| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để cai nghiện game online trong giới trẻ?

Thứ Bảy 20/06/2020 , 07:10 (GMT+7)

Nghiện game online trong giới trẻ ngày càng nghiêm trọng, để lại hậu quả khôn lường cho xã hội. Nhiều trường hợp suy kiệt sức khỏe, bỏ học, bỏ làm, thậm chí cả giết người.

Nhiều trường hợp nghiện game online mà quên ăn quên ngủ, bỏ học... Ảnh: Tư liệu.

Nhiều trường hợp nghiện game online mà quên ăn quên ngủ, bỏ học... Ảnh: Tư liệu.

Đầu tháng 6/2020, khi hồ sơ vụ án mở rộng điều tra về cái chết của một học sinh lớp 5 do nghi phạm là một nam sinh lớp 11 (Quỳnh Lưu, Nghệ An) gây ra. Qua điều tra sự việc, công an xác nam sinh trên có biểu hiện nghiện game và làm theo trò chơi điện tử, dẫn đến cái chết của học sinh lớp 5.

Đối tượng nghiện game đa phần là người trẻ, học sinh, sinh viên. Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Nghiện game online – Hậu quả không lường” do báo Tiền phong tổ chức ngày 16/6, Thạc sĩ Bùi Quang Trung, Trưởng phòng truyền thông và Marketing Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, trong xu thế bùng nổ của internet thì game online được phát triển với tốc độ rất nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người chơi.

“Nhiều bạn trẻ khi say mê vào các trò chơi sẽ quên ăn, quên ngủ, thậm chí ngồi nhiều giờ trong một tư thế ở các phòng chơi game. Điều đó sẽ dẫn đến nhiều hậu quả cho chính sức khỏe của người chơi. Những bạn trẻ, đang ở độ tuổi đẹp nhất để phát triển bản thân, tuy nhiên khi tâm lý bị thay đổi bởi các hành vi trong game sẽ dẫn đến các hành vi bạo lực, hành vi cướp giật… gây ra những hậu quả tổn thất cho chính gia đình, xã hội”, Thạc sĩ Trung chia sẻ.

Để các bạn trẻ, học sinh có những góc nhìn, những hiểu biết sâu hơn về hậu quả của game online, cũng như việc làm sao để ngăn chặn được tình trạng nghiện game ở giới trẻ? Theo ông Bùi Quang Trung, việc này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và trách nhiệm của phụ huynh, của thầy cô giáo.

Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, mỗi ngày có tới hàng trăm bệnh nhân tới Viện để khám và điều trị các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần như mất ngủ, rối loạn trí nhớ, tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn... mà nguyên nhân là do nghiện game.

Chia sẻ câu chuyện cai nghiện cho các game thủ, ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS) nói: “Tôi cùng ăn, cùng ngủ với người nghiện game, tôi thấy rằng khi một ai đó chơi game online thì rất khó để nghỉ chơi. Khi đứa con nghiện game thì ông bà, cha mẹ dù có nói gì cũng như “nước đổ lá khoai”. Thầy cô giáo có dùng các hình phạt nào để xử lý học sinh nghiện game thì chỉ càng làm học sinh chán nản, nghỉ học. Bởi vì, một người đã nghiện game online mà không biết cách chữa trị thì rất khó xử lý.

Buổi tọa đàm 'Nghiện game online – Hậu quả không lường' do báo Tiền phong tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều em học sinh. Ảnh: T.Dịu.

Buổi tọa đàm "Nghiện game online – Hậu quả không lường" do báo Tiền phong tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều em học sinh. Ảnh: T.Dịu.

Một số gia đình phải cho con đi du học cũng với lý do con cái ở trong nước chán nản chuyện học hành muốn bỏ học và sa vào những cuộc chơi không lành mạnh, trong đó có game online. Game online nguy hiểm vô cùng nên chúng ta phải tuyệt đối tránh xa.

Một người nghiện games chẳng khác gì nghiện ma túy. Tôi mong các em học sinh nếu có chơi game thì chỉ chơi ở mức giải trí, và chỉ chơi tối đa 30 phút với những trò chơi nhẹ nhàng, vui nhộn nhằm khai thông trí lực. Đặc biệt tránh xa những game bạo lực.

“Game online là bóng đêm phủ đầy tương lai của con người, nhất là đối với các em học sinh, sinh viên. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, game online như một ly nước có độc, nếu chúng ta uống ly nước độc chẳng khác nào ta tự sát và người chơi game được ví như người uống nước có độc”, ông Lê Anh nhấn mạnh.

Theo Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân, tác hại của game thậm chí nguy hiểm hơn cả ma túy. Nghiện game tạo ra tư tưởng hiếu thắng, nếu thua thì tạo tư tưởng cay cú. Nếu chơi game thì những mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ tình cảm sẽ dần biến mất, quên bố mẹ, gia đình, người thân, bạn bè, điều này cực kỳ nguy hiểm.

TS Lâm cho rằng, nghiện game là một hiện tượng xã hội “gần gũi” với hiện tượng tội phạm. Bởi lẽ, nếu nghiện game, sẽ có thể phát sinh vô vàn những tình huống: Không có tiền chơi game sẽ nghĩ ra cách để có tiền (như trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người); bố mẹ không cho chơi có thể dẫn đến cáu gắt, khó chịu, chửi bới, thậm chí giết cả bố mẹ; khi mua bán các vật dụng liên quan đến các trò chơi có thể dẫn đến những bất đồng, xung đột giữa các cá nhân, nhóm… dẫn đến những hậu quả khó lường.

“Cách tốt nhất là mỗi thành viên trong gia đình, nhất là bố mẹ phải có cách giáo dục, dạy con khoa học, kiểm soát hợp lý và hiệu quả khi con sử dụng điện thoại, chơi trò trực tuyến như đặt giới hạn thời gian khi cho con chơi game (nếu con vi phạm cần có hướng xử lý thích hợp);

Cho con đọc những bài báo, xem những clip nói về tác hại của nghiện game; tuyệt đối không sử dụng những hình thức “khen thưởng” bằng việc cho chơi game; sắp xếp thời gian đưa con đi chơi những địa điểm, trò chơi bổ ích;

Sớm nhận diện những dấu hiệu nghiện game của con cái để có cách xử lý thích hợp; bản thân cha, mẹ không chơi game hoặc chơi game trong thời gian phù hợp để nêu gương cho con cái…”, Thiếu tá Lâm chia sẻ.

Còn bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Trưởng Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 175) thì cho rằng, nghiện game dẫn đến rất nhiều bệnh lý như ngồi chơi game quá lâu, các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể xảy ra như chuyển hóa đường, mỡ dẫn đến béo phì. Thứ hai là cơ quan sinh dục sẽ bị giảm cung cấp máu do tư thế ngồi lâu dẫn đến vô sinh.

Bên cạnh đó, tác hại về tinh thần rất khủng khiếp, người chơi game bị giảm trí nhớ, cảm xúc bị biến đổi dẫn đến bồn chồn khó chịu, cáu kỉnh, nhân cách bị biến đổi. Game tạo cho người chơi cảm giác chiến thắng ảo, ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ đang phát triển.

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa có nhiều cơ sơ điều trị phù hợp với cai nghiện game và chưa có sự liên kết giữa các cơ sở. Việc điều trị mang tính cá thể hóa, tùy từng trường hợp khác nhau sữ có các biện pháp điều trị khác nhau.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã chính thức bổ sung chứng nghiện game online vào danh sách bệnh lý về tâm thần và thuộc nhóm những rối loạn do hành vi có tính nghiện ngập cần được giám sát.

(Kiến thức gia đình số 25)

Xem thêm
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng'

Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng', trong bảo vệ sức khỏe người dân và trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Rừng Cần Giờ - Nửa thế kỷ hồi sinh

Ngồi trên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, lướt trên sông Lòng Tàu mềm như dải lụa, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn, tôi thầm thốt lên: 'Đúng là kỳ tích'.