Nhằm giảm thiệt hại do thiên tai và nâng cao năng lực chủ động ứng phó cho cộng đồng, dự án SATREPS được triển khai tại TP Huế trong giai đoạn 2026-2031.
Trọng tâm của dự án là xây dựng hệ thống cảnh báo sớm dựa trên dữ liệu số và bản đồ chi tiết nguy cơ trượt lở đất, nhất là tại các khu vực dân cư sinh sống tập trung, nơi có nguy cơ cao về sạt lở và lũ bùn đá.

GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi phát biểu khai mạc. Ảnh: Bảo Thắng.
SATREPS, một sáng kiến nghiên cứu khoa học công nghệ quốc tế do Chính phủ Nhật Bản khởi xướng nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu thông qua hợp tác giữa các nhà khoa học Nhật Bản và các nước đang phát triển; tập trung vào 4 lĩnh vực nghiên cứu chính: môi trường - năng lượng, tài nguyên sinh học, phòng chống thiên tai và kiểm soát bệnh truyền nhiễm.
Việt Nam đã có 14 dự án SATREPS được triển khai. Dự án sắp tới - Tích hợp đánh giá rủi ro và cộng đồng số hóa dựa trên hệ thống cảnh báo sớm trượt lở đất và lũ bùn đá khu vực miền Trung Việt Nam - là kết quả phối hợp giữa Trường Đại học Thủy lợi và các tổ chức của Nhật Bản gồm: Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST), với tổng kinh phí tài trợ 350 triệu yên (khoảng 2,5 triệu USD).
Dự án kéo dài 5 năm, từ tháng 6/2026 đến tháng 6/2031, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm cơ quan chủ quản. Mục tiêu cốt lõi là hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các loại hình thiên tai trượt lở đất và lũ bùn đá, nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo và thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả, phục vụ cộng đồng tại các khu vực có nguy cơ cao.
Bản đồ nguy cơ trượt lở đất tỷ lệ lớn (1:5000) cho các vùng trọng điểm, nơi mật độ dân cư cao, nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác dự báo và ứng phó sớm là đầu ra quan trọng của dự án. Dữ liệu nền xây dựng bản đồ sẽ dựa trên điều tra thực địa, kết hợp ảnh viễn thám, các mô hình số và thông tin quan trắc từ trạm đo mưa, radar mưa, vệ tinh,...
Hệ thống cảnh báo sớm không chỉ giúp các cơ quan chức năng ra quyết định kịp thời, mà còn được số hóa nhằm tăng cường khả năng truyền tải thông tin trực tiếp đến người dân địa phương.

GS.TS Trịnh Minh Thụ: "Dự án SATREPS có giá trị đặc biệt về phòng chống thiên tai". Ảnh: Bảo Thắng.
Dự án cũng tích hợp các yếu tố nhân khẩu học, kinh tế - xã hội, tình trạng sử dụng đất nông nghiệp vào bản đồ nguy cơ trượt lở đất thời gian thực, nhằm đưa ra các phân tích đa chiều và đánh giá hiệu quả kinh tế của hệ thống cảnh báo nhằm tối ưu hóa chính sách đầu tư phòng tránh thiên tai.
Đặc biệt, dự án sẽ xây dựng phòng thí nghiệm chuyên dụng phục vụ khảo sát, đo đạc, lấy mẫu và thực hiện các thí nghiệm trong phòng và ngoài thực địa liên quan đến trượt lở đất. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá rủi ro thiên tai.
Bộ tài liệu hướng dẫn lập bản đồ và đánh giá rủi ro trượt lở đất bằng công nghệ viễn thám cũng được biên soạn nhằm phục vụ các địa phương trong việc nhân rộng mô hình ra toàn vùng miền Trung và cả nước, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng gia tăng.
GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, khẳng định đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược quốc tế hóa nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường.
"Với tỷ trọng nguồn thu từ khoa học, công nghệ và đầu tư hiện chiếm trên 50% tổng doanh thu, Trường Đại học Thủy lợi là một trong số ít cơ sở đào tạo kỹ thuật có hoạt động nghiên cứu mạnh và hiệu quả", ông cho biết.

Dự báo về lượng mưa trong khu vực vùng dự án sẽ được thông báo theo thời gian thực. Ảnh: TLU.
Theo lãnh đạo Trường, Dự án SATREPS là một trong những chương trình có tính cạnh tranh cao nhất hiện nay. Trong năm 2025, khoảng 80 đề xuất được các quốc gia gửi tới đăng ký, nhưng chỉ có 10 đề tài được phía Nhật Bản đồng ý triển khai.
Việc Trường Đại học Thủy lợi được tuyển chọn tham gia cùng một số trường khác như Đại học Xây dựng và các viện nghiên cứu trong nước là minh chứng cho năng lực và uy tín của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
GS.TS Trịnh Minh Thụ nhấn mạnh, dự án SATREPS có giá trị đặc biệt khi tập hợp được mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học quốc tế cùng tham gia triển khai. Thành công của dự án sẽ góp phần nâng cao vị thế khoa học Việt Nam, mở rộng cơ hội công bố quốc tế và thúc đẩy ứng dụng thực tiễn vào các chương trình cảnh báo sớm, giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam.
Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cũng gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước đã đồng hành trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, tổ chức thẩm định, và cam kết phối hợp chặt chẽ để triển khai dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng, xứng đáng với niềm tin mà các đối tác quốc tế đã dành cho Việt Nam.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, sạt lở đất nguy hiểm nhất khi có lũ quét. Lớp đất không thấm, nằm cách mặt đất khoảng 2-3m, là đáng ngại nhất bởi khi có mưa lớn trong vài ba ngày, lớp đất này sẽ bị trượt, gây sạt lở trên diện tích lớn.
Huế, với địa hình đồi núi phức tạp và khí hậu đặc trưng mưa nhiều, thường xuyên hứng chịu sạt lở đất và lũ bùn đá, là địa phương rất phù hợp để triển khai các nghiên cứu về cảnh báo sớm thiên tai. Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị cán bộ dự án có thể thu thập thêm số liệu ở các tỉnh miền núi phía Bắc để đưa ra nhiều dự báo hơn nữa cho người dân.