| Hotline: 0983.970.780

Nguồn tài chính khí hậu tiềm năng từ ngân hàng phát triển quốc gia

Thứ Năm 24/07/2025 , 16:30 (GMT+7)

Bên cạnh cơ chế ngân hàng phát triển đa phương, các ngân hàng phát triển quốc gia cũng có nhiều tiềm năng tài trợ cho các khoản tài chính khí hậu.

Hiện nay, các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á vẫn là trụ cột trong việc cung cấp tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, các ngân hàng phát triển quốc gia (NDB), với tài sản kết hợp khoảng 20.000 tỷ USD, gấp nhiều lần so với MDB, lại chưa được khai thác đầy đủ tiềm năng trong hỗ trợ phân phối tài chính khí hậu ở cấp quốc gia.

Ngân hàng phát triển quốc gia của Ấn Độ đã tài trợ cho các dự án khí hậu trên khắp cả nước. Ảnh: Gaganjit Singh/UN Women. 

Ngân hàng phát triển quốc gia của Ấn Độ đã tài trợ cho các dự án khí hậu trên khắp cả nước. Ảnh: Gaganjit Singh/UN Women. 

Để đạt được mục tiêu hành động khí hậu đến năm 2030, các nước đang phát triển (trừ Trung Quốc) cần đầu tư 2.300-2.500 tỷ USD mỗi năm cho tài chính khí hậu, con số cao gấp 4 lần so với mức tài trợ hiện tại. Trong đó, NDB có thể đóng vai trò quan trọng trong việc lấp đầy khoảng trống này, nhờ ưu thế vốn công, khả năng cho vay dài hạn và am hiểu bối cảnh địa phương. Hiện tại, NDB chiếm khoảng 1/5 tổng tài chính khí hậu toàn cầu, nhưng chỉ 14% danh mục tín dụng của họ là tài sản xanh.

Hiện nay, trên thế giới, một số NDB đã phát huy vai trò của mình trong nỗ lực huy động nguồn tài chính khí hậu.

Trong đó, Ngân hàng Phát triển Nam Phi (DBSA) phân phối vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế đến các đối tượng nhỏ, khó tiếp cận như doanh nghiệp địa phương, tổ chức xã hội dân sự. DBSA cũng huy động nguồn vốn hỗn hợp (blended finance) để hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo quy mô vừa và nhỏ, đồng thời đảm bảo yếu tố công bằng xã hội trong quá trình chuyển đổi.

Hay như Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Ấn Độ (Nabard) đóng vai trò đầu mối trong xác định, lập kế hoạch và huy động vốn cho các dự án thích ứng với khí hậu tại địa phương. Nabard còn xây dựng hệ thống phân loại tài chính xanh, quỹ phát triển cộng đồng người bản địa và hợp tác với Ngân hàng Thế giới để thiết lập cơ chế tài chính hỗn hợp.

Ngân hàng BNDES của Brazil sử dụng mô hình đồng tài trợ với khu vực tư nhân để mở rộng đầu tư vào các dự án môi trường, như sáng kiến trồng rừng Floresta Viva. Ngân hàng trích một phần lợi nhuận thương mại để cấp vốn mồi cho các dự án phục vụ mục tiêu công.

Tuy vậy, NDB vẫn gặp nhiều thách thức như quy mô vốn hạn chế, thiếu năng lực kỹ thuật và khung đo lường tác động môi trường-xã hội còn yếu. Việc tăng cường đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và tham gia vào các nền tảng tài chính quốc gia sẽ giúp NDB đóng vai trò tích cực hơn trong quá trình chuyển đổi xanh.

Để khai phá đầy đủ tiềm năng này, cộng đồng tài chính toàn cầu cần hỗ trợ NDB phát huy thế mạnh, từ đó thúc đẩy các quốc gia tiến nhanh hơn đến một tương lai phát triển bền vững và chống chịu khí hậu.

Tổng hợp từ Green Central Banking

Xem thêm
Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất