Câu chuyện của một chuỗi ngành hàng đang tỉnh giấc

 

 

Một buổi sáng lặng gió, vườn sầu riêng của ông Năm nằm im ắng, chỉ có tiếng rụng nhẹ của những trái non va vào mặt đất khô nứt. Lão nông ngồi dưới gốc cây, vuốt chòm râu bạc thưa, mắt nhìn xa xăm. Không phải gió, không phải sương đâu mấy chú à… Trái nó rụng vì mình làm trái quy luật. Mùa này chưa phải mùa nó ra trái, mình ép. Nó rớt không phải vì trời, mà vì người”. Một câu nói chân chất, nhưng sâu sắc đến nao lòng.

Câu chuyện trái sầu riêng rụng không chỉ là chuyện của cây, mà là chuyện của cả một chuỗi ngành hàng mới chớm thành hình, đang vận hành bằng những toan tính riêng lẻ. Mỗi người một hướng, mỗi người một nỗi lo. Nhưng không ai có thể đứng vững một mình giữa một chuỗi mới hình thành nhưng rất mong manh.

 

 

 

 

Cô Thu, cán bộ khuyến nông xã, người vẫn thường xuyên xuống tận vườn, buồn bã nói: Chúng tôi tổ chức bao lớp tập huấn, mời cả chuyên gia. Nhưng nông dân còn ngại thay đổi, quen cách làm cũ. Mà một phần cũng vì thương lái đặt cọc trước, doanh nghiệp ép tiến độ, bà con sợ mất cơ hội nên làm liều. Mình không trách họ được…”.

Anh Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng, thì rầu rĩ: Chúng tôi có hợp đồng, có tiêu chuẩn, có thị trường. Nhưng người dân chưa quen liên kết, thấy giá ngoài cao hơn là bán. Tôi hiểu và cũng cảm thông bà con mình sống nhờ từng mùa vụ. Nhưng nếu không tin nhau, thì chuỗi nào mà bền?”.

Chị Lan, một doanh nghiệp xuất khẩu, kể lại chuyến làm việc ở đất nước cùng xuất khẩu trái sầu riêng như mình: Tôi đến thăm một vùng trồng sầu riêng ở bên ấy. Mỗi vùng đều có trung tâm kiểm soát chất lượng, có tổ hợp tác với bộ phận kỹ thuật riêng, mỗi trái sầu đều có mã QR truy xuất tận gốc. Thương hiệu vùng miền được bảo vệ, người dân tự hào, doanh nghiệp thì an tâm đầu tư. Mình cũng có thể làm được, chỉ là chưa chịu làm tới nơi tới chốn…”.

Trong buổi họp xã, anh Hòa, Phó Chủ tịch xã, lật giở từng xấp giấy: Chúng tôi nắm được vùng trồng, hộ nào có mã số, thương lái nào thường thu mua. Nhưng muốn điều phối vùng nguyên liệu, quy hoạch xuất khẩu, kết nối doanh nghiệp thì thể chế chưa đủ lực. Muốn thay đổi, phải trao thêm quyền cho cơ sở”.

Ông Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã, chen vào: Phát triển chuỗi ngành hàng không thể chỉ bằng mệnh lệnh hành chính. Nó là quá trình xây dựng niềm tin. Hội có thể làm cầu nối giữa nông dân và hợp tác xã, giữa hợp tác xã và doanh nghiệp. Nhưng cần nguồn lực, và quan trọng hơn, cần được nhìn nhận như một tác nhân trong chuỗi, chứ không chỉ là người vận động phong trào”.

Tất cả những tiếng nói ấy, tưởng rời rạc, nhưng đều chung một mạch ngầm: chuỗi ngành hàng sầu riêng đang thiếu nhạc trưởng, thiếu một hệ sinh thái liên kết, nơi mỗi người thấy mình là một phần trong câu chuyện dài hạn.

 

 

 

 

Có một đất nước, sầu riêng không chỉ là trái cây, mà là ngành công nghiệp văn hóa. Các viện nghiên cứu cây ăn quả phối hợp với hiệp hội ngành hàng, tổ chức các khóa đào tạo kỹ thuật cho nông dân, xây dựng thương hiệu vùng trồng. Từng địa phương có bản đồ vùng nguyên liệu, truy xuất từ đất, giống, phân bón, thời điểm thu hoạch cho tới người vận chuyển. Khi sầu riêng lên đường xuất khẩu, là cả hệ thống cùng chuyển động.

Ở một đất nước khác, sầu riêng trở thành biểu tượng quốc gia. Từng trái sầu được định giá, bán qua hợp đồng tương lai, có bảo hiểm rủi ro nông nghiệp, có liên kết du lịch sinh thái. Nông dân không đơn độc, mà là một mắt xích trong nền kinh tế tri thức. Đặc biệt, nông dân đã biết ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để cân bằng dinh dưỡng cho cây qua cách sử dụng phân thuốc, nhờ đó điều chỉnh mùi vị, hình thể trái sầu riêng.

Không phải là sầu riêng, một đất nước khác lại nổi tiếng nhờ trái bơ. Bơ Hass được các tập đoàn đầu tư vùng trồng, cam kết thu mua dài hạn, có hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, có hạ tầng logistics và bảo quản sau thu hoạch. Người nông dân không chỉ canh tác, mà còn tham gia vào việc xây dựng chiến lược ngành hàng.

Vậy vì sao Việt Nam, nơi đất đai phì nhiêu, người nông dân kiên cường, doanh nghiệp năng động, lại chưa làm được? Chắc chắn không phải vì chúng ta kém cỏi, mà vì chúng ta chưa đồng lòng, vì mỗi tác nhân trong chuỗi còn hành xử theo “tư duy riêng”.

Nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Trong khi đó, chuỗi giá trị không thể áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính, mà bằng nối kết niềm tin lại với nhau. Để làm được đó không thể bằng những chữ ký trong các biên bản hợp tác, mà cần thời gian các bên cần tìm hiểu nhau, thật tâm với nhau, trao niềm tin cho nhau. Vì vậy, cần sự kiên trì đeo đuổi, nhưng phải có bước khởi đầu. Ai xuất phát sớm thì về đích sớm. Hình như họ đã xuất phát trước chúng ta.

 

 

 

 

Chiều muộn, ông Năm ngồi bên gốc sầu riêng, nhìn trái non vừa cứng cáp dần sau đợt gió sương, bỗng chậm rãi nói: Bữa trước tôi cứng đầu, không chịu vô hợp tác xã. Giờ tôi nghĩ lại… Họ có đầu ra, có kỹ thuật, mình phải dựa nhau mà sống. Cây sầu riêng mình trồng, không chỉ để ăn trái, mà để giữ đất, giữ nghề”.

Lời ông nhẹ như gió, nhưng cũng như mạch nước đầu nguồn mở ra hy vọng.

Bởi trái sầu riêng không chỉ là nguồn thu nhập, mà là văn hóa canh tác của một vùng. Là niềm tin giữa người với người. Là tinh thần đổi mới của cán bộ khuyến nông. Là nỗ lực không mỏi của hội nông dân. Là tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp. Là sự thấu hiểu từ chính quyền cơ sở, nơi gần dân, gần đất, hiểu rõ từng mắt xích trong chuỗi.

Và, chính quyền địa phương, thay vì “vỗ tay” khi mùa vụ thắng lớn, hãy nhận diện rủi ro sẽ đến những vụ mùa sau, hãy là cầu nối những tác nhân trong chuỗi cùng ngồi lại. Đó là vì bổn phận phụng sự người dân, và vì trên tấm bảng rất đẹp treo trước cổng trụ sở có dòng chữ Ủy ban nhân dân…”.

Nhớ lại một dịp tiếp các Thống đốc tỉnh đến từ đất nước Mặt trời mọc. Mỗi người mang theo một đặc sản địa phương để tiếp thị. Một vị đứng lên giới thiệu trái nho của tỉnh mình, nào là nho này trồng trên độ cao chừng ấy, nhiệt độ chừng ấy, nào là trong chùm nho thì những trái nào là ngon nhất. Và kết lại, vị ấy nói một câu bất ngờ và nhớ mãi, nho này không phải do nông dân chúng tôi trồng, mà là do nghệ nhân chúng tôi tạo ra. Tới giờ vẫn nghĩ về hình ảnh một lãnh đạo địa phương đi tiếp thị nông dân cũng là nghệ nhân.

 

 

Khi tất cả cùng nhìn về một hướng thì không ai còn đơn độc. Và chuỗi ngành hàng sầu riêng, từ manh mún, có thể thành hình. Từ rời rạc có thể hòa nhịp. Từ mong manh có thể trở thành niềm tự hào quốc gia. Và khi ấy, ai cũng thấy mình không vô can mà phải có trách nhiệm trong đó thay vì đổ lỗi cho nhau.

Chúng ta không thể thay đổi thời tiết. Nhưng chúng ta có thể thay đổi cách đi qua cơn mưa. Không thể ngăn sương rơi. Nhưng có thể che chắn cho trái đừng rụng, vì khi trái rụng, có thể rơi rụng cả niềm tin.

Bằng tư duy liên kết, bằng sự tử tế giữa người làm nông nghiệp với nhau, thì ngành hàng sầu riêng không chỉ chín trong vườn, mà sẽ chín trong chiến lược, chín trong tầm nhìn, chín trong văn hóa của một nền nông nghiệp đang lớn lên từng ngày.

Trong cơn mưa, nếu nhìn xuống đất sẽ sẽ thấy bùn, nhưng nhìn về phía trước sẽ thấy cầu vồng xuất xuẩt hiện. Cầu vồng là một bản giao hưởng của ánh sáng sau mưa, là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa các mặt đối lập: lửa và nước, ánh sáng và bóng tối, sôi nổi và tĩnh lặng. Mỗi màu, một phẩm chất. Mỗi sắc, một cung bậc. Không màu nào nổi bật hơn, cũng không có màu nào là thừa thãi. Chỉ khi cùng hiện diện, mới tạo thành vòm cầu vồng hoàn chỉnh, biểu tượng của sự toàn vẹn, bao dung và hy vọng.

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
Lê Hoàng Vũ - Ngọc Khanh