Một góc thành phố Điện Biên |
Ngày này 55 năm trước, dòng Nậm Rốm đang sôi lên vì bom đạn, sôi lên vì các loại vũ khí do lính Pháp ném xuống theo lệnh tiêu huỷ bí mật của Đờ - cát. Và rồi cái gì phải đến sẽ đến và đã đến từ 55 năm trước, đến từ chiều ngày 7/5/1954, để con sông Nậm Rốm thơm mùi gỗ lát lại trở về với sứ mạng hồng hoang. Nghe nói ngày xưa cánh đồng Mường Thanh dâu ngút ngàn bờ bãi, theo điển cố “bãi bể nương dâu” thì nơi đây từng không biết bao nhiêu lần thành “bãi bể” và bao nhiêu lần hoá “nương dâu”?
Song, dù quá khứ thế nào thì bây giờ cái còn lại là cây lúa với chính sách “Tam nông” cởi mở, với kỹ thuật gieo trồng hiện đại, người nông dân Mường Thanh phóng xe máy ra ruộng, để rồi nhiều gia đình ung dung thu về mỗi hécta mấy chục triệu đồng. Được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, người nông dân Điện Biên mạnh dạn đưa giống mới vào đồng ruộng. Thay vì trước kia đều đặn hàng năm Trung ương phải trợ cấp lương thực, giờ hạt gạo Điện Biên như tình người Điện Biên gửi hương thơm đi khắp mọi miền. Đó là hạt thóc lớn lên trên cánh đồng yêu dấu Mường Thanh, lớn lên trong khả năng tích luỹ của người nông dân năm nắng mười mưa.
Giờ đây, trên mảnh đất bom cày đạn xới năm xưa, một thành phố năng động đã mọc lên và đang từng ngày thay đổi. Cùng với lịch sử 100 năm hình thành và phát triển của tỉnh Điện Biên, thành phố non trẻ Điện Biên đã qua 18 năm xây dựng và đang ngày càng tỏ rõ vai trò, vị trí của đô thị trung tâm tỉnh lỵ.
Từ chỗ cơ cấu kinh tế thuần nông, đến nay tỷ trọng thương mại - dịch vụ - du lịch của thành phố đã chiếm 56,3%, nông - lâm nghiệp chỉ còn 3,2% và đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố chưa đến 1%, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.389USD/năm, gấp 14 lần so với năm 1992 khi mới thành lập thị xã. Sự phát triển đó là nền tảng vững chắc để TP. vươn mình lớn mạnh hơn nữa trong những năm tới.
Do có vị trí quan trọng và lại là tỉnh lỵ, nên TP. Điện Biên Phủ nhận được sự quan tâm của tỉnh trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thành phố trong những năm gần đây, đòi hỏi thành phố phải được quy hoạch lại, tạo dấu ấn đặc trưng của đô thị vùng Tây Bắc. Và với ý tưởng quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa được tỉnh thông qua, cho thấy TP. Điện Biên Phủ sẽ là đô thị trung tâm vùng Tây Bắc, bảo tồn và phát huy được giá trị các điểm di tích lịch sử với nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc.
Theo đó, thành phố sẽ được mở rộng về phía đông, hình thành chuỗi đô thị hiện đại với việc di chuyển hệ thống hành chính tập trung tại một địa điểm, dành diện tích cho phát triển du lịch, thương mại. Quần thể di tích trên địa bàn thành phố sẽ được bảo tồn, không bị xâm hại, phá vỡ bởi không gian kiến trúc các công trình phúc lợi, dân sinh. Trước mắt, các di tích trên địa bàn thành phố được chỉnh trang, đảm bảo sự hài hòa với cảnh quan xung quanh và yêu cầu phát huy giá trị, ý nghĩa lịch sử của di tích. Và cùng với cánh đồng Mường Thanh, kiến trúc đô thị của thành phố sẽ tạo được dấu ấn riêng với nét đặc trưng du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái...
Những ngày này, có cảm giác từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người dân Việt Nam, ai ai cũng có một “góc thức” Điện Biên theo cảm xúc của riêng mình. Với người này đó là sự nhắc nhở về niềm tự hào được làm người chiến thắng, với người kia là trách nhiệm công dân và với người khác, đó là những kỷ niệm xương máu về trận Điện Biên chấn động địa cầu. Có lẽ vì thế mà từ nhiều tuần nay, mọi ngả đường đều dẫn về Điện Biên và như vậy, Điện Biên Phủ mặc nhiên trở thành điểm hẹn - một điểm hẹn 55 năm rồi mà thật lạ lùng là vẫn nguyên vẹn sức hấp dẫn, mới mẻ, bồi hồi.
Tháng 5 này, Điện Biên Phủ xin có lời mời bạn lên thăm. Chúng ta sẽ cùng thưởng thức bia hơi Điện Biên với măng đắng Mường Pồn và cá nướng Pa Khoang. Rồi ngay tại bữa cơm hạnh ngộ, người Điện Biên sẽ kể cho bạn nghe về hạt gạo Mường Thanh, những hạt gạo mọc lên từ trên nền chiến trường 55 năm trước...