(TN&MT) - Đêm 22/12, triều cường dân cao, sóng lớn bất ngờ ập vào đánh sập 7 nhà dân và làm hư hỏng nặng, hơn chục căn nhà khác ở ven cửa sông Cái (thuộc phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, Khánh Hòa).
Tan hoang xóm chài
Sáng 23-12, có mặt tại khu dân cư của tổ 7 Hà Ra, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, chúng tôi không khỏi giật mình trước cảnh tượng đổ nát, ngổn ngang của hàng chục hộ dân ở phía tiếp giáp với cửa sông Cái. Từng đống tôn, gỗ móp méo, gãy đổ nằm mấp mé bên mép nước, trải dài hàng chục mét.
Hàng chục người dân với nét mặt chưa hết bàng hoàng đang cặm cụi đào bới trong đống đổ nát để tìm kiếm những tài sản còn sót lại. Anh Võ Cường kể lại: “Hôm qua tôi đi biển về mệt nên đi ngủ sớm. Khi đang ngủ thì vợ thúc dậy và hô hoán nhà đang sập. Vợ chồng tôi chỉ biết bế xốc 4 đứa con nhỏ bỏ chạy ra khỏi nhà. Ít phút sau thì nhà tôi và nhà của các hộ bà Hạnh, ông Chức, bà Tốt, anh Chọn… gần đó đều đổ sập xuống sông. Riêng nhà tôi không kịp di chuyển được thứ gì ra ngoài nên tất cả đã bị cuốn xuống sông”.
Anh Bùi Văn Chọn, nhà gần đây cũng cho biết: “Sóng lớn ập vào quá bất ngờ và chỉ sau khoảng 30 phút, nhiều nhà dân ở đây bị sập hoàn toàn. Nhà tôi cũng bị sập và chỉ di chuyển được cái tủ lạnh ra ngoài, toàn bộ tài sản còn lại đều bị cuốn xuống sông”.
Theo quan sát của phóng viên, khu vực bị thiệt hại nặng nhất là 6 nhà dân liền kề, xây dựng theo kiểu nhà sàn nhô ra sông, bị sập hoàn toàn. Tại đây, sóng lớn cũng đã cuốn sập hoàn toàn đường bờ kè bằng đá và “móc” sâu vào nền nhà của nhiều hộ dân phía bên trong khiến nhiều nhà bị nứt nền, sụt móng. Ngoài ra, khoảng gần chục nhà dân gần phía cầu Hà Ra, đều được xây dựng khá kiên cố và nằm phía trong bờ kè sông, những vẫn chịu thiệt hại vì sóng lớn. Trong đó có một số căn nhà tường xây gạch cũng đã bị nứt và có nguy cơ đổ sập. Tại khu vực này, chịu thiệt hại nặng nhất là nhà ông Mai Dư, bởi căn nhà của gia đình ông tuy chưa sập, nhưng toàn bộ nền nhà đã bị sóng “móc” sập thành sông.

Ông Nguyễn Thanh Luyện – Trưởng Ban Mặt trận tổ 7 Hà Ra cho biết: “Lúc 20 giờ, tôi nhận được tin báo của người dân nên vội vàng chạy xuống. Đến nơi tôi đã thấy 1 nhà dân bị sóng đánh sập hoàn toàn. Sau đó chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ, 6 nhà dân khác cũng bị sập hoàn toàn và hơn 10 căn nhà khác bị sập một phần. Những hộ dân này đều làm nghề biển, hoàn cảnh đều rất khó khăn, trong đó có 1 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Đã vậy khi thiên tai ập đến, hầu như không ai kịp di dời tài sản nên hiện tại cuộc sống của họ càng khó khăn, thiếu thốn hơn”.
Cần sớm di dời dân
Theo ông Nguyễn Văn Cường, khi nhận được tin báo của cán bộ tổ dân phố, ông đã lập tức huy động lực lượng dân quân, Công an phường, Ban bảo vệ dân phố các tổ Hà Ra đến hiện trường để giúp bà con di dời, trục vớt những tài sản bị chìm xuống sông; chằng chống một số căn nhà có nguy cơ đổ sập và di dời 8 hộ dân trong khu vực với gần 50 nhân khẩu đến nhà văn hóa và trường mẫu giáo. Đồng thời các lực lượng chức năng này cũng khẩn trương chằng chống hàng chục căn nhà khác trong vùng xung yếu sạt lở nên đã hạn chế được thiệt hại.

“Rất may không thiệt hại về người. Tuy nhiên nhiều nhà dân bị hoàn toàn và sập một phần, ước thiệt hại trên 200 triệu đồng. Trước mắt, UBND phường sẽ trích Quỹ phòng chống thiên tai của địa phương để hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại về lương thực thực phẩm. Tiếp đến chúng tôi sẽ phối hợp với Phòng Lao động – Thương Binh và Xã hội, Phòng Quản lý đô thị thành phố tiến hành xác minh thiệt hại cụ thể của từng hộ dân để kiến nghị lên thành phố có hướng hỗ trợ cho dân”, ông Cường nói.
Được biết, hiện tại trên địa bàn phường Vĩnh Phước còn 60 hộ dân ở các tổ dân phố 4,4,6,7 Hà Ra đang sinh sống trong những căn nhà xây dựng theo kiểu nhà sàn nhô ra sông. Đây là khu vực xung yếu, vào mùa mưa bão có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Vì sợ tai họa ập đến do sạt lở nên cách đây 2 năm, những hộ dân này đều đã có đơn xin được di dời và tái định cư nơi ở mới để đảm bảo chỗ ở an toàn. “Mỗi khi trời mưa bão là người dân chúng tôi nơi đây lại sống trong thấp thỏm lo sợ. Chúng tôi rất mong chính quyền sớm cho di dời đi tái định cư ở nơi khác để đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống”, bà Lê Thị Hạnh (hộ dân có nhà bị sập), chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Cường cũng cho biết, vấn đề di dời 60 hộ dân đang sinh sống trong vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở cao nói trên đã được UBND phường Vịnh Phước kiến nghị lên UBND thành phố và UBND tỉnh 2 năm nay, nhưng hiện tại do chưa tìm được quỹ đất nên chưa thể tiến hành di dời những hộ dân này. “Chúng tôi rất mong thành phố và tỉnh sớm triển khai di dời những hộ dân này nhằm tạo điều kiện cho họ an tâm sinh sống cũng như đề phòng tai nạn bất ngờ trong mùa mưa bão”, ông Cường nói.
Bài & ảnh: Thanh Nam