Báo NNVN số 118 (thứ tư, ngày 13/6/2012) đã đăng bài “Vụ án cố ý gây thương tích ở Vân Côn: Lộ mặt kẻ vu khống”. Sau khi bài báo được đăng, ngày 17/7/2012, báo NNVN nhận được Công văn số 306/CAHĐ, do thượng tá Nguyễn Viết Thắng, Phó trưởng CA huyện Hoài Đức ký, đề ngày 26/6/2012.
Công văn có nội dung: Ngày 27/10/2003, CA huyện Hoài Đức tiếp nhận hồ sơ vụ cố ý gây thương tích xảy ra ở Vân Côn - Hoài Đức ngày 19/7/2003, CA huyện Hoài Đức đã cử cán bộ điều tra, xác minh. Sau khi có kết luận giám định về thương tích của bị hại trong vụ án, xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của CA huyện Hoài Đức, ngày 15/3/2004 CA huyện Hoài Đức đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội.
Công văn của CA huyện Hoài Đức trả lời NNVN
Chỉ trong một nội dung ngắn gọn có mấy dòng đó, chúng tôi thấy ông Phó trưởng CA huyện Hoài Đức đã nói sai sự thật và lảng tránh nhiều điều. Cụ thể là:
- Ngày 27/10/2003 CA huyện Hoài Đức mới tiếp nhận hồ sơ vụ cố ý gây thương tích ở Vân Côn thì đúng. Nhưng không phải sau ngày 27/10/2003 CA huyện Hoài Đức mới trưng cầu giám định thương tích cho “bị hại” rồi chờ “có kết luận về thương tích của bị hại”, như ông Phó trưởng CA huyện Hoài Đức nói trong Công văn trên, mà trước ngày tiếp nhận hồ sơ hơn 2 tháng, ngày 19/8/2003, CA huyện Hoài Đức đã có Quyết định số 61 trưng cầu Viện KHHS (Bộ Công an) giám định thương tích cho “bị hại” Đỗ Đăng Của (tức Cẩu), và ngày 3/9/2003, Viện KHHS đã có Kết luận giám định số 2395, kết luận thương tích của “bị hại” là 34,16%.
Câu hỏi mà chúng tôi nêu ra trong bài báo, cũng là điều mờ ám nhất trong vụ án: Tại sao ngày 27/10/2003 mới tiếp nhận hồ sơ vụ án (tức là đến ngày đó CA huyện Hoài Đức mới biết có vụ cố ý gây thương tích), mà ngay từ 19/8/2003, CA huyện đã ra quyết định trưng cầu giám định? Không dám trả thời thẳng câu hỏi này của chúng tôi, ông Phó trưởng CA huyện Hoài Đức đã chọn con đường nói sai sự thật về thời gian.
- Công văn của CA huyện Hoài Đức trả lời NNVN đề ngày 26/6/2012, được gửi theo đường bưu điện. Từ thị trấn Hoài Đức đến Hà Nội chỉ 17 km, nhưng phải gần 1 tháng sau, ngày 17/7/2012 báo mới nhận được. Thế mà quyết định trưng cầu giám định của CA huyện Hoài Đức ký ngày 19/8/2003, thì ngay ngày hôm sau 20/8/2003, Viện KHHS (cũng ở Hà Nội) đã tiến hành giám định ngay. Vậy quyết định trưng cầu đã được gửi như thế nào? Ai trong CA huyện Hoài Đức đã cầm quyết định trưng cầu và đưa Đỗ Đăng Cẩu ra Viện KHHS để “lo” việc giám định? Câu hỏi này cũng bị ông Phó trưởng CA huyện Hoài Đức lảng tránh.
- Hoàn toàn không phải do “Xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của CA huyện Hoài Đức, nên ngày 15/3/2004 CA huyện Hoài Đức đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tây”, như ông Phó trưởng CA huyện Hoài Đức nói trong công văn trên, mà sự thực là ngày 17/11/2003, CA huyện Hoài Đức đã có Quyết định số 72 “khởi tố vụ án hình sự” về hành vi “cố ý gây thương tích…” theo điều 104 BLHS, và ngày 15/12/2003, CA huyện Hoài Đức đã có hai Quyết định số 01, 02 khởi tố bị can đối với Quản Đắc Quý, Quản Đắc Thúy về tội “Cố ý gây thương tích…” theo điều 104 BLHS.
Việc khởi tố, điều tra này của CA huyện Hoài Đức là vượt thẩm quyền. Chỉ đến khi Viện KSND huyện Hoài Đức yêu cầu, thì CA huyện Hoài Đức mới chuyển hồ sơ vụ án đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tây.
- Ngày 29/6/2012, CA huyện Hoài Đức mới nhận được Công văn số 889/CAHN-PV 11 của Công an TP Hà Nội, kèm theo bài báo của chúng tôi, yêu cầu trả lời NNVN. Thế thì làm sao 3 ngày trước đó, ngày 26/6/2012, ông Phó trưởng CA huyện đã “biết trước” để ký Công văn số 306/CAHĐ trả lời báo?
Việc “chồng chưa hỏi đã về làm dâu” này của ông Phó trưởng CA huyện Hoài Đức, cũng chẳng khác gì việc trưng cầu giám định thương tích cho Đỗ Đăng Cẩu trước khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc hơn 2 tháng. Phải chăng đây là “truyền thống” của CA huyện Hoài Đức?