Hai nhà lãnh đạo Thái Lan và Campuchia sẽ gặp nhau tại Malaysia để tiến hành đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt các cuộc giao tranh biên giới dữ dội kéo dài nhiều ngày qua. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang khi cả hai nước vẫn cáo buộc nhau là bên khơi mào các đợt pháo kích mới tại các điểm tranh chấp.
Theo thông báo từ phía Chính phủ Thái Lan, cuộc đàm phán sẽ diễn ra vào chiều 28/7, do quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai dẫn đầu phái đoàn Thái Lan. Phía Campuchia cũng xác nhận Thủ tướng Hun Manet sẽ tham gia, theo thông tin từ phía nước chủ nhà Malaysia.

Quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai và Thủ tướng Hun Manet sẽ có cuộc gặp đầu tiên để đàm phán ngừng bắn tại khu vực biên giới. Ảnh: TTXVN.
Căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia đã gia tăng đáng kể kể từ cuối tháng 5, sau vụ một binh sĩ Campuchia thiệt mạng trong một cuộc đụng độ ngắn tại biên giới. Vụ việc đã đẩy mối quan hệ song phương rơi vào khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng, khiến nội các của Thái Lan đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Cuối tuần trước, giao tranh bùng phát trở lại và leo thang nhanh chóng thành cuộc đụng độ dữ dội nhất giữa hai nước trong hơn một thập kỷ. Tính đến nay, ít nhất 30 người đã thiệt mạng, bao gồm 13 dân thường tại Thái Lan và 8 người tại Campuchia. Hơn 200.000 người đã buộc phải sơ tán khỏi các khu vực giáp biên giới hai nước.
Trong tuyên bố đưa ra tối 27/7, Chính phủ Thái Lan cho biết, cuộc gặp lần này là nỗ lực chung của Malaysia - nước chủ trì ASEAN 2025 và sự tham gia của các quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim được kỳ vọng sẽ trực tiếp chủ trì đàm phán sau khi được cả hai bên ủy thác vai trò trung gian.
Ông Anwar đã đề xuất lệnh ngừng bắn ngay sau khi bạo lực bùng phát hôm 24/7. Trong khi đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ quá trình hòa giải. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio xác nhận rằng các quan chức Bộ Ngoại giao nước này đã có mặt tại Malaysia để hỗ trợ nỗ lực hòa bình, sau khi Tổng thống Donald Trump tin rằng cả hai nhà lãnh đạo đều mong muốn kết thúc xung đột.
"Thật tốt khi Mỹ thúc đẩy lệnh ngừng bắn. Điều đó có thể mang lại hòa bình cho chúng tôi", ông Thavorn Toosawan, một người dân tỉnh Sisaket (Thái Lan) chia sẻ.
Tại hiện trường giao tranh, tình hình vẫn hết sức căng thẳng. Campuchia cáo buộc quân đội Thái Lan đã nã pháo và tiến hành các cuộc tấn công bộ binh tại nhiều điểm dọc biên giới, bao gồm cả các khu đền thờ cổ có giá trị lịch sử. Trong khi đó, phía Thái Lan cho rằng binh lính Campuchia đã khai hỏa vào nhiều khu vực dân cư và triển khai dàn pháo phản lực tầm xa.
Tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia đã kéo dài hàng thập kỷ do chưa được phân định rõ ràng về hai ngôi đền Hindu cổ - Ta Moan Thom và Preah Vihear. Dù Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã tuyên bố vào năm 1962 rằng, đền Preah Vihear thuộc về Campuchia, nhưng Campuchia tìm cách đưa di tích này vào danh sách di sản thế giới UNESCO vào năm 2008.
Campuchia đã đệ trình đơn lên ICJ vào tháng 6 vừa qua nhằm phân xử tranh chấp với Thái Lan. Tuy nhiên, Bangkok khẳng định họ không công nhận thẩm quyền của tòa án này và ưu tiên giải quyết bằng phương thức song phương.
Trong bối cảnh thương vong ngày càng gia tăng và người dân vùng biên phải sống trong cảnh lo sợ, cộng đồng quốc tế đang kỳ vọng cuộc đàm phán tại Malaysia sẽ mở ra lối thoát cho khủng hoảng, tái lập hòa bình và ổn định tại khu vực.