
DOC đã tiếp nhận điều tra gỗ dán cứng Việt Nam về chống bán phá giá và chống trợ cấp. Ảnh minh họa.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với gỗ dán cứng và trang trí nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam. Trong vụ việc này, gỗ dán cứng và trang trí từ cả 3 nước đều bị đề nghị điều tra cả CBPG và CTC.
Nguyên đơn của vụ việc là Hiệp hội Thương mại công bằng với gỗ dán cứng Hoa Kỳ. Nguyên đơn đã nêu tên hơn 130 công ty của Việt Nam, gồm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn, như Công ty CP Tekcom, Công ty TNHH MTV Gỗ Khang Đạt, Công ty TNHH Triệu Thái Sơn, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thái Hoàng...
Theo số liệu do nguyên đơn viện dẫn từ nguồn của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), trong giai đoạn 2022-2024, Việt Nam xuất khẩu lần lượt khoảng 401 triệu USD, 186 triệu USD và 244 triệu USD gỗ dán cứng và trang trí sang Hoa Kỳ, đứng vị trí thứ 2 trong 3 nước bị điều tra, sau Indonesia.
Biên độ CBPG bị cáo buộc với gỗ dán cứng và trang trí từ Việt Nam: khoảng 112,33 đến 133,72% (thấp nhất trong số 3 nước bị điều tra).
Tương tự như các vụ việc gần đây, do Hoa Kỳ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là quốc gia thay thế do cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất gỗ bị điều tra. Các bên có thời hạn bình luận về nước thay thế trong vòng 60 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc
Biên độ CTC bị cáo buộc với gỗ dán cứng và trang trí từ Việt Nam: Nguyên đơn không đưa ra cáo buộc với biên độ trợ cấp.
Theo quy định điều tra của Hoa Kỳ, có 2 cơ quan tham gia trong một vụ việc điều tra CBPG và CTC: DOC điều tra về hành vi bán phá giá và trợ cấp và chịu trách nhiệm chung về kết quả điều tra trong khi ITC chịu trách nhiệm đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Sản phẩm chỉ bị áp thuế CBPG/CTC nếu cả 22 cơ quan đều ban hành kết luận khẳng định. Nếu như trong vụ việc CBPG, chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu là đối tượng bị điều tra thì trong vụ việc CTC, Chính phủ cũng là đối tượng bị điều tra.
Để chuẩn bị ứng phó với vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ dán cứng và trang trí: Theo dõi chặt chẽ diễn biến tiếp theo của vụ việc; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra CBPG và CTC của Hoa Kỳ và dự kiến chiến lược kháng kiện phù hợp với doanh nghiệp (trong trường hợp DOC khởi xướng điều tra); đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Doanh nghiệp hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc cơ quan điều tra Hoa Kỳ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế CBPG và CTC cáo buộc cao nhất cho doanh nghiệp;
Doanh nghiệp chủ động đăng ký tài khoản IA ACCESS tại cổng thông tin điện tử của DOC (https://access.trade.gov/login.aspx) nhằm cập nhật thông tin và nộp các văn bản, tài liệu liên quan tới cơ quan điều tra Hoa Kỳ.