Vụ cháy tại chợ đồ cũ lớn nhất Ghana - Kantamanto ở Accra ngay đầu năm nay đã khiến hơn 8.000 người mất kế sinh nhai, đồng thời thổi bùng tranh luận về hệ lụy môi trường do thời trang nhanh và đồ cũ nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ.

Cảnh từ Chợ Kantamanto. Ảnh: Kevin McElvaney/Greenpeace.
Ghana từ lâu đã trở thành điểm đến cho hàng triệu tấn quần áo cũ xuất xứ phương Tây, phần lớn trong số đó không còn giá trị sử dụng. Theo báo cáo của Greenpeace Africa, mỗi tuần Ghana tiếp nhận tới 15 triệu món đồ may mặc, nhưng tới 60% số này bị loại bỏ, tích tụ thành núi rác, đầu độc môi trường qua việc lấp đầy bãi rác, tràn ra bãi biển, sông hồ, thậm chí làm nghẹt đường nước, hủy hoại hệ sinh thái thủy sinh. Tình trạng này còn khiến nhiều tiểu thương rơi vào cảnh nợ nần khi phải vay lớn để mua hàng nhưng không bán được do chất lượng thấp.
Không chỉ dừng lại ở Ghana, rác thải còn lan rộng khắp Nam bán cầu khi các nước phát triển đẩy mạnh xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng. Đối phó với vấn nạn này, nhiều nhà thiết kế bản địa đã sáng tạo mô hình tái chế, biến quần áo cũ thành sản phẩm mới - vừa tạo công ăn việc làm, vừa giảm ô nhiễm. Điển hình là dự án The Revival, do nhà thiết kế Yayra Agbofah sáng lập, đã tái chế hơn 1 triệu sản phẩm chỉ trong hai năm, cung cấp nguyên liệu cho các nghệ nhân địa phương và hợp tác quốc tế với các bảo tàng lớn.

Những người tái chế thời trang và các nhà hoạt động của The Revival. Ảnh: Kevin McElvaney/Greenpeace
Tuy nhiên, nỗ lực tái chế gặp nhiều khó khăn do số lượng rác dệt may nhập về ngày càng lớn, nguồn lực hạn chế và thiếu sự chung tay từ các thương hiệu thời trang lớn - những đơn vị bị kêu gọi phải góp phần giải quyết hậu quả họ gây ra. Đáng nói, nhiều lần Ghana từng cấm hoặc hạn chế nhập đồ cũ nhưng đều thất bại vì sức ép quốc tế và nỗi lo ảnh hưởng việc làm cho 65.000 lao động ngành này.
Song song với áp lực rác thải, ngành thời trang châu Phi đang nỗ lực phục hưng văn hóa bản địa bằng sản phẩm thân thiện môi trường, tận dụng nguyên liệu tự nhiên và kỹ thuật truyền thống. Tuy vậy, sự cạnh tranh với dòng hàng giá rẻ nhập khẩu cùng thiếu vốn, kỹ thuật, khiến ngành công nghiệp thời trang nội địa khó bứt phá.
Nhìn ra các bãi biển Ghana, rác vải vẫn dạt bờ theo từng con sóng, ngư dân đánh cá mắc đầy quần áo cũ, còn nhiều cộng đồng phải đốt vải vụn để sưởi - vô tình hít phải độc chất. Nếu không có giải pháp căn cơ, giới chuyên gia cảnh báo rác thải dệt may sẽ tiếp tục nhấn chìm môi trường Ghana, khiến các bãi rác, sông hồ, bờ biển ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.