| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội khởi công xây cầu hơn 20.000 tỷ đồng qua sông Hồng

Thứ Hai 19/05/2025 , 10:44 (GMT+7)

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) được Hà Nội khởi công sáng 19/5.  

Sáng 19/5, UBND thành phố Hà Nội tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) tại trước nút giao Dự án với đường Trường Sa.

Dự án trọng điểm của thành phố

Cầu Tứ Liên được xác định là một trong những dự án quan trọng của Thủ đô nhằm kết nối với Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và tuyến đường từ sân bay Gia Bình về trung tâm thành phố Hà Nội. Công trình cầu Tứ Liên có thiết kế kiến trúc dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng tạo điểm nhấn kiến trúc. Sau khi hoàn thành vào năm 2027 sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Phối cảnh thiết kế cầu Tứ Liên. 

Phối cảnh thiết kế cầu Tứ Liên. 

Theo UBND TP.Hà Nội, việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có vai trò quan trọng để kết nối nhanh khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên thông qua đường cao tốc Hà Nội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, giãn dân số.

Ngoài ra, công trình góp phần giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Thăng Long, Vĩnh Tuy, giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi, đồng thời từng bước hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội; phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên sông Hồng.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) gồm 4 dự án thành phần (trong đó 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng; 1 dự án đầu tư xây dựng) với tổng mức đầu tư khoảng 20.171 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng: 4.332 tỷ đồng; đầu tư xây dựng: 15.839 tỷ đồng).

Tổng chiều dài dự án khoảng 5,15km, điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ điểm cuối kết nối với đường Trường Sa, huyện Đông Anh. Công trình cầu Tứ Liên với thiết kế kiến trúc cầu dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc và sau khi hoàn thành vào năm 2027 sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Dự án giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn 7 xã, phường (Quảng An, Yên Phụ, Tứ Liên, Ngọc Thụy, Xuân Canh, Đông Hội) của 3 quận, huyện: Tây Hồ, Long Biên, Đông Anh có tổng mức đầu tư khoảng 4.332 tỷ đồng. Tổng diện tích thu hồi, GPMB khoảng 62,53ha với tổng số dự kiến khoảng 701 trường hợp thu hồi đất (412 trường hợp đất ở, 280 trường hợp đất nông nghiệp và đất của các tổ chức, đất công), trong đó dự kiến tái định cư khoảng 257 trường hợp đất ở và tái định cư chùa Long Đọi.

Ngày 18/4/2025, các quận, huyện Tây Hồ, Long Biên, Đông Anh đã nhận bàn giao mốc giới phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ngày 16/5/2025, Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án thành phần 2 khu vực trước Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia.

Đến nay, chủ đầu tư dự án thành phần 2 đã hoàn thành lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu EPC (thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp) là Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Công ty TNHH Tập đoàn Viện khảo sát và thiết kế cầu lớn đường sắt Trung Quốc, Công ty cổ phần Phát triển và Đầu tư xây dựng Vincons, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Hưng Phú và đảm bảo các điều kiện để khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa).

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2027.

1 trong 18 công trình cầu đường bộ vượt sông Hồng

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cầu Tứ Liên là một trong 18 công trình cầu đường bộ vượt qua sông Hồng, có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông, phát triển đô thị hai bên sông và kết nối đồng bộ với Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) và các tỉnh, khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, giảm tải cho các cầu hiện hữu, góp phần phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.

Ngay sau chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương Đảng và Chính phủ, thành phố Hà Nội đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện dự án đầu tư với các mốc thời gian cụ thể, chi tiết; tổ chức phân luồng hồ sơ, rút ngắn thời gian xử lý công việc bằng việc ban hành cơ chế ưu tiên “làn xanh” xử lý ngay văn bản trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ... Dự án được quyết định việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu tư vấn vượt hạn mức chỉ định thầu.

Sau khoảng thời gian hơn 5 tháng, các điều kiện để khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) đã đảm bảo đúng quy định và đáp ứng đúng theo tiến độ đề ra.

"Để dự án được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, tôi đề nghị, chủ đầu tư và nhà thầu tập trung nguồn lực thi công đảm bảo chất lượng, an toàn, tiến độ; UBND các quận, huyện: Tây Hồ, Long Biên và Đông Anh: Tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại thuộc phạm vi dự án theo quy trình, quy định để sớm bàn giao mặt bằng sạch. Các sở, ngành tham mưu kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo dự án triển khai thông suốt trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền mới (áp dụng từ ngày 1/7/2025)" - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trẫn Sỹ Thanh nói. 

Theo ông Trần Sỹ Thanh, cầu Tứ Liên là công trình cầu vượt sông Hồng đầu tiên khởi công trong năm 2025. Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và tiến hành khởi công một loạt 6 công trình cầu lớn để cũng khởi công trong năm 2025, gồm: cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4); cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5); cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vân Phúc.

Xem thêm
Quốc hội phê duyệt bổ sung 44.000 tỷ đồng chi cho tinh gọn bộ máy

Quốc hội thông qua bổ sung 44.000 tỷ đồng ngân sách Trung ương 2025 để chi trả chế độ khi sắp xếp bộ máy, cải cách tiền lương, miễn học phí.