NSND Thế Anh (vai vua Minh Mạng) và Quyền Linh (vai Lê Văn Duyệt)
Tối 26/9 vở kịch chính thức công diễn suất đầu tiên tại rạp Công Nhân (TP. HCM). Thế nhưng ngay từ khi chưa công diễn chính thức, vở kịch đã gây nhiều dư luận khen chê từ nội dung biểu diễn đến hình thức thể hiện…
Tả quân quận công Lê Văn Duyệt (LVD) là một công thần trụ cột của nhà Nguyễn. Ông sinh năm 1764 trong vùng thôn dã gần vàm Trà Lọt, làng Hòa Khánh, thuộc tỉnh Tiền Giang. 15 tuổi LVD đã nói: “Sinh ở đời loạn, không dựng cờ đánh trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là trượng phu”. 17 tuổi ông được Nguyễn Phúc Ánh tuyển dụng làm thái giám (ông là người ái nam ái nữ bẩm sinh chứ không phải tự hoạn để làm thái giám).
Tả Quân Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn thành Gia Định hai thời kỳ. Lần 1, từ 1813 đến 1816. Đến năm 1816 ông được chỉ triệu về kinh để bàn nghị về ngôi Thái Tử. Lần thứ nhì từ năm 1820 cho đến khi mất. Tương truyền ông khỏe mạnh, thông minh, giỏi võ thuật, tuy không học nhiều, nhưng biết nhiều tuồng tích Tàu. Vì thế, ông luôn ước ao trở thành hào kiệt như trong truyện xưa miêu tả.
LVD là một vị quan rất mực thanh liêm. Quân lính của ông rất có kỷ luật. Đương thời các nước lân cận đều sợ oai phong của LVD, gọi ông là "Cọp Gấm Đồng Nai", một trong ngũ hổ tướng (bốn người còn lại là Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức và Trương Tấn Bửu). Nhiều công lao lớn nên LVD được liệt vào hàng Đệ Nhất Khai Quốc Công Thần, với đặc ân được vào chầu vua không phải lạy (nhập triều bất bái) và được đặc quyền chém trước tâu sau (tiền trảm hậu tấu ) nơi biên thùy, nên sau này ông không chịu lạy vua Minh Mạng và đã giết Huỳnh Công Lý, cha một quí phi của vua này, vì tội tham nhũng.
Tối 26/9 vở kịch chính thức công diễn suất đầu tiên tại rạp Công Nhân (TP. HCM). Thế nhưng ngay từ khi chưa công diễn chính thức, vở kịch đã gây nhiều dư luận khen chê từ nội dung biểu diễn đến hình thức thể hiện. Mặc cho nhiều ý kiến phản đối việc trang phục sân khấu sử dụng hai màu đỏ (cho “phe” LVD biểu trưng chính nghĩa) và đen (cho “phe” vua thể hiện sự gian tà, bất chính) là không phù hợp, Giám đốc nhà hát và đạo diễn Doãn Hoàng Giang vẫn giữ nguyên thể hiện. Giám đốc Khánh Hoàng cho biết: Đây là kịch dã sử, không thể đòi hỏi chuyện kịch phải thật giống hệt như lịch sử.
Có lẽ nhờ những phê bình trước khi vở công diễn nên Quyền Linh đã nhanh chóng “thuộc bài”, không còn cảnh vấp thoại như khi duyệt phúc khảo. Nếu như xoáy vào chi tiết “ái nam ái nữ” thì có lẽ Quyền Linh vẫn chưa lột tả được hết cái thần “dẹo” của Lê Văn Duyệt. Ngoài dây chuyền ngọc trai đeo cổ và chiếc khăn tay hồng giắt lưng, vai Lê Văn Duyệt của Quyền Linh quá nam tính. Thế nhưng, liệu có phải kẻ bất túc nào cũng ẻo lả hay không? Nếu là kẻ ẻo lả, liệu Lê Văn Duyệt có thể là một tướng lĩnh võ nghệ cao cường? Vậy thì, nhìn vào sự nghiệp và những điều tương truyền về ông, Quyền Linh nếu không xuất sắc thì cũng rất tròn vai thể hiện một tả quân đậm phong cách Nam bộ với ân tình hào sảng và đầy uy lực khi điều binh khiển tướng.
Vai Đỗ Thị Phận được đổi vai qua lại giữa hai diễn viên Trịnh Kim Chi và Ánh Hồng. Đây sẽ là sự “hên-xui” cho những ai đi xem. Đỗ Thị Phận của Ánh Hồng hơi quá cứng cỏi bởi chất giọng mạnh chưa biết tiết chế nên kém phần tình cảm, khiến nhân vật thiếu đi sự sâu sắc của người phụ nữ đã có thể trở thành bạn tri âm của vị tả tướng bất túc. Yếu tố này được thể hiện rõ nét hơn qua cách diễn đạt của Trịnh Kim Chi.
Hầu hết đều cảm thấy không thỏa đáng khi nhà hát giao NSND Thế Anh thủ vai vua Minh Mạng. NSND Thế Anh chẳng có lỗi gì trong phần thể hiện của mình. Những mưu toan của ông vua trẻ háo sắc và háo thắng được anh thể hiện rất chắc. Chỉ có điều, ánh đèn sân khấu không che được dấu ấn thời gian khiến người xem không thể quên vua Minh Mạng trẻ hơn tả quân rất nhiều. Cảm xúc ấy khiến Thế Anh trở nên “tội nghiệp” khi phải cõng vai một ông vua cách quá xa cái tuổi của mình.
Bảo Trí đã rất thành công trong phần khắc họa hình ảnh một tên quốc trượng tham tàn Huỳnh Công Lý. Và Hoàng Duẩn cũng gây bất ngờ cho khán giả khi vào vai tướng cướp Chín Đước một cách sinh động.
Sân khấu hòanh tráng, trang phục chi tiết, cầu kỳ, sang trọng. Dẫu còn đôi chỗ lời thọai rườm rà, thiếu cô đọng, Tả quân Lê Văn Duyệt vẫn là vở kịch hay của năm.