
Khối xe ảnh Bác. Ảnh: Hoàng Phong.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam tạm thời chia thành hai miền. Hải Phòng là một trong những địa phương cuối cùng của miền Bắc còn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Pháp. Hiệp định Genève quy định thời gian 300 ngày để Pháp chuyển quân tập kết vào miền Nam. Trong 300 ngày này, Hải Phòng đã chứng kiến cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ của quân và dân ta trên nhiều mặt trận.
Về chính trị, Đảng bộ và chính quyền Hải Phòng đã lãnh đạo Nhân dân giữ vững tinh thần, đấu tranh chống lại mọi âm mưu phá hoại của địch, đặc biệt là âm mưu dụ dỗ, cưỡng ép người dân di cư vào Nam. Về kinh tế, công nhân và người dân Hải Phòng đã chủ động tháo dỡ, cất giấu máy móc, tài sản của các nhà máy, xí nghiệp để tránh rơi vào tay quân Pháp, chuẩn bị cho việc khôi phục và phát triển kinh tế sau này.
Đối với quân sự, trong bối cảnh Pháp vẫn kiểm soát thành phố, các lực lượng vũ trang cách mạng duy trì nghiêm hoạt động bí mật, sẵn sàng tiếp quản khi thời cơ đến. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động cũng được đẩy mạnh, giúp người dân hiểu rõ về tình hình, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng và giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng…
Đến ngày 13/5/1955, quân Pháp rút khỏi Hải Phòng cũng là kết thúc quá trình đấu tranh thi hành hiệp định trên địa bàn thành phố. Đây đồng thời là sự kiện đánh dấu miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ mới - khôi phục kinh tế, văn hóa và quá độ lên xã hội chủ nghĩa, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khối lực lượng vũ trang. Ảnh: Hoàng Phong.
Cuộc đấu tranh giải phóng Hải Phòng là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khẳng định ý chí kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù, giữ trọn niềm tin vào Đảng, vào con đường cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam, mở ra một chương sử mới, thời kỳ phát triển mới trong lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng và lịch sử thành phố Hải Phòng.
Phát biểu tại chương trình, ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, 70 năm đã đi qua, Hải Phòng hôm nay không chỉ là thành phố của những con tàu và ngọn sóng mà còn là minh chứng sống động cho ý chí vươn xa, cho tình yêu quê hương cháy bỏng, tăng tốc phát triển, xứng đáng với truyền thống cha ông để lại - một thành phố kiêu hãnh nhìn về quá khứ để mạnh mẽ bước tới tương lai. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và tinh thần Ngày giải phóng Hải Phòng năm 1955, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nỗ lực thực hiện đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình phát triển.
Tại chương trình duyệt đội ngũ và diễu hành quần chúng chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025) có 42 Khối diễu hành, gồm: 4 Khối nghi lễ (Khối Xe Quốc huy; Khối Cờ Đảng, cờ Tổ quốc; Khối Xe Ảnh Bác; Khối Xe biểu tượng thành phố Hải Phòng); 17 Khối đội ngũ lực lượng vũ trang; 21 Khối Diễu hành quần chúng và các xe mô hình.