Biến động là gì?
Trong ngữ cảnh quản trị, “biến động” (volatility) thường gắn với những thay đổi đột ngột, khó dự báo từ địa chính trị, thị trường (giá cả, lạm phát, tỷ giá, chuỗi cung ứng), chính sách, khủng hoảng ESG, đến hành vi khách hàng hay đổi mới công nghệ... Tuy nhiên, nếu nhìn trong không gian rộng và thời gian dài hơn, có thể thấy: Biến động không phải ngoại lệ mà là quy luật phổ biến. Biến động không đơn thuần do “sự cố” mà bắt nguồn từ bản chất luôn thay đổi, vận động không ngừng của thực tại.

Quản trị biến động, nỗ lực vượt khó, Petrovietnam hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và lập nhiều kỷ lục mới. Ảnh: Petrovietnam.
Sự giao thoa giữa triết học - khoa học - tôn giáo
Ngay từ thời cổ đại, nhà triết học nổi tiếng Heraclitus chính là người đầu tiên đề cập đến tính vô thường với câu nói: “Panta rhei” (mọi thứ đều trôi chảy). Theo ông, không có gì là bất biến, mọi thứ đều trong trạng thái biến đổi liên tục, “không ai có thể bước hai lần vào cùng một dòng nước”.
Các nhà kinh điển Mác - Lênin chỉ ra rằng, vận động là thuộc tính vốn có, là phương thức tồn tại của vật chất. Mọi sự vật trong thế giới vật chất luôn vận động, từ thay đổi vị trí đơn giản đến các quá trình tư duy. Sự vận động này là vĩnh viễn, mang khuynh hướng “phủ định của phủ định” - một quy luật phát triển phổ biến của tự nhiên, lịch sử và tư duy. C. Mác và Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh quy luật ấy phản ánh con đường phát triển khách quan của các sự vật và hiện tượng.
Không chỉ triết học, khoa học cũng khẳng định sự thay đổi của mọi hiện tượng, hơn thế, khoa học còn chứng minh sự tương đồng trong nhận thức tôn giáo về bản chất của danh sắc là biến động. Nói cách khác, triết học, khoa học và tôn giáo đều gặp nhau ở nhận định: thay đổi là bản chất của thực tại. Mọi thứ chúng ta xem là “thực” chỉ tồn tại tạm thời, không cố định trong mối quan hệ nhân quả, hay lý “nhân duyên” trong Phật giáo. Cũng như cách triết học Mác - Lênin diễn đạt: “nó là nó, mà không phải là nó”, để chỉ sự vận động không ngừng của sự vật.
Từ góc nhìn tôn giáo, đặc biệt Phật giáo, sự thay đổi gắn với vô thường (anicca), như là chân lý phổ quát. Phật giáo coi vô thường là 1 trong 3 đặc tính cơ bản của mọi hiện tượng hữu vi (có điều kiện). Từ tuệ giác và thực chứng của các bậc giác ngộ, Phật giáo khẳng định mọi vật sinh ra đều thay đổi và hoại diệt; không gì có thể tồn tại vĩnh viễn; tất cả tâm thức (danh) và vật chất (sắc) đều chịu chi phối bởi vô thường. Nghĩa là biến động không phải là điều “bất thường”, mà là “hiển nhiên”, là bản chất.
Quản trị biến động: một nghịch lý hay là tất yếu?
Khi đã thừa nhận rằng biến động là hình thái của vô thường, thì một nghịch lý xuất hiện: Làm sao có thể quản trị cái vốn dĩ là bản chất, là sự mặc định không thể kiểm soát, không thể dự báo và không thể giữ nguyên? Câu hỏi này không chỉ mang tính triết lý mà còn là nhận thức luận cho đến thực tiễn trong hoạt động quản trị.

Các nhà máy của Petrovietnam luôn được tối ưu công suất, hiệu suất với độ khả dụng cao. Ảnh: Petrovietnam.
Trong các tổ chức, không ai có thể “kiểm soát” hoàn toàn biến động cả bên trong lẫn bên ngoài, từ các thay đổi của bối cảnh, từ các yếu tố thị trường hay thay đổi chóng mặt của công nghệ. Không ai đoán định được những rủi ro thiên nga đen, thiên nga xám với tần suất xuất hiện ngày càng dày đặc hơn bao giờ hết như đại dịch Covid-19, các khủng hoảng địa chính trị, xung đột vũ trang truyền thống và phi truyền thống, các thảm họa thiên nhiên... Câu hỏi đặt ra là: Vậy, điều gì có thể được quản trị?
Thực tiễn đầy biến động với đặc trưng “thay đổi, thay đổi và thay đổi” ở mọi lĩnh vực đời sống buộc các học thuyết quản trị hiện đại phải điều chỉnh, chuyển hướng sang mục tiêu thực tế và khoa học hơn: quản trị mục tiêu trong bối cảnh biến động, cũng chính là nội hàm cốt lõi của “quản trị biến động”. Thực chất, chúng ta không thể và cũng không nhằm quản trị chính biến động, bởi đó là yếu tố tất yếu của tự nhiên và xã hội, nơi bối cảnh luôn vượt ngoài tầm kiểm soát, kể cả tâm lý và cảm xúc con người cũng vô thường. Điều có thể làm là quản trị nhận thức, thái độ, phản ứng và chiến lược để thích nghi, ứng phó và hướng tới mục tiêu.
Theo TS Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, quản trị biến động chính là quản trị các điều kiện biên để quản trị mục tiêu kế hoạch trong bối cảnh các thay đổi nhanh, khó lường. Cách tiếp cận này yêu cầu: Linh hoạt trong xây dựng và thực hiện kế hoạch; luôn nhận diện các yếu tố trọng yếu và mức độ ảnh hưởng đến từng mục tiêu để có giải pháp ứng phó thích hợp; tập trung vào năng lực phản ứng nhanh và đủ tốt, thay vì chỉ dựa vào tiên đoán; xây dựng đội ngũ đáp ứng được yêu cầu; mô hình quản trị của tổ chức phù hợp, phân quyền để rút ngắn thời gian ứng phó, ra quyết định.
Trong bối cảnh biến động ngày càng nhanh và khó đoán, doanh nghiệp cần theo đuổi chiến lược “đáp ứng linh hoạt”. Việc triển khai đòi hỏi: Chia nhỏ mục tiêu đến mức bảo đảm khả năng quản trị; giám sát, theo dõi, phản hồi liên tục; chấp nhận thay đổi như một phần tất yếu, mang tính khách quan; tránh “đặt cược” vào một kế hoạch bất biến; chấp nhận rủi ro có kiểm soát.
Có thể thấy, sự giao thoa giữa khoa học, triết học và tôn giáo trong phạm trù - Phật giáo gọi là “pháp”, gợi mở một cách nhìn mới: Sự thay đổi là biểu hiện của vô thường, nó không chỉ là sự thay đổi bề mặt mà còn là bản chất sâu xa của thực tại. Điều này đặt ra yêu cầu khách quan trong quản trị, hay nói cách khác, quản trị biến động mang tính tất yếu.
Hàm ý trong quản trị
Từ những phân tích trên, có thể làm rõ thêm nội hàm của “quản trị biến động”. Đó chính là khả năng xác lập, theo đuổi và thực hiện mục tiêu một cách linh hoạt trong bối cảnh luôn thay đổi, nhanh, khó đoán định, mà không bị “mắc kẹt” vào tư duy hay mô hình cũ như những điều bất biến.
“Quản trị biến động” không phải là ảo vọng kiểm soát được tất cả các thay đổi, các biến động xảy ra trong sản xuất kinh doanh nói riêng, thế giới sự vật nói chung, mà là quá trình nhận diện, ứng phó, thích ứng thông qua năng lực kiểm soát các điều kiện biên, nhằm bảo đảm mục tiêu tổng quát trong sự chấp nhận về môi trường biến động. Có thể nói rằng biến động là sóng, quản trị là nghệ thuật lướt sóng, không phải ngăn ngừa hoặc dập tắt các con sóng.
Xét từ bản thể luận, biến động là thuộc tính vốn có của hiện tượng, không thể ngăn ngừa. Nhận thức rõ điều này giúp chúng ta cởi mở hơn trước thay đổi, hiểu rằng quản trị biến động không phải hình thức hay khẩu hiệu, mà là tất yếu khách quan, là một nhu cầu thực tại của mọi chủ thể, từ cá nhân, tổ chức đến quốc gia, nhân loại.
Theo TS Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, quản trị biến động chính là quản trị các điều kiện biên để quản trị mục tiêu kế hoạch trong bối cảnh các thay đổi nhanh, khó lường.