An toàn là "chìa khóa"
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 4/2025 ước đạt 452,6 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả 4 tháng đầu năm 2025 đạt 1,62 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Mặt hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (chiếm 44,8%), Hoa Kỳ (9,6%) và Hàn Quốc (6,2%). So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 3 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Trung Quốc giảm 31,3%, thị trường Hàn Quốc giảm 3,2%, trong khi thị trường Hoa Kỳ tăng 65%.

Việt Nam có nhiều mặt hàng lợi thế để xuất khẩu vào thị trường Trung Đông. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Bên cạnh những khó khăn trong nội tại chuỗi cung ứng, xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2025 chịu tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và xung đột địa chính trị tại một số quốc gia. Nếu các khó khăn về thị trường không sớm được tháo gỡ, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả 8 tỷ USD trong năm nay sẽ khó đạt.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là hướng đi tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
“Khi Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan, trong khi đó Trung Quốc liên tục siết chặt hàng rào kỹ thuật, ngành rau quả không thể phụ thuộc mãi vào một hoặc hai thị trường. Trung Đông và châu Phi là hai điểm đến mới cần được khai thác đúng cách”, ông Nguyễn Đình Tùng nói.
"Dù ở bất kỳ thị trường nào, các doanh nghiệp cũng phải bảo vệ thương hiệu sản phẩm Việt, bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp mình, cũng như bảo vệ chất lượng, tránh cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng đến uy tín quốc gia", ông Nguyễn Đình Tùng, chia sẻ.
Trung Đông - khu vực gồm 16 quốc gia với khoảng 400 triệu dân, là thị trường tiềm năng cho nông sản, thực phẩm Việt Nam. Trong đó tập trung vào 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC): UAE, Ả Rập Xê Út, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman. Các quốc gia này đều là thành viên WTO, đã thiết lập quan hệ thương mại với Việt Nam.
Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE ngày 28/10/2024 cũng mở ra cơ hội lớn cho các mặt hàng nông sản, thủy sản, đồ gỗ, hạt điều, tiêu, trái cây sấy… thâm nhập sâu hơn vào thị trường UAE nói riêng và Trung Đông nói chung.
“Trung Đông là thị trường sử dụng gần như tất cả các sản phẩm của Việt Nam, từ trái cây tươi đến gia vị. Châu Phi là thị trường đang phát triển mạnh nhưng thiếu hụt nguồn cung nội địa, đặc biệt là lương thực và thực phẩm. Việt Nam có thể xem đây là thị trường ngách cho các mặt hàng như rau quả, gạo và hải sản khô. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý yếu tố Halal, bởi mỗi quốc gia có một hệ thống quy định riêng, buộc chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến nghị.
Dù được đánh giá là “dễ tính” hơn so với thị trường Mỹ hay Trung Quốc, thị trường Trung Đông và châu Phi cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt là về điều kiện thanh toán.
“Doanh nghiệp Việt phải hết sức cẩn trọng trong khâu ký kết hợp đồng, không nên vì cạnh tranh mà dễ dãi cho nợ hay chấp nhận thanh toán không rõ ràng. Rủi ro tài chính là rất lớn”, ông Nguyễn Đình Tùng nói và nhấn mạnh, yếu tố then chốt vẫn là sự chủ động của từng doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác, đảm bảo thanh toán an toàn và cam kết hợp tác lâu dài.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần biết tận dụng lợi thế khi hiện nay nhiều hãng tàu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam để lựa chọn mức chi phí logistics ổn định.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, Hiệp hội Rau quả Việt Nam hiện đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương để cung cấp thông tin thị trường, tổ chức xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp. Mặt khác, phối hợp với Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để cảnh báo những doanh nghiệp làm ăn không tốt, từ đó kiểm soát kịp thời.
Khi được hỏi về từ khóa cho chiến lược khai thác thị trường này, ông Nguyễn Đình Tùng không ngần ngại chọn “an toàn”. “An toàn về chất lượng sản phẩm, an toàn trong thanh toán và an toàn trong mối quan hệ hợp tác dài lâu. Đừng vội vàng hay đánh đổi uy tín thương hiệu chỉ vì giá rẻ hay cạnh tranh thiếu lành mạnh. Một sai lầm nhỏ có thể trả giá bằng cả thị trường”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Đình Tùng khuyến nghị.
Chuyển đổi công nghệ, mở rộng thị trường
Nhờ đầu tư bài bản, với hệ thống nhà máy hiện đại, chuyên nghiệp tại Đồng Nai và Ninh Thuận, hiện Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất nha đam và thạch dừa.
GC Food là nhà cung cấp chính sản phẩm nha đam cho các đơn vị Vinamilk, Nutifood và xuất khẩu đến 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, nổi bật tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.

Các nhà máy của GC Food hiện đang áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt, bao gồm FSSC 22000, ISO 22000, Halal, USDA… Ảnh: Nguyễn Thủy.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food cho biết, năm 2025, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm. Theo đó, doanh nghiệp ưu tiên chuyển đổi số toàn diện, tối ưu hóa quy trình vận hành để nâng cao hiệu suất và tiết giảm chi phí. Trong đó, đầu tư mạnh vào công nghệ mới, từ chế biến đến năng lượng tái tạo như điện mặt trời, hệ thống nước nóng sử dụng trong sản xuất.
GC Food cũng chú trọng nâng cao chất lượng cây giống sạch bệnh thông qua công nghệ nuôi cấy mô, hoàn thiện chuỗi giá trị từ giống đến thành phẩm và tận dụng phụ phẩm làm phân bón, hướng đến mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Với thị trường Halal, GC Food đã đạt chứng nhận từ năm 2013 cho sản phẩm nha đam và dừa, và hiện đang cung cấp nguyên liệu cho nhiều thương hiệu trong nước và quốc tế.
"Tại thị trường Trung Đông, dù sản lượng còn khiêm tốn do thói quen tiêu dùng, nhưng chúng tôi vẫn đang tích cực xúc tiến thương mại để mở rộng thị phần. Đây là một trong những thị trường tiềm năng và nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của GC Food", ông Nguyễn Văn Thứ nói.
Ngoài sản phẩm thạch dừa và nha đam, doanh nghiệp này còn tập trung phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn với các loại hoa quả, rau củ như táo, dưa lưới, nho, ổi... với 5 tiêu chí "không biến đổi gen, không thuốc trừ cỏ, không phân bón hóa học, không chất bảo quản". Dù đối mặt với nhiều biến động toàn cầu, GC Food đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 30-40% trong năm 2025 và kiên định với chiến lược phát triển bền vững.