Trẻ em tử vong do TNGT chỉ sau đuối nước
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có khoảng 1.800-2.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan tới trẻ em và đây là nguyên nhân gây tử vong thứ hai (sau đuối nước) ở trẻ em.
Trong tổng số các vụ TNGT hàng năm có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em. Hầu hết trẻ em ngồi trên ô tô đều không được bảo đảm an toàn, ít thắt dây an toàn, không bố trí ghế dành cho trẻ em, trẻ em ngồi ghế trước, thậm chí đứng trong xe, vươn tay, thò đầu qua cửa sổ.
Ngoài ra, phần lớn TNGT đối với trẻ em liên quan tới xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp, xe trượt… Dù đã được tuyên truyền, phổ biến nhưng nhiều phụ huynh vẫn vô tình hoặc cố tình không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra phức tạp, các hành vi vi phạm vẫn tái đi tái lại nhiều lần, điển hình như hành vi không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, vượt ẩu…

Nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: doanhnghiepvadautu.info.vn
Phạt tiền nếu không đội mũ bảo hiểm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên
Trước thực trạng TNGT đối với trẻ em ngày càng gia tăng và phức tạp, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về trật tự an toàn giao thông tới người dân và nhất là trong các nhà trường.
Mới đây nhất, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2025. Đây là cơ sở pháp lý về bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người tham gia giao thông, đặc biệt trẻ em.
Trong Luật có nhiều điểm mới chú trọng giáo dục kiến thức pháp luật khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông trên ô tô; đề cao trách nhiệm của người lớn đối với việc bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông…
Trước đó, Nghị định số 100/2019-CP được bổ sung bởi điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP đã quy định rõ, phạt tiền từ 400 đến 600 nghìn đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, nếu người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự chở trẻ em trên 6 tuổi mà không đội mũ cho trẻ sẽ bị phạt tối đa là 600 nghìn đồng.
Con gây tai nạn giao thông nghiêm trọng bố mẹ có thể bị phạt tù
Đây là quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 76 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Theo đó, người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Trẻ em lái xe khi chưa đủ tuổi tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bản thân và những người xung quanh. Ảnh: congan.binhdinh.gov.vn
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-7 năm: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Mà theo quy định, độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau: Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy; Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, giao xe cho con dưới 16 tuổi mà gây tai nạn nghiệm trọng thì bố mẹ sẽ bị phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.