Niềm vui dưới xuôi
Cuối tháng 12 dương lịch, trời lạnh tê người, trên những cánh đồng, lau đã nở hoa như phất cờ. Con nhà nông thấy hoa lau như bắt được vàng, bởi lẽ dân gian từ lâu đã truyền tụng cách nhìn trời đất, cây cỏ hoa lá để bắt mạch tính khí thiên nhiên mà chung sống.
Làng Lệ Sơn, sống giữa một bên lưng bị núi vây, mặt bị nước sông Gianh phong tỏa, đồng ruộng quanh năm làm được hai vụ, nhưng năm nay mất trắng do lũ liên tiếp ập về từ đầu tháng 8. Lệ Sơn, loi choi bên sông Gianh, thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, đầu làng có một thỏi đất, cây lau mọc tơi bời, người làng để vậy từ hàng chục năm nay nhằm dành riêng cho lau mọc. Năm nào người ta cũng theo dõi hoa lau để xuống vụ ĐX đúng hẹn. Mọi năm, lau vẫn không nở phất cờ. Nhưng năm nay lau nở bung ra, người làng Lệ Sơn đã xuống giống. Một cụ cao niên người làng Lệ Sơn đã thốt lên: “Năm ni không đói rồi. Vụ đông xuân ăn chắc rồi. Cả làng thắng rồi”.
Miền Trung năm 2007 vẫn còn đó những dấu vết tàn phá kinh khủng của đại hồng thủy hiện diện trên hầu khắp các làng mạc. Những vết sẹo đau ấy đang liền da. Dọc các triền sông trước đây ầm ào, xé toang làng mạc nay đã hiền dịu vỗ về người dân bằng những mớ cá mớ tôm như cách bù đắp lại những gì lũ dữ đã cướp đi. Trên những nơi lũ quét đi qua, màu xanh bắt đầu phục sinh, bắt đầu xóa đi cái bạc đầu của phù sa, biến nó thành những nguồn chất phục hồi lại những gì đã mất.
Người sống dọc các triền sông còn một chỉ dấu khác để biết hết lụt là hiện tượng các loài cá cứ buổi sáng bơi ngược dòng lên nguồn tìm nơi sinh sản. Mảnh làng nội của tôi lúp xúp dưới một triền cát ven biển ở huyện Quảng Trạch, khi thấy hoa lau nở trên bìa cát ven làng, nhà nhà ở cái thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch này đều hồ hởi, tất bật chuẩn bị ngư cụ cho mùa đánh bắt mới. Cái làng cát nhỏ bé ấy trịnh trọng với niềm vui trời đất bằng cách riêng, hết sức giản dị: mỗi nhà làm một mâm cúng gồm xôi, cá biển nướng, rượu gạo nấu trên cát, rồi thắp nhang khấn trời, cạnh mỗi mâm cúng, người ta không quên bỏ một nắm hoa lau như biết ơn trời đất đã ban cho điều kiện thuận lợi cho mùa đánh bắt mới. Cứ sau mùa hoa lau nở, người làng biển lại được mùa đánh bắt, mùa ruốc bội thu, mùa cá đầy thuyền để bù đắp vào những tháng ngày mưa gió vần vũ gây lũ lụt, con thuyền tròng trành không dám ra khơi, ngư phủ bó gối nhìn mưa trong cái lo khốn khó chật vật với miếng ăn.
Ánh cười miền ngược
Khi hoa lau nở, người miền xuôi vui một thì người miền ngược vui mười. Họ vui với ánh cười tan cả rừng chiều. Hồ Mày, người dân tộc Mày, ở bản vùng cao Si Mày trong vùng Lòm (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) giáp Lào giải thích niềm vui thế này: “Hoa lau nở các suối hết hung dữ, cái khe hết réo rắt ầm ào. Trước đây cha ông mình còn rừng thì lũ lụt không hung ác. Bây chừ, con em dân bản miền ngược nhìn rừng ngày càng nhỏ đi, rừng càng thưa dần thì sợ mưa, mưa trút bao nhiêu nước là chảy tuột xuống suối bấy nhiêu mới gây lụt lội sớm. Nhưng khi hoa lau nở rồi thì yên tâm rồi. Rứa là cái bụng mình thấy trời làm đúng, hoa lau nở đúng”.
Ở vùng Lòm, khi nhìn thấy hoa lau, mỗi bản có một thầy cúng leo lên mỏm đồi cao nhất trong bản, đồ cúng mang theo gồm một con gà sống, một líp xôi, ché rượu nhỏ. Con gà được cắt tiết, tưới máu của nó lên bát ngát hoa lau nở như một cách tế thần lau đã ban phát niềm vui hết lụt cho miền xuôi cũng như miền ngược. Người Mày quan niệm màu trắng của lau rừng là màu của yên lành, không lo bị thiên tai quấy phá.
Trong niềm vui hoa lau nở đó, người miền núi còn một số chỉ dấu khác để biết thiên tai đã hết kéo về càn quét như kiến đất không kéo từng bầy lên cây làm tổ, hoặc ong vò vẽ không làm tổ trên cao mà chuyển xuống làm nơi thấp tầm.