| Hotline: 0983.970.780

Những công nghệ giúp giảm rủi ro trước lũ lụt

Thứ Ba 13/05/2025 , 19:14 (GMT+7)

Trước tình hình lũ lụt ngày càng cực đoan, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý rủi ro đối với loại hình thiên tai này đang trở nên cấp thiết hơn.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, biến đổi khí hậu đang khiến lũ lụt tại Việt Nam ngày càng cực đoan. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, biến đổi khí hậu đang khiến lũ lụt tại Việt Nam ngày càng cực đoan. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lũ lụt ngày càng nghiêm trọng và cực đoan

Chiều 13/5, Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2025, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET) và Tổ chức Plan International Việt Nam (PIV) tổ chức Hội thảo ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý rủi ro lũ lụt tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, biến đổi khí hậu đang khiến lũ lụt tại Việt Nam ngày càng cực đoan. Chỉ trong năm 2024, bão và lũ sau bão đã làm hàng trăm người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

“Với hệ thống sông, hồ dày đặc, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa, rủi ro thiên tai do lũ lụt ngày càng nghiêm trọng hơn. Do đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý rủi ro đối với loại hình thiên tai này đang trở nên cấp thiết”, ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Lũ lụt tại Hưng Yên sau cơn bão Yagi diễn ra vào tháng 9/2024. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lũ lụt tại Hưng Yên sau cơn bão Yagi diễn ra vào tháng 9/2024. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thông tin về tổng quan tình hình lũ lụt tại Việt Nam, bà Đặng Thị Hương, Phó Trưởng Phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, cho biết, lũ lụt tại vùng miền núi phía Bắc và miền Trung thường xảy ra do mưa lớn cục bộ, gây ra lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hạ tầng, giao thông, tính mạng người dân.

Trong khi đó, lũ và ngập lụt tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL chủ yếu do mưa lớn, triều cường kết hợp với nước biển dâng. Cùng với đó, các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… thường xuyên xảy ra ngập cục bộ do hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng được cường độ mưa ngày càng gia tăng.

“Tại khu vực miền Trung, với hệ thống sông ngòi dày đặc, dòng sông ngắn, lòng dẫn hẹp, dốc, lũ lụt là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại lớn nhất cho khu vực và xảy ra với mức độ ngày càng khốc liệt”, bà Hương cho biết.

Cùng với đó, nằm ở hạ lưu châu thổ sông Mê Kông, khu vực ĐBSCL luôn phải đối mặt với lũ và ngập lụt trên diện rộng trong thời gian kéo dài. Hàng năm, lũ gây ngập một vùng rộng lớn tới 1,2 - 1,9 triệu ha với độ sâu từ 0,5 - 4m tại khu vực này.

Chia sẻ về nguyên nhân gây lũ, ngập lụt, bà Đặng Thị Hương chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đã làm gia tăng tần suất và cường độ mưa lớn, nước biển dâng. Bên cạnh đó, việc phát triển hạ tầng không đồng bộ, thiếu quy hoạch và tình trạng lấn chiếm sông, hồ, rạch đã làm giảm khả năng thoát nước. Đặc biệt, những mặt trái của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội như phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện không kiểm soát cũng làm mất khả năng điều tiết tự nhiên.

Theo chuyên gia, thời gian qua, công tác dự báo, cảnh báo từng bước được nâng cao chất lượng. Cụ thể, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn đã được đầu tư hiện đại hóa, nhiều trạm radar thời tiết, đo mưa tự động, giám sát mực nước đã được lắp đặt. Dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn được thực hiện sát với thực tiễn, giúp chính quyền và người dân có thời gian chủ động ứng phó.

“Nhiều địa phương như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... đã ứng dụng vào thực tế rất hiệu quả công nghệ GIS, phần mềm mô phỏng lũ quét, ngập lụt để đưa ra các kịch bản ứng phó cụ thể cho tình trạng thiên tai”, đại diện Phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai thông tin.

Xây dựng bản đồ cảnh báo ngập theo thời gian thực tại TP. Huế

Chia sẻ về việc ứng dụng cảnh báo lũ tại TP. Huế, ông Vũ Cảnh Toàn, phụ trách kỹ thuật Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET), cho biết, hiện nay năng lực ứng phó nói chung và cảnh báo sớm tình trạng lũ lụt nói riêng của địa phương đã được cải thiện nhiều nhưng tình trạng thiên tai này ngày càng cực đoan và bất thường hơn.

“Thực tế cho thấy, những trận lũ trái mùa tuy nhỏ nhưng lại làm thiệt hại lớn hơn khá nhiều trong đời sống cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân so với những trận lũ lớn đúng mùa”, ông Vũ Cảnh Toàn cho hay.

Theo đó, ông Toàn cho rằng việc ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ cảnh báo lũ và ngập lụt sẽ giảm thiểu đáng kể những rủi ro do thiên tai gây ra. Điển hình như việc cải thiện cơ sở dữ liệu, điều tra khảo sát và đánh dấu vết lũ các trận lũ lớn, kết nối dữ liệu các trạm quan trắc tự động… từ đó hiển thị thông tin ngập lịch sử lên bản đồ trực tuyến sẽ cung cấp cho người dân những thông tin đơn giản, dễ hiểu về những trận lũ lớn.

“Hay như việc tích hợp Bản đồ hỗ trợ đỗ xe khi mưa lũ xảy ra trên phần mềm HueS. Hoặc xây dựng bản đồ cảnh báo ngập theo thời gian thực đều đã hỗ trợ rất nhiều trong việc cảnh báo sớm, quản lý rủi ro lũ lụt”, đại diện ISET chia sẻ.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, việc cảnh báo sớm lũ lụt được triển khai hiệu quả hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, việc cảnh báo sớm lũ lụt được triển khai hiệu quả hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo đó, việc xây dựng bản đồ cảnh báo ngập theo thời gian thực tại TP. Huế được triển khai nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp camera giám sát để giám sát mực nước lũ lụt. Đồng thời, sử dụng hệ thống camera sẵn có để thu nhận hình ảnh khu vực cần giám sát. Từ đó phát triển phần mềm phân tích hình ảnh, xác định độ sâu ngập, cảnh báo và phát tín hiệu cảnh báo đến người dùng qua các ứng dụng đa nền tảng. Cuối cùng, toàn bộ video streaming từ các điểm giám sát sẽ được lưu để phục vụ cho mục đích theo dõi, ghi lại lịch sử dữ liệu để phục vụ công tác quản lý.

“Những cơ sở dữ liệu hữu ích đó sẽ được chuyển thể thông tin sang dạng bản đồ ngập theo thời gian thực và tích hợp trên phần mềm HueS. Mọi người dân đều có thể xem trên điện thoại hoặc trang web, rất dễ hiểu, dễ sử dụng. Từ đó, người dân có thể di chuyển, lưu thông an toàn hơn, chính quyền có thể chỉ đạo điều hành nhanh chóng hơn”, ông Vũ Cảnh Toàn thông tin.

Xem thêm
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng'

Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng', trong bảo vệ sức khỏe người dân và trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Rừng Cần Giờ - Nửa thế kỷ hồi sinh

Ngồi trên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, lướt trên sông Lòng Tàu mềm như dải lụa, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn, tôi thầm thốt lên: 'Đúng là kỳ tích'.