Trong đó, EU đã công bố chiến lược dệt may bền vững với mục tiêu đến năm 2030, 100% sản phẩm dệt may trên thị trường EU phải bền vững, có thể sửa chữa và tái chế.
Liên quan đến định hướng này, Viện Nghiên cứu Môi trường Thụy Điển (IVL) đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá tác động môi trường khi tăng tỷ lệ tái chế hàng dệt may lên 10% vào năm 2035. Kết quả cho thấy, nếu đạt được mục tiêu này, có thể giảm tới 92% tác động khí hậu so với kịch bản không thay đổ, tương đương khoảng 440.000 tấn CO2 mỗi năm. Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra mức cải thiện đáng kể đối với tình trạng thiếu nước, với lượng nước tiết kiệm lên tới 8,8 tỷ m³/năm.

Tái chế hàng dệt may sẽ đóng góp tích cực cho nỗ lực hành động vì khí hậu. Ảnh: EC.
Theo nhóm nghiên cứu, mức giảm trung bình về tác động đến khí hậu so với hoạt động “kinh doanh như thường lệ” là 0,5%. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi lớn, dao động từ 87% đến 95%, tùy thuộc vào các yếu tố vận hành và chính sách. Trong khi đó, tác động lên tài nguyên nước được ghi nhận gần như không thay đổi theo kịch bản khác nhau, cho thấy tái chế hàng dệt may luôn mang lại lợi ích rõ rệt về mặt tiết kiệm nước.
Nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc giảm sản lượng sợi sơ cấp (sợi nguyên sinh) và tăng cường tái chế sợi thành sợi như là hai yếu tố quyết định tác động môi trường. Ngoài ra, việc khử carbon hệ thống năng lượng tại châu Âu đến năm 2035 cũng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả môi trường của tái chế dệt may.
IVL đã đánh giá vòng đời sản phẩm và tác động môi trường của năm yếu tố trong chuỗi tái chế hàng dệt may, bao gồm: Tăng cường thu gom và phân loại; mở rộng quy mô tái chế; giảm thiểu lượng hàng bị đốt hoặc chôn lấp; giảm sản xuất sợi nguyên sinh; và bù đắp lượng năng lượng giảm do hạn chế đốt rác. Nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp phân tích Monte Carlo để đánh giá các biến số ảnh hưởng và xác định mức độ nhạy cảm của các kết quả trước những thay đổi như tốc độ khử cacbon hoặc hiệu suất thay thế của sợi tái chế.
Tuy nhiên, các tác giả cũng lưu ý rằng, tái chế hàng dệt may hiệu quả đòi hỏi công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng hơn và cần đảm bảo chất lượng sợi tái chế đủ cao để thay thế cho sợi nguyên sinh. Điều này có thể đạt được thông qua các công cụ chính sách như thuế tài nguyên nguyên sinh, chỉ tiêu bắt buộc hoặc các chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ tái chế.
Tái chế sợi thành sợi được xem là yếu tố then chốt để đạt được các mục tiêu môi trường của EU, nhưng vẫn còn nhiều rào cản trong hệ thống thu gom và phân loại, vốn có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia thành viên. Từ năm 2025, EU sẽ yêu cầu các quốc gia thiết lập luồng thu gom riêng cho hàng dệt may đã qua sử dụng – đây được xem là nền tảng quan trọng để tái chế quy mô lớn.
Dù ngành thời trang nhanh đang đặt ra nhiều thách thức về tính bền vững, tỷ lệ tái chế hàng dệt may trên toàn cầu hiện mới chỉ đạt khoảng 1% so với lượng bị thải bỏ. Tuy nhiên, với sự phát triển và mở rộng quy mô công nghệ tái chế sợi, tỷ lệ này được kỳ vọng có thể tăng lên 26% vào năm 2030.
Nghiên cứu của IVL được xem là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm định lượng tác động môi trường của tái chế hàng dệt may ở quy mô lớn tại châu Âu. Đây là cơ sở quan trọng để EU phân bổ nguồn lực hiệu quả, hỗ trợ các chính sách kinh tế tuần hoàn, đồng thời thúc đẩy ngành dệt may hướng đến một tương lai xanh và bền vững hơn.