sao một người ca sỹ mình chưa từng gặp một lần ở ngoài đời, mà khi nghe cô hát, cứ như bị bỏ bùa như tiếng hát của Ngọc Tân với tôi năm xưa, tôi gọi điện hỏi nhà báo, cũng kể là Chuyên gia âm nhạc Nguyễn Minh: ”Giọng hát Trần Hồng Nhung thế nào em?” Minh khẳng định ngay: "Hát hay anh ạ. Giọng có cá tính. Lại rất xinh!”.
Lại gọi điện hỏi nhạc sỹ Trần Hữu Bích, từng ở đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói VN năm xưa, là nơi Trần Hồng Nhung công tác hiện nay, cũng từng là phó Ban ca nhạc Đài truyền hình TPHCM, anh Bích nồng nhiệt khen ngợi: “Hồng Nhung hát tốt, giọng mềm, truyền cảm”
Phải nói thật rằng, cỡ như Trần Hồng Nhung, từng tốt nhiệp trung cấp, đại học, rồi là Thủ khoa trên đại học (nghĩa là Thạc sỹ) tại Học Viên Âm nhạc Quốc gia, từng được những bậc thầy xuất sắc như Mỹ Bình, Trung Kiên kèm cặp, rèn giũa nhiều năm tháng, từng được giải Sao Mai rồi Giải âm nhạc quốc tế Asean+3, hẳn không phải là nghệ sỹ bình thường, nếu không nói là một tên tuổi, một thương hiệu lớn, một ca sỹ vào loại hàng đầu hiện nay. Cô hát nhiều bài lắm, dù chỉ một thể loại nhạc đỏ, nhạc trữ tình.
Bởi chất giọng đẹp, kỹ thuật nhuần nhuyễn, biết pha màu cho tiếng hát của mình nhiều sắc màu huyền ảo, nên dẫu nhiều bài thuộc thể loại ”Công Nông Binh” đã hàng chục năm nay người ta hát đến thuộc lòng, nhưng Trần Hồng Nhung vẫn dám cày ải trên những cánh đồng xưa, thêm chút nắng mới, thêm tý mưa phùn…của sáng tạo và tình cảm, thế là thành mới lạ, thành vụ mùa bội thu, mang lại cho người nghe nhiều cảm xúc mới và tràn trề tình yêu.

Ca sĩ Trần Hồng Nhung.
Tất nhiên với tôi, lắng nghe trước hết phải là lắng nghe từ con tim mình. Trong nhiều bài Trần Hồng Nhung thể hiện, cảm xúc với tôi nhất là những bài hát ru. ”Lời ru mùa đông”, “Đất nước lời ru”, “Tìm về lời ru”... và đặc biệt là Mẹ yêu con “A á ru hời ơ hời ru”.
Chị hát mềm nhẹ như sương khói bay lên,trìu mến và khẽ khàng như bóng đêm về, lại khi tươi sáng như bình minh vừa hé rạng trên cánh đồng. Nghe chị hát ru, tôi luôn thấy gợi nhớ về người mẹ thân yêu của mình. Như ngày nào năm xưa tôi lần đầu gặp mẹ, được mẹ hát ru.
Tuổi thơ ấy xa lắm rồi, mà như qua tiếng hát Trần Hồng Nhung, lại như được một tấm vé về tuổi thơ. Với tôi, thật sự trong tiếng hát của người nghệ sỹ trẻ, là một trái tim, là một khối năng lượng tình cảm lớn, mà không phải tiếng hát nào cũng có, không phải tiếng hát nào cũng có thể mang đến cho người nghe... Xin cảm ơn tiếng hát Trần Hồng Nhung, xin cảm ơn những lời ru của chị...