| Hotline: 0983.970.780

Khoảng 500.000 lao động rút ra khỏi ngành nông nghiệp mỗi năm

Thứ Hai 22/07/2024 , 13:38 (GMT+7)

Từ ngày 22-23/7, Bộ NN-PTNT tổ chức tập huấn cho lãnh đạo, viên chức về công tác thu hút tuyển sinh, hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo nghề lao động nông thôn.

Học sinh, sinh viên theo học ngành nông nghiệp có xu hướng suy giảm. Ảnh: Kim Anh.

Học sinh, sinh viên theo học ngành nông nghiệp có xu hướng suy giảm. Ảnh: Kim Anh.

Theo đánh giá của Vụ Tổ chức cán bộ, lao động trong ngành nông nghiệp đã giảm nhanh từ gần 70% vào những năm 1990, xuống còn dưới 30% vào năm 2021. Đặc biệt, lao động trung bình mỗi năm tiếp tục giảm 1%, tương ứng với khoảng 500.000 lao động rút ra khỏi ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp, tương đương khoảng 4,6%. Nhiều cán bộ, thành viên HTX chưa có bằng cấp chứng chỉ hoặc chỉ mới được đào tạo trình độ sơ cấp, các lớp ngắn hạn dưới 3 tháng. Dẫn đến hiệu quả, năng lực quản trị còn yếu.

Mặt khác, năng lực sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ của đội ngũ công chức chưa cao, số cán bộ có tầm tư duy chiến lược, khả năng tham mưu, tư vấn chính sách mang tầm khu vực và quốc tế còn mỏng.

Thực trạng trên đang trở thành khó khăn, hạn chế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực NN-PTNT.

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định quan điểm đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường lao động, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Bên cạnh đó, phát triển đồng bộ đội ngũ cán bộ quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ kỹ thuật và lực lượng lao động sản xuất trực tiếp trong ngành NN-PTNT. Nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Hội nghị tập huấn lần này là một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết số 37/NQ-BCSĐ, ngày 8/5/2023 của Ban cán sự Đảng Bộ NN-PTNT về "Đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành NN-PTNT".

Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề về thực trạng, yêu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của ngành NN-PTNT; nhu cầu tuyển dụng, hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường liên quan đến ngành NN-PTNT; ứng dụng công nghệ cao và yêu cầu đổi mới công tác tuyển sinh; triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; kinh nghiệm hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo nghề ở địa phương; hướng dẫn quy trình tham gia, quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ.

Xem thêm

Bình luận mới nhất