Đoàn tàu do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức nhằm chào mừng đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Gần 900 hành khách trên đoàn tàu, trong đó có 400 hành khách xuống tàu tại ga Đà Nẵng và gần 500 hành khách lên tàu tiếp tục hành trình đến ga Hà Nội và ga Sài Gòn đã có buổi gặp gỡ đầy xúc động tại ga Đà Nẵng.

Hành khách mặc áo cờ đỏ sao vàng trên chuyến tàu Thống Nhất. Ảnh: Lan Anh.
Chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân trong dịp lễ 30/4 và 1/5, chị Nguyễn Thị Thu Ngân từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ trong nghẹn ngào: Đây thực sự là một trải nghiệm khác biệt. Khoảnh khắc chào cờ trên tàu khác hẳn với những buổi chào cờ quen thuộc thời còn đi học. Khi Quốc ca vang lên, tất cả mọi người đồng thanh hát, hướng về Sài Gòn – nơi từng ghi dấu chiến thắng lịch sử 30/4, tất cả như sống lại khoảnh khắc hào hùng của dân tộc.
“Tôi rất tự hào khi là một trong những hành khách, được gặp gỡ những hành khách cả ba miền Bắc Trung Nam trong một ngày đặc biệt – ngày thống nhất đất nước. Sự tự hào đó sẽ nhắc nhở những thế hệ trẻ như chúng tôi biết ơn cha ông đã ngã xuống vì nền hòa bình đẹp tuyệt vời hôm nay”, chị Thu Ngân chia sẻ.

Người dân Đà Nẵng với cờ hoa rực rỡ chào đón đoàn tàu Thống Nhất trưa 30/4. Ảnh: Lan Anh.
Giữa khung cảnh cờ hoa rực rỡ, trong vòng tay chào đón nồng nhiệt của người dân Đà Nẵng, tiếng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên đầy xúc động, những giọt nước mắt rưng rưng, những nụ cười chan chứa tự hào hiện rõ trên khuôn mặt hàng trăm hành khách. Trong giây phút ấy, mọi khoảng cách vùng miền dường như tan biến, chỉ còn lại tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc và cảm xúc vỡ òa trong ngày hội lớn của non sông.
Với cựu chiến binh Phan Thanh Hoàng – người đã từng sống qua chiến tranh, sự kiện này là niềm tự hào không gì sánh được: "Tôi đã từng hành quân qua nhiều vùng đất, từng chứng kiến sự chia cắt của Tổ quốc. Hôm nay, tại Đà Nẵng, được đón đoàn tàu Thống Nhất, tôi cảm nhận sâu sắc thế nào là “non sông liền một dải’”. Mỗi tiếng còi tàu vang lên là một lời nhắc nhở về sự hy sinh và tinh thần đoàn kết bất diệt."

Nghi thức thả chim bồ câu - biểu tượng của hòa bình để chào đón đoàn tàu Thống Nhất. Ảnh: Lan Anh.
Sự kiện không chỉ là một cuộc hành trình đơn thuần mà còn là bản hùng ca giữa thời bình. Những hành khách trẻ như Nguyễn Ngọc Duy không giấu được niềm xúc động: “Chứng kiến hai đoàn tàu gặp nhau sau 50 năm, em hiểu rằng để có được khoảnh khắc này, ông cha đã phải trả giá bằng máu và nước mắt. Em sẽ không bao giờ quên điều này.”
Đối với người dân Việt Nam, hình ảnh đoàn tàu Thống Nhất nối hai miền Nam - Bắc đã trở thành biểu tượng của hoà bình, của niềm vui toàn thắng, sum họp. Hoạt động nhằm tái hiện không khí lịch sử ngày thống nhất đất nước, tri ân các thế hệ đi trước và giáo dục truyền thống yêu nước.

Đối với người dân Việt Nam, hình ảnh đoàn tàu Thống Nhất đã trở thành biểu tượng của hoà bình, của niềm vui toàn thắng, sum họp. Ảnh: Lan Anh.
Trao đổi về điều này, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Đội tàu mang tên đoàn tàu Thống Nhất gồm: 1 đoàn tàu (SE1) xuất phát tại ga Hà Nội đến ga Sài Gòn và 1 đoàn tàu (SE4) xuất phát tại ga Sài Gòn cùng trong tối ngày 29/4.
Đoàn tàu được trang trí theo chủ đề “Đường sắt Thống nhất – Non sông liền một dải” nhằm thể hiện đúng tinh thần ngày thống nhất non sông; lan tỏa niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam. Hành khách trên “Đoàn tàu Thống Nhất” được hòa mình vào không khí ngày hội với các chương trình nghệ thuật đặc sắc, bao gồm những ca khúc cách mạng và nhạc phẩm ca ngợi quê hương, đất nước.

Hành khách được tặng quà khi đến ga Đà Nẵng vào dịp này. Ảnh: Lan Anh.
Ông Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ thêm: Trong lịch sử, sau ngày thống nhất đất nước, tháng 11/1975, Hội đồng Chính phủ đã có mệnh lệnh mang số hiệu 358 phải khôi phục nhanh tuyến đường sắt Thống nhất.

Đà Nẵng - thành phố của đổi mới, kết nối quá khứ và hiện tại được lựa chọn làm điểm hẹn của đoàn tụ. Ảnh: Lan Anh.
“Chỉ 1 năm sau, đến 4/12/1976, chúng ta đã khôi phục xong đường sắt Bắc – Nam, đã nối thông điểm nối ray tại Km446+885 tại tỉnh Quảng Bình. Và ngày 31/12/1976 chúng ta đã tổ chức chạy đôi tàu thống nhất. Phát huy truyền thống đó, chúng tôi muốn lan tỏa thế khí, tinh thần của ngày Thống nhất đất nước, gửi đến một thông điệp rằng, chúng ta đang sống trong hòa bình, hạnh phúc, chúng ta phải trân quý độc lập, tự do mà lớp lớp cha anh đã hi sinh xương máu để giành lại được”, ông Đặng Sỹ Mạnh nói.
Vì vậy, theo đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, các chương trình chạy tàu đã được lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng cách đây nhiều tháng với biểu đồ chạy tàu cụ thể để tái hiện lại đôi tàu năm 1976...
Đà Nẵng – thành phố của đổi mới, của kết nối quá khứ và hiện tại – được lựa chọn làm điểm hẹn của đoàn tụ, của khát vọng và của niềm tin vững bền vào tương lai hòa bình, thịnh vượng. Việc Đà Nẵng được lựa chọn làm điểm hẹn của đoàn tụ thêm động lực để Đà Nẵng nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn nữa, xứng với danh hiệu "Thành phố đáng sống" và đáng đến.