Dưới ánh nắng gay gắt của tiết trời miền Trung vào độ tháng 5, gương mặt hằn chi chít vết thời gian của ông Ngô Tuấn (62 tuổi, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đỏ bừng, nhễ nhại mồ hôi và càng trở nên khắc khổ.
Hơn 35 năm mưu sinh từ hạt muối, cũng như bao diêm dân khác ở xứ này, ông Phu gắn chặt đời mình trên đồng muối. Để có được hạt muối trắng ngần, đầu tiên, diêm dân phải đắp đê chắn sóng dẫn nước vào từng ô ruộng có diện tích chừng 200m2 đã be bờ cẩn thận và vệ sinh sạch sẽ, nện chặt, trải cát lên.

Ông Ngô Tuấn đã gắn bó với nghề làm muối hơn 35 năm. Ảnh: Văn Hà.
Việc thực hiện công đoạn trên mất khoảng 2 tháng. Sau đó, diêm dân mới dẫn nước vào ruộng. Đây cũng là lúc hầu hết diêm dân đều làm việc vào buổi trưa, bởi thời điểm này nước biển mặn hơn, giúp muối nhanh lên độ.
Khoảng 2 – 3 ngày sau, nước bốc hơi hết và muối đọng lại trên cánh đồng, diêm dân sẽ tiến hành thu hoạch và bán cho thương lái. Công việc lặp lại đều đặn suốt 3-4 tháng mùa khô.
“Làm muối chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, trời càng nắng muối kết tinh càng nhanh, mẻ muối làm ra càng trắng, chất lượng. Nếu bất chợt có mưa trong ngày thì tất cả thành công cốc, phải bỏ làm lại”, ông Tuấn chia sẻ.

Dưới ánh nắng của mặt trời, muối dần kết tinh. Ảnh: Văn Hà.
Hiện giá muối dao động từ 1.000-1.100 đồng/kg. Mỗi ô muối cho ra khoảng 100kg muối, bán được khoảng 120.000 đồng. Nghề vất vả mà thu nhập thấp, bấp bênh nên phần lớn thanh niên trai tráng nơi đây chọn những công việc khác. Chỉ những người lớn tuổi, nuối tiếc nghề xưa mà bám trụ.
“Sự vất vả của nghề muối không chỉ là quá trình cực nhọc để tạo ra sản phẩm, mà còn là khi hạt muối làm ra không ai mua, phải chất đống từ mùa này sang mùa khác. Dù vậy, diêm dân tại đây đều quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống”, ông Nguyễn Phu (58 tuổi) cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh Nguyễn Thị Phượng, để nâng cao chất lượng, năng suất muối, những năm gần đây, nhiều diêm dân Sa Huỳnh đã năng động đầu tư, áp dụng phương pháp sản xuất muối trên nền trải bạt. Hiện toàn phường có hơn 500 hộ làm muối, với diện tích khoảng 120ha.

Nghề làm muối ở Sa Huỳnh được truyền qua nhiều thế hệ. Ảnh: Văn Hà.
Được biết, hiện nay tại Phổ Thạnh, dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng đang được triển khai do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF - SGP) tài trợ.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng giao cho Hội Nông dân phường Phổ Thạnh thực hiện từ tháng 5/2024 - 10/2025. Dự án được triển khai với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú với mục tiêu bảo tồn đồng muối truyền thống, phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh và phát triển du lịch cộng đồng.
Cụ thể, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn đồng muối, ảnh hưởng của rác, tầm quan trọng của hệ sinh thái cây ngập mặn; phát triển muối truyền thống Sa Huỳnh trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái ngập mặn. ừ đó, giúp Sa Huỳnh trở thành điểm đến trải nghiệm nghề muối, điểm du lịch học tập cộng đồng kết nối văn hóa Sa Huỳnh với một số địa điểm du lịch nổi tiếng xung quanh như: bãi biển Sa Huỳnh, Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh; làng gốm Phổ Khánh, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh. Ảnh: Văn Hà.
Nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Sa Huỳnh, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho rằng, đồng muối Sa Huỳnh nằm trong không gian di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, nên nó là thành tố không thể tách rời với nền văn hóa khảo cổ này.
Nghề muối ở Sa Huỳnh còn mang tính tập thể cộng đồng, truyền đời qua biết bao nhiêu thế hệ. Người làm muối nơi này dù chịu nhiều vất vả nhưng vẫn một lòng không bỏ nghề.
Đây là nét rất khác với nhiều làng muối cổ ở Quảng Ngãi và các nơi khác, khi không sống được với nghề muối, họ sẵn sàng chuyển đổi nuôi trồng nghề khác để mưu sinh.