| Hotline: 0983.970.780

Tập huấn lái xe an toàn trong tình huống thiên tai, khẩn cấp

Thứ Bảy 26/04/2025 , 14:47 (GMT+7)

Lái xe là người đưa các đoàn công tác, ban chỉ huy tiếp cận nhanh nhất những vùng xảy ra thiên tai. Dù tình huống khẩn cấp, an toàn phải là ưu tiên hàng đầu.

Sáng 26/4, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tổ chức Tập huấn "Nâng cao năng lực, kỹ năng cho lực lượng trực tiếp, tham gia phục vụ các đoàn công tác trong tình huống khẩn cấp để đảm bảo an toàn khi thi hành công vụ". Đây là lần đầu tiên, một buổi tập huấn chuyên sâu, bài bản được tổ chức dành riêng cho đội ngũ lái xe của các cơ quan liên quan trong công tác phòng chống thiên tai (PCTT) tại Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: Trung Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: Trung Nguyên.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Việt Nam nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai cực đoan. Khi thiên tai xảy ra, các đồng chí lãnh đạo và lực lượng chức năng phải trực tiếp tham gia phòng, chống thiên tai. Mục tiêu cao nhất là làm sao tiếp cận ngay tới các khu vực bị tàn phá, trực tiếp chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại. Để đảm bảo an toàn cho những chuyến đi, đội ngũ lái xe có vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần mang lại hiệu quả kép cho công tác ứng phó thiên tai: vừa bảo đảm an toàn cho lãnh đạo vừa giúp công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời và hiệu quả.

“Thời gian qua, công tác điều hành, lái xe phục vụ lãnh đạo Bộ và các đoàn công tác trong các hoạt động chỉ đạo PCTT đã được thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, thực tế vẫn ghi nhận một số sự cố nguy hiểm xảy ra trong quá trình di chuyển, như: xe nổ lốp, lái xe mệt mỏi do thiếu thời gian nghỉ ngơi, mất liên lạc gây sai lệch hành trình… Dù chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng đây là những vấn đề cần rút kinh nghiệm sâu sắc, và phải được khắc phục thông qua các giải pháp thiết thực, trong đó có công tác tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng xử lý tình huống và chia sẻ bài học thực tiễn”, Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thạch, nguyên Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT, Bộ Giao thông vận tải chia sẻ kỹ năng lái xe an toàn trong trường hợp thiên tai. Ảnh: Trung Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Thạch, nguyên Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT, Bộ Giao thông vận tải chia sẻ kỹ năng lái xe an toàn trong trường hợp thiên tai. Ảnh: Trung Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Thạch – Phó Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT, Bộ Giao thông vận tải chia sẻ: Bên cạnh những vấn đề an toàn khi lái xe thông thường, với những chuyến đi tới vùng thiên tai, người lái xe cần làm tốt công tác chuẩn bị trước khi khởi hành. Trong đó bao gồm kiểm tra đối với xe, kiểm tra dụng cụ hậu cần mang theo (mũ, ủng, áo mưa, đèn pin, túi thuốc cá nhân, tư trang, nước uống, lương khô, dây sạc điện thoại...). Điều này rất quan trọng do các cuộc công tác vùng thiên tai thường đi vào địa hình hiểm trở, thường xuyên gặp tình huống mưa to, sương mù, đường ngập nước, sạt lở... Mỗi tình huống sẽ có kỹ thuật xử lý khác nhau, buộc người lái xe phải đánh giá được mức độ nguy hiểm để đưa ra quyết định.

Chia sẻ kinh nghiệm chuyến đi khắc phục hậu quả cơn bão Yagi tháng 9/2024, ông Nguyễn Mạnh Cường, lái xe thuộc Cục Quản lý đê điều và PCTT cho biết: Có những đoạn đường nhiều nguy cơ mà lực lượng giao thông đã cấm đường, hạn chế đi lại, do nhiệm vụ nên đoàn công tác vẫn đi qua. Khi phát hiện đất đá rơi xuống, xe của đoàn đã lùi lại để khoảng cách an toàn. Quả nhiên, chỉ vài phút sau đã xảy ra sạt lở. Việc di chuyển trong điều kiện mưa to, trời tối và địa hình đồi núi đòi hỏi lái xe phải giữ tinh thần tỉnh táo để quan sát các dấu hiệu nguy hiểm. 

Việc chuẩn bị lương thực là cần thiết khi vào vùng thiên tai. Ảnh: Trung Nguyên.

Việc chuẩn bị lương thực là cần thiết khi vào vùng thiên tai. Ảnh: Trung Nguyên.

Cũng về tình huống sạt lở, ông Trần Văn Sơn, lái xe Cục Quản lý và xây dựng công trình thủy lợi cho biết: Kinh nghiệm đi qua các đoạn đường nguy cơ sạt lở là các xe không được nối đuôi nhau, phải đi số thấp và giữ đều ga. Điều này giúp tránh sự cộng hưởng, giảm độ rung lắc có thể tác động lên mặt đường, vách núi có thể gây kích hoạt sạt lở.

Một tình huống cũng được nhiều lái xe chia sẻ là đường bị ngập sâu. Nguyên tắc là xác định độ sâu của vùng bị ngập nước không vượt quá tâm bánh xe. Độ sâu an toàn với xe sedan gầm thấp là 25 cm, đối với xe gầm cao khoảng 35 cm; trong trường hợp cần thiết có thể cộng thêm 15 cm. Lái xe cần tắt tất cả các phụ tải không cần thiết như điều hòa, hệ thống giải trí trên xe để giảm tải cho động cơ, đi số thấp (số 1 hoăc 2) và đi đều ga, tránh tăng ga lấy đà.

Nếu đánh giá thấy không an toàn, nhất quyết không đi qua vì tai nạn có thể xảy ra chỉ trong vài giây. Khi đó, ngoài việc bản thân gặp nguy hiểm, chính đoàn cứu nạn lại trở thành đối tượng phải được cứu hộ, cứu nạn, gây khó khăn chồng chất cho các địa phương đang chịu thiệt hại bởi thiên tai.

Các lái xe được hướng dẫn kỹ năng sơ cứu. Ảnh: Trung Nguyên.

Các lái xe được hướng dẫn kỹ năng sơ cứu. Ảnh: Trung Nguyên.

Cũng tại buổi tập huấn, các lái xe đã được hướng dẫn những kỹ năng sơ cứu cơ bản và sơ cứu trong những hình huống khẩn cấp như chảy máu sốc, chấn thương cột sống, sơ cứu nạn nhân bị vùi lấp, sơ cứu trẻ em...

Xem thêm
Rủ nhau đi mò trai bắt ốc, một học sinh lớp 7 đuối nước tử vong

QUẢNG NINH Trên địa bàn phường Vàng Danh (TP Uông Bí, Quảng Ninh) vừa xảy ra vụ đuối nước khiến một học sinh lớp 7 tử vong khi cùng nhóm bạn đi mò trai, bắt ốc.

Trắng đêm săn cá mòi ngược nước sông Lam

Đêm, khi mọi người vào giấc ngủ thì trên sông Lam, người dân các làng chài vẫn lặn lội với công việc mưu sinh: săn cá mòi ngược nước.