Giữ thị trường bằng chất lượng, giữ thương hiệu quốc gia bằng minh bạch

Lời tòa soạn:

“Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức diễn ra chiều 24/5 thu hút sự quan tâm đông đảo của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã và người dân ở các tỉnh, thành phố trồng sầu riêng.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với ngành hàng sầu riêng đã được chia sẻ, thảo luận.

Ngay sau Hội nghị, các doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia… tiếp tục có những góp ý, hiến kế để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững. Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng đăng tải những ý kiến tâm huyết này. Dưới đây là bài viết của ông Phạm Quốc Liêm - Chủ tịch Unifarm.

Tôi viết bài này bằng cái tâm của một công dân muốn thấy người nông dân có thể làm giàu chính đáng từ công sức, mồ hôi của họ.

Việt Nam đang đứng trước một cơ hội vàng để định vị sầu riêng là ngành hàng nông sản chủ lực với kim ngạch hàng tỷ USD mỗi năm, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân Việt Nam. Quan trọng hơn, mỗi trái sầu riêng nói riêng và mỗi loại nông sản Việt Nam nói chung được bán ra thị trường còn mang theo sứ mệnh quảng bá hình ảnh và thương hiệu của quốc gia Việt Nam.

Tôi viết bài này bằng cái tâm của một công dân muốn thấy người nông dân có thể làm giàu chính đáng từ công sức, mồ hôi của mình bằng việc cung ứng cho người tiêu dùng những quả sầu riêng thơm ngon và an toàn, đồng thời, “thương hiệu” Việt Nam phải là một “cái hiệu được người ta thương” trên thị trường trong nước và quốc tế. Với tâm thế đó, trong phạm vi bài viết, tôi xin phép không nêu lại những giải pháp mà nhiều chuyên gia đã nêu. Tôi xin đi thẳng vào những điểm nghẽn mà vì lý do nào đó, chúng ta đã nhắc đến chưa đủ chi tiết trong thời gian qua.

Có ý kiến cho rằng nên hạn chế đưa thông tin tiêu cực về nông sản một cách công khai. Là một người điều hành doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh với quan điểm: “một tiêu chuẩn cao nhất cho tất cả thị trường”, tôi lại cho rằng chúng ta cứ phải mạnh dạn nhìn nhận và phân tích những điểm còn là “gót chân Asin” của mình, trước khi đối thủ cạnh tranh khai thác còn khách hàng quay lưng.

 

 

Tính đến 21/5/2025, Việt Nam đã có 1.396 mã số vùng trồng (MSVT) và 188 mã số cơ sở đóng gói (MSĐG) được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt.

Trên thực tế, có nhiều đơn vị xuất khẩu đang thu mua sầu riêng được thu hoạch từ những vùng chưa được cấp mã vùng trồng, thông qua hình thức “bắt hàng”, một thuật ngữ của dân trong nghề chỉ việc các đơn vị xuất khẩu mua sầu riêng từ rất nhiều thương lái nhỏ mà không đặt ra yêu cầu về nguồn gốc hay MSVT của số lượng sầu riêng này. Bên cạnh đó, tình trạng các đơn vị xuất khẩu tổ chức thu mua, sơ chế, và đóng gói tại những cơ sở sơ chế, đóng gói sầu riêng ở một địa điểm nhưng sử dụng MSĐG ở một địa điểm khác để đăng ký trên hồ sơ xuất khẩu là rất phổ biến, thông qua việc “ủy quyền mã số đóng gói”. Đáng nói hơn, thậm chí có đơn vị còn giả mạo luôn thư ủy quyền đó. Việc ủy quyền này, dù được phép hay không, thì thực tế vẫn là sầu riêng được bán ra thị trường đã không được sơ chế và đóng gói từ cơ sở đóng gói đủ điều kiện được cấp MSĐG, đồng thời, sẽ không có cách nào truy xuất được nguồn gốc khi lô hàng gặp vấn đề khi đến thị trường tiêu thụ.

Mặc dù các cơ quan quản lý đã có những hội thảo và nỗ lực đưa ra các chỉ đạo đối với các cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp phép và sử dụng MSVT và MSĐG, tình trạng này vẫn chưa thể được kiểm soát.

Từ năm 2024 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành rà soát và thu hồi nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của Việt Nam liên quan đến tình trạng nhiễm Cadimi và Vàng O. Mỗi lô hàng bị từ chối là một lời cảnh báo cho toàn hệ thống. Nếu không thay đổi tư duy và hành động, Việt Nam có thể phải đối mặt với việc bị phía khách hàng tăng cường kiểm tra 100% lô hàng tại cửa khẩu, thậm chí không chỉ với sầu riêng mà còn nhiều mặt hàng nông sản khác. Trước mắt là với dư lượng Cadimi và Vàng O, nhưng sau đó có thể đến những loại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khác, vốn đã được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia về giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (GB 2763-2021) của Trung Quốc. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc có thể cho buộc ngừng xuất khẩu hoặc yêu cầu đàm phán lại Nghị định thư với điều kiện khắt khe hơn.

Trước tình trạng MSVT và MSĐG bị sử dụng sai quy định và giả mạo trong thời gian qua, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và một số doanh nghiệp lớn trong ngành đã có văn bản đề nghị cơ quan quản lý nông nghiệp có giải pháp chấn chỉnh, trong đó, rất cần thiết phải công khai danh tính và xử lý triệt để các đối tượng đang cố tình làm sai trái, giả mạo, gây tác động tiêu cực cho cả ngành hàng. Tuy nhiên, đến giờ này, chưa có bất kỳ doanh nghiệp giả mạo mã số nào được công bố và xử lý. Có một điểm bất cập là, việc cấp MSVT và MSĐG là trách nhiệm của cơ quan quản lý nông nghiệp từng địa phương nhưng việc phát hiện và xử lý sai phạm thì lại chưa có bất cứ cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm.

 

 

 

 

Cơ quản quản lý nông nghiệp và phần đông đơn vị thương mại - xuất khẩu sầu riêng có lý do để cho rằng nếu quản lý chặt chẽ về mã số và minh bạch hóa những điểm tắc nghẽn trong ngành nói trên thì sẽ ngay lập tức tạo ra tác động tiêu cực cho ngành hàng, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân trồng sầu riêng, gây sụt giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu so với kết quả ấn tượng mà ngành nông nghiệp đã xác lập trong năm 2024.

Vấn đề là, chúng ta không thể chỉ chạy theo những lợi ích và thành tích trước mắt (vốn chưa phản ánh đúng bản chất về chất lượng và giá trị của ngành hàng hiện tại) mà quên đi yếu tố cốt lõi là chất lượng và sức khỏe người tiêu dùng. Dư lượng Cadimi, Vàng O, tình trạng thu hái trái non - sượng… không chỉ khiến rất nhiều lô hàng bị trả về trong đầu năm 2025, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Chúng ta không thể để những sản phẩm không xuất khẩu được với lý do an toàn thực phẩm vào thị trường nội địa, càng không thể “lái” trách nhiệm sang thành sự khắt khe của đối tác nhập khẩu khi bản thân mình chưa làm tốt và minh bạch.

Chúng ta cũng đã nói nhiều về sự rủi ro của ngành hàng khi đang phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Tuy nhiên, một khi chuỗi giá trị còn nhiều điểm nghẽn mà chúng ta còn chưa nhận diện công khai và có giải pháp kịp thời, hiệu quả, thì có khi càng đa dạng hóa thị trường, thương hiệu nông sản quốc gia càng sụt giảm.

 

 

 

 

Một vấn đề đặt ra là, nếu chỉ cho phép xuất khẩu hàng từ những vùng và cơ sở được cấp mã, vậy đầu ra cho hàng chưa có mã số thì sao?

Câu trả lời là vẫn có đầu ra, nếu chúng ta có giải pháp phân luồng hàng hóa rõ ràng và minh bạch. Theo đó, sầu riêng chưa đủ điều kiện mã vùng trồng (như trồng xen, vùng trồng chưa đủ lớn…) được tiêu thụ nội địa nhưng vẫn cần công khai thông tin chất lượng và truy xuất nguồn gốc, hoặc phục vụ cho ngành chế biến đông lạnh, puree hoặc sấy vốn không yêu cầu mã vùng trồng nhưng phải được chế biến tại các cơ sở đủ điều kiện và có kiểm soát dư lượng đầu vào.

Khi đó, chúng ta phải xác lập nguyên tắc về việc vùng nào sẽ được bán đi thị trường nào, yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch và dư lượng đối với thị trường đó thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc thực hiện phân luồng này.

Tôi tin rằng, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng nông sản trong thị trường nội địa và các nhà bán lẻ lớn của Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng với bà con nông dân để chúng ta không chỉ làm đúng mà còn phải làm cho hiệu quả.

Dù muốn hay không thì ngành nông nghiệp phải tuyệt đối tuân thủ các thỏa thuận đã ký kết với khách hàng, vì lợi ích của người tiêu dùng, thương hiệu và uy tín của quốc gia và sự phát triển bền vững và lâu dài của nền nông nghiệp Việt Nam.

 

 

 

 

Trước thực trạng khó khăn của ngành sầu riêng của Việt Nam từ cuối năm 2024 đến nay, đã có rất nhiều giải pháp được nêu ra bởi các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội, ngành hàng, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân. Trong đó, có những giải pháp mang tính phản ứng nhanh, chẳng hạn như thành lập những đơn vị dịch vụ được cấp phép để có thể kiểm tra sơ bộ về dư lượng Cadimi và Vàng O nhằm loại bớt những mẫu sản phẩm từ các vùng trồng không đạt, trước khi gửi những mẫu đạt đến các phòng lab lớn và đã được GACC công nhận để kiểm tra và cấp xác nhận chính thức. Có những giải pháp mang tính bền vững, lâu dài như chuẩn hóa quy trình trồng, sơ chế, đóng gói, chế biến sầu riêng; chuẩn hóa vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thực đầu vào; triển khai các chương trình quản lý đất và nước bền vững; tổ chức các hội thảo, đào tạo, khuyến khích chuyển dịch canh tác theo hướng bền vững. Nhìn chung, tất cả các giải pháp trên đều rất thực tế và chính xác. Vấn đề là ai làm và phải làm kịp thời, quyết liệt, triệt để, xuyên suốt và đồng bộ thì cần phải có “người” chịu trách nhiệm cụ thể.

Để đảm bảo các giải pháp được thực hiện hiệu quả, kịp thời, đồng bộ theo một cơ chế điều phối thống nhất, theo tôi, cần sớm thành lập một Tổ (kiểu như Tổ 970 trong thời kỳ Covid 19), tạm gọi: “Tổ quản lý chất lượng và thương mại sầu riêng”, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, với sự tham gia của đại diện bốn nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp (thuộc hiệp hội, ngành hàng) và nhà nông với những cá nhân được chọn yêu cầu phải có năng lực và khả năng thực chiến thật sự trong lĩnh vực của mình, đồng thời, có tâm huyết muốn đóng góp cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bộ máy điều hành của Tổ cần phải có đủ thẩm quyền và nhân sự, đi sâu, đi sát đến từng địa phương, giải quyết tất cả các điểm nghẽn trong toàn chuỗi giá trị từ canh tác, thu hoạch, đóng gói, kiểm định, logistics đến thương mại và xuất khẩu.

Tổ sẽ đảm nhiệm các công việc chính đơn cử như sau:

Thống nhất và kiểm soát hệ thống mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, cập nhật công khai, loại bỏ các mã giả mạo hoặc không đủ điều kiện.

Xây dựng bộ chỉ số chất lượng tối thiểu cho sầu riêng xuất khẩu (về độ chín, dư lượng thuốc BVTV, trọng lượng, cảm quan…) và giám sát việc thực thi.

Làm đầu mối cảnh báo và xử lý vi phạm, phối hợp với các tỉnh để kiểm tra tại gốc – xử lý từ vườn chứ không đợi đến cửa khẩu.

Xúc tiến thị trường và xây dựng hình ảnh ngành sầu riêng Việt Nam, chủ động làm việc với các hệ thống phân phối quốc tế, tổ chức kết nối giao thương, và tạo chiến dịch truyền thông quốc gia.

Tham gia đàm phán về xử lý chất lượng sản phẩm với đại diện các quốc gia nhập khẩu sầu riêng.

Nghiên cứu và xây dựng chương trình về ứng dụng chuyển đổi số trong giám sát chuỗi, triển khai nền tảng số minh bạch giúp truy xuất và cảnh báo sớm.

Người đứng đầu Tổ phải là lãnh đạo cấp cao của ngành nông nghiệp, được trao quyền điều phối liên ngành, có thể yêu cầu phối hợp từ các Cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xử lý mã vùng vi phạm, cảnh báo công khai, và trực tiếp làm việc với các cơ quan như GACC, các hiệp hội và đối tác nhập khẩu.

Tổ này, một khi hoạt động hiệu quả, sẽ không chỉ có thể giải quyết nhanh những điểm nghẽn của ngành hàng, mà còn thể hiện được sự quyết liệt và đồng lòng của các thành phần trong nền kinh tế, góp phần xây dựng hình ảnh nông sản, con người và thương hiệu quốc gia, tạo ra lợi ích lâu dài và bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

 

 

 

 

Một trong những việc quan trọng để minh bạch hóa ngành sầu riêng và các ngành hàng khác trong nông nghiệp là phải ngay lập tức triển khai các chương trình quyết liệt về ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả công đoạn của chuỗi giá trị ngành hàng.

Việc phân luồng giữa trái có mã và không có mã, kiểm soát dư lượng, độ chín, xử lý vi phạm – không thể vận hành bằng giấy tờ, ký tay hay file Excel. Tất cả phải được quản lý trên một nền tảng số hóa thống nhất, đơn giản, minh bạch, có thể chia sẻ dữ liệu tức thời.

Hệ thống này cần đáp ứng 4 yêu cầu:

 

 

Khi đó, toàn bộ cơ sở dữ liệu về vùng trồng, người trồng, nhật ký canh tác, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật của mọi nông dân; nhật ký thu mua, sơ chế, đóng gói của mọi tổ chức thương mại, logictics… phải được cập nhật trong nền tảng chung, thông qua đó, có thể kiểm soát sản lượng và chất lượng sầu riêng đối với cả hai luồng: đã có mã số và chưa có mã số, để luồng nào được tiêu thụ đúng theo kênh đó. Đây cũng sẽ là một trong những trọng trách của Tổ quản lý chất lượng và thương mại nói trên.

Minh bạch không đến từ lời hứa mà đến từ dữ liệu. Số hóa không chỉ là công cụ kỹ thuật, mà là nền tảng để tái lập niềm tin thị trường.

Ngành sầu riêng Việt Nam nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung đang đứng trước thách thức nhưng cũng là thời cơ rất lớn để khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế nếu như chúng ta nhìn nhận vấn đề và kịp thời tái thiết hệ thống quản lý ngành hàng. Một giải pháp đủ quyết liệt, một chương trình hành động thật nhanh, hiệu quả, một nền tảng số đủ minh bạch, một ý chí chính trị quyết liệt sẽ là các trụ cột để giữ được thị trường bằng chất lượng, giữ được thương hiệu và danh dự quốc gia bằng sự minh bạch.

Phạm Quốc Liêm - Chủ tịch Unifarm
Trương Khánh Thiện
Lê Hoàng Vũ - Ngọc Khanh