| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế tư nhân trong dòng chảy trí tuệ nhân tạo

Thứ Năm 01/05/2025 , 07:50 (GMT+7)

Kinh tế tư nhân phù hợp sở thích và thói quen người Việt Nam, khi được cổ vũ thích đáng, sẽ thúc đẩy tốc độ phát triển xã hội trong kỷ nguyên số.

Tiến sĩ Lý Quí Trung.

Tiến sĩ Lý Quí Trung.

“Kinh tế tư nhân là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” đã được Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định khi công bố chiến lược phát triển quốc gia trong kỷ nguyên mới. Chủ trương ấy, nhận được sự ủng hộ của nhiều giới, nhiều ngành trong xã hội.

Tiến sĩ Lý Quí Trung, nhân vật từng khởi nghiệp thành công với thương hiệu Phở 24, hiện đảm đương vai trò giáo sư tại Đại học Western Sydney (Australia) đã có cuộc trò chuyện cởi mở với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường về triển vọng kinh tế tư nhân.

Thưa tiến sĩ Lý Quí Trung! Ông cảm nhận như thế nào về bài viết “Kinh tế tư nhân” của Tổng Bí thư Tô Lâm công bố gần đây?

Tôi rất bất ngờ và rất vui mừng. Vừa là một doanh nhân vừa giảng dạy chuyên ngành kinh tế, tôi đã mong chờ tín hiệu tích cực như vậy từ rất lâu. Ở các quốc gia phát triển, kinh tế tư nhân luôn chủ đạo và tạo ra hơn 90% việc làm cho cộng đồng. Khi kinh tế tư nhân được cổ vũ thích đáng, thì giúp nền kinh tế Việt Nam ổn định và vượt qua mọi biến cố. Kinh tế tư nhân giống như tế bào trong cơ thể, nếu từng tế bào không khỏe mạnh thì cơ thể không thể cường tráng.  

Theo tôi, xã hội Việt Nam rất thuận lợi cho kinh tế tư nhân. Bởi lẽ, hầu như mỗi người Việt Nam đều có ý thức kinh doanh trong máu thịt. Ngay cả khi đã có một công việc chính, người ta vẫn tìm kiếm thêm thu nhập từ việc buôn bán. Buôn bán nhỏ, thì mở tiệm tạp hóa. Buôn bán lớn, thì tham gia thị trường địa ốc.

Từ xa xưa, cha ông chúng ta đã quan niệm “phi thương bất phú”…

Đúng, người Việt Nam thích kinh doanh. Hơn nữa, Việt Nam đang có bối cảnh phù hợp để mở rộng kinh tế tư nhân. Vì sao tôi nói vậy? Ở một số quốc gia, người dân không thích kinh doanh và họ chọn lựa một nghề chuyên nghiệp để mưu sinh. Ví dụ, tại Australia, một thợ điện được trả lương khoảng 40 USD (tương đương một triệu đồng Việt Nam) mỗi giờ, thì họ chỉ lo tập trung làm tốt công việc của mình thôi. Họ có thể sống thoải mái với tư cách người làm thuê, thì cũng không cần phải đóng vai người làm chủ để chuốc thêm mệt mỏi. Họ xác định được, kinh doanh không phải con đường duy nhất để có vật chất đầy đủ.

Tương tự, cũng gốc Hoa, người Hồng Kông hào hứng kinh doanh mọi thứ để tích lũy tài sản, còn người Singapore theo đuổi những lĩnh vực chuyên môn nhất định trong sự phân công lao động hợp lý và bài bản.

Khi đã xác định vị trí trụ cột của kinh tế tư nhân, thì ông tin mọi tiềm lực Việt Nam sẽ được khơi dậy?

Trải qua thời gian, người Việt Nam đã có những tố chất đặc thù để làm kinh tế tư nhân. Cho nên, để kinh tế tư nhân phát triển, thì cần biểu dương xu hướng “người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm” và triệt tiêu hạn chế “Nhà nước không quản lý được cái gì thì cấm cái đó”. Nếu không tuân thủ nguyên tắc ấy, thì những ý tưởng kinh doanh mới mẻ rất khó xuất hiện. Chẳng hạn, trước sự ra đời của mô hình kinh tế chia sẻ, ai cũng ngỡ ngàng vì chưa có hành lang pháp lý. Và cách ứng xử tốt nhất là tạm thời chấp nhận để có lợi cho người dân, sau đó dần dần tìm cách điều chỉnh và uốn nắn theo khuôn khổ luật lệ.

Kinh tế tư nhân đề cao sự khác biệt. Hàng ngày, những thành phần kinh tế tư nhân phải luôn động não để thay đổi và để tồn tại, với mục tiêu chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất. Đồng thời, kinh tế tư nhân có tính sàng lọc tuyệt đối, những cái tầm thường sẽ bị loại bỏ và những cái độc đáo sẽ được vươn lên.

Quan trọng hơn, kinh tế tư nhân được kích hoạt thì sẽ hạn chế chảy máu chất xám. Khi người tài được trọng dụng đúng mức và được đãi ngộ xứng đáng ở trong nước, thì họ sẽ không cảm thấy sốt ruột hay bị hấp dẫn bởi những lời mời gọi từ nước ngoài. Nếu được làm việc ở quê hương với thu nhập như mong muốn, thì chẳng mấy ai phải nhọc nhằn bỏ xứ tha phương. Được cống hiến và được thụ hưởng trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, vẫn vui sướng hơn chứ.

Bằng sự quan sát của một chuyên gia, ông thấy kinh tế tư nhân Việt Nam có những ngành nghề nào vượt trội?

Theo tôi, ưu điểm hiện nay của kinh tế Việt Nam đang nằm ở nông nghiệp và du lịch. Về nông nghiệp, tôi đã đi nhiều quốc gia và nhận thấy thị trường quốc tế rất quan tâm đến ba đặc sản của Việt Nam là gạo, cà phê và thanh long. Chỉ cần chú ý đến bao bì sản phẩm và công nghệ bảo quản thì có thể xây dựng thành những thương hiệu quốc gia.

Về du lịch, ngoài một số kỳ quan như vịnh Hạ Long, động Phong Nha hay gành Đá Dĩa gây cảm xúc “ghé qua một lần cho biết”, thì du khách nước ngoài rất hứng thú với cảnh sắc và sinh hoạt nông thôn Việt Nam. Hầu hết bạn bè ở Australia của tôi, cả giới khoa học lẫn giới kinh doanh, khi sang du lịch Việt Nam thì trở về đều khoe những hình ảnh trải nghiệm một làng nghề nào đó. Tuy nhiên, du lịch sinh thái Việt Nam cần động viên các đơn vị kinh tế tư nhân góp tay cải thiện chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm.

Nếu nhìn xa hơn chút nữa, ông dự báo kinh tế tư nhân sẽ bùng nổ ở ngành nghề nào?

Tôi nghĩ cánh cửa lớn nhất là khoa học công nghệ, mà cụ thể là trí tuệ nhân tạo. Phải thừa nhận với nhau, người Việt Nam thông minh nhưng chưa có thói quen làm việc theo nhóm, mà chỉ phát huy sở trường ở những việc làm cá thể khéo léo và tỉ mỉ. Mặt khác, Việt Nam đang có số người trẻ rất đông đảo, đó là lực lượng thuận lợi sử dụng thời gian cho việc mày mò, suy tư để sáng tạo.  

Đặc điểm của công nghệ số là khước từ kinh nghiệm và không quá phụ thuộc vào sự hỗ trợ hạ tầng cơ sở. Nếu người Việt Nam sản xuất xe hơi, còn lâu mới bằng thiên hạ. Nếu người Việt Nam chế tạo máy bay, cũng còn lâu mới bằng thiên hạ. Tuy nhiên, với trí tuệ nhân tạo, thì tôi rất lạc quan nói rằng, người Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh trong chuỗi giá trị chất xám toàn cầu.

TS Lý Quí Trung: Với trí tuệ nhân tạo, thì tôi rất lạc quan nói rằng, người Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh trong chuỗi giá trị chất xám toàn cầu.

TS Lý Quí Trung: Với trí tuệ nhân tạo, thì tôi rất lạc quan nói rằng, người Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh trong chuỗi giá trị chất xám toàn cầu.

Khi cầm một cái máy tính trên tay, thì một sinh viên Việt Nam đang ở trong một xóm trọ Cà Mau cũng ngang hàng với một tỷ phú Mỹ đang ở trong một cao ốc New York hoặc một đại gia Pháp đang ở trong một lâu đài Paris. Vậy thì tại sao chúng ta không bước vào cuộc chơi công bằng này? Xác định khoa học công nghệ là chiến lược quốc gia, thì trí tuệ nhân tạo cơ hội chia đều thành công cho mỗi người Việt Nam, mà không phân biệt thành thị hay nông thôn.

Hãy hình dung, cùng một quyết tâm đầu tư sức người sức của, muốn có một tập đoàn chuyên về hàng tiêu dùng phải mất hàng chục năm. Thế nhưng một công ty tư nhân chuyên về trí tuệ nhân tạo, thì chỉ cần vài năm đã có thể trở thành “kỳ lân công nghệ” đẳng cấp quốc tế.

Vậy theo ông, tương lai của nền kinh tế trí tuệ nhân tạo cần được chuẩn bị những gì?

Tôi thấy Nhà nước đã xác định khoa học công nghệ là mũi nhọn kinh tế, thì lộ trình tiếp theo dĩ nhiên Nhà nước đảm đương vai trò nhạc trưởng cho bản giao hưởng trí tuệ nhân tạo Việt Nam. Những giải pháp đồng bộ chắc chắn phải được triển khai, trong đó có cả xây dựng bộ nhận diện thương hiệu quốc gia. Thế nhưng, tôi lưu ý hai mấu chốt cần đặc biệt quan tâm là giáo dục và tài chính.

Về giáo dục, những môn học liên quan đến công nghệ số phải được đưa vào giáo trình từ tiểu học đến đại học, và người đứng lớp phải có tư cách chuyên gia, chứ không thể dạy và học kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Cũng phải bổ sung cơ chế tu nghiệp và cơ chế học bổng liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Về tài chính, cần có quỹ điều phối cấp quốc gia để tháo gỡ những rào cản, kết nối những đối tác. Song song với việc rót vốn đầu tư cho những ý tưởng xuất sắc hoặc những dự án khả thi, thì có chính sách ưu đãi thuế cho những công ty tư nhân lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Tôi tin, kinh tế tư nhân với cá tính và phẩm chất người Việt, sẽ chinh phục được nhân loại trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm
Tự hào màu áo lính: Ba thế hệ nối tiếp lý tưởng vì Tổ quốc

Từ truyền thống gia đình đến lý tưởng cá nhân, đại úy Quách Văn Sơn là biểu tượng cho tinh thần cống hiến thầm lặng nơi đảo xa Trường Sa.