Lời tòa soạn: Trước các quy định ngày càng ngặt nghèo của thị trường, sầu riêng phải được quản lý chặt chẽ từ sản xuất đến thương mại, nâng cao chất lượng, uy tín sầu riêng Việt Nam.
Với tinh thần đó, Báo Nông nghiệp và Môi trường khởi đăng loạt bài: Đưa sầu riêng trở lại "đường đua", cổ vũ toàn ngành, địa phương, doanh nghiệp, bà con nông dân sản xuất và kinh doanh sầu riêng có trách nhiệm, qua đó mở rộng và giữ vững thị trường, đảm bảo thương hiệu và uy tín quốc gia.
Nỗ lực nâng cao chất lượng sầu riêng
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, tỉnh Đắk Lắk có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước. Tính đến niên vụ 2024, địa phương này có khoảng 38.800 ha sầu riêng, tăng 6.015 ha so với năm 2023; sản lượng đạt 361.986 tấn, tăng 80.636 tấn so với năm 2023. Dự kiến sản lượng vụ mùa năm 2025 ước đạt trên 400.000 tấn.
Hiện tỉnh Đắk Lắk quy hoạch vùng chuyên canh sầu riêng có tổng diện tích 5.400 ha tại các huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Búk, Ea H’leo, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ. Những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng, mở rộng sản xuất theo hướng bền vững.
“Trước hết, ngành nông nghiệp của địa phương quan tâm xây dựng cơ sở đóng gói và đăng ký mã số phục vụ xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 23 cơ sở đóng gói và 68 vùng trồng đã được phía Trung Quốc cấp mã số phục vụ xuất khẩu với diện tích 2.521 ha. Ngoài ra, có 16 cơ sở đóng gói và 228 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích khoảng 5.400 ha đã hoàn tất hồ sơ và đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt”, ông Côn cho hay.
Cũng theo ông Côn, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk trong năm 2024 tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng gần 24% so với năm 2023. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao, năng lực cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới. Điều này góp phần tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp có cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh cà phê, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như sầu riêng, hồ tiêu, mắc ca... đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 2025, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm mẫu mã mới, tìm kiếm thêm nhiều thị trường xuất khẩu.
“Đắk Lắk hiện có hai huyện được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể là “Sầu riêng Krông Pắc” và “Sầu riêng Cư M’gar”. Hiện hai huyện đang xây dựng đề án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là Krông Búk và Ea H’Leo”, ông Côn thông tin.

Kiểm tra chất lượng sầu riêng. Ảnh: PC.
Địa phương nỗ lực xây dựng thương hiệu là vậy, nhưng trong thời gian qua, ở nước ta có một số mã số vùng trồng sầu riêng do cơ quan chức năng cấp bị thu hồi vì vi phạm. Theo ông Vũ Đức Côn, việc thu hồi mã số vùng trồng này đã khiến sầu riêng địa phương “gánh” nhiều hệ lụy, như: Việc thu hồi mã số vùng trồng ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu và tiêu thụ xuất khẩu sầu riêng.
Bởi, theo ông Côn, mã số vùng trồng là yếu tố quan trọng trong việc xác định chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm, đặc biệt là khi xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi cao như Trung Quốc. Khi mã số vùng trồng bị thu hồi, các nhà sản xuất và xuất khẩu sầu riêng gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu.
“Điều này nguy cơ dẫn đến sự sụt giảm về số lượng xuất khẩu và doanh thu. Ngoài ra, việc thu hồi mã số vùng trồng cũng có thể ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các nhà sản xuất và xuất khẩu sầu riêng. Nếu không có mã số vùng trồng, sản phẩm sầu riêng có thể bị coi là không đảm bảo chất lượng, dẫn đến sự mất niềm tin của người tiêu dùng”, ông Côn lo lắng.
Cũng theo ông Vũ Đức Côn, cuối năm 2024, sầu riêng Việt Nam bị Trung Quốc trả lại một số lô hàng do nhiễm chất vàng O, ngay sau đó, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đã họp trực tuyến Ban chấp hành, trực tiếp là những thành viên chủ chốt ở Đắk Lắk; đồng thời Hiệp hội đề nghị cơ quan chuyên môn là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cùng tham gia, thống nhất hình thành một số nội dung để kiến nghị.

Sầu riêng Đắk Lắk và Tây Nguyên đều có chất lượng cao, chín muộn, lệch vụ hẳn các vùng trồng sầu riêng ở miền Tây và Đông Nam bộ. Ảnh: Phương Chi.
“Nội dung kiến nghị thứ nhất là tình trạng gian lận mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; tiếp đến là Cadimi, chất vàng O và tồn dư kim loại nặng đang là vấn đề phải khẩn trương xử lý. Một kiến nghị nữa là cần quyền kiểm soát chất lượng phía Việt Nam mình công nhận, đồng thời phía nước nhập khẩu cũng phải công nhận, về vấn đề này thì cơ quan chuyên môn và Trung ương phải có sự đảm bảo như thế nào”, ông Côn cho hay.
Trước những quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu, để sầu riêng Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung giữ vững được lợi thế xuất khẩu, theo ông Côn, giải pháp căn cơ nhất là phải đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Mấu chốt ở đây là mã số được cấp rất ít so với thực tế sản lượng xuất, cho nên khó tránh khỏi chuyện đảo qua đảo lại. Thêm nữa là phải kiểm soát chất lượng, để khi chất lượng sản phẩm và các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, tồn dư đảm bảo thì chuyện gian lận sẽ không còn.
Về Cadimi, chất vàng O và tồn dư kim loại nặng phải được xử lý rốt ráo, cơ quan chức năng cần làm rõ là đến từ đâu, tình trạng này có từ bao giờ và đặc biệt là những chất gì được sử dụng với mức độ bao nhiêu thì cơ quan chức năng cần khuyến cáo để người sản xuất giảm dần. Trong lúc chưa giải quyết nhanh việc cấp mã số thì cần làm ngay.
“Chúng tôi mong muốn thành lập trung tâm kiểm nghiệm ngay tại Đắk Lắk từ lâu rồi, đã có những đề xuất đến cơ quan chuyên môn, chính quyền. Nhưng để triển khai thì phải có cơ chế từ phía cơ quan Trung ương, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Môi trường; việc này phải được thực hiện theo hình thức xã hội hóa”, ông Vũ Đức Côn chia sẻ.
Việc thu hồi một số mã số vùng trồng sầu riêng trong thời gian gần đây đã cho nông dân, doanh nghiệp và HTX bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc trồng và xuất khẩu nông sản. Theo ông Vũ Đức Côn, để tránh những hệ lụy tiêu cực về sau, ngoài việc bổ sung các chính sách mới, cần có chế tài mạnh nhằm gia tăng quản lý mã số vùng trồng. Điều cần làm trong thời điểm này là xây dựng những mã vùng trồng bền vững hơn, người trồng sầu riêng phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các quy định, tiêu chuẩn đặt ra trong quá trình canh tác.

Đắk Lắk quyết tâm kiểm soát chặt chất lượng sầu riêng. Ảnh: Phương Chi.
“Các cơ quan chức năng và nhà sản xuất cần phải làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp thay thế, như cấp mã số vùng trồng mới hoặc áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng khác”, ông Côn đề xuất.
Để ngành hàng sầu riêng Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng phát triển bền vững, ông Côn đề nghị trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần xây dựng và ban hành các quy trình chuẩn về canh tác, thu hoạch, sản xuất sầu riêng rải vụ, thích ứng biến đổi khí hậu theo các vùng sản xuất trọng điểm; rà soát, sửa đổi “TCVN 10739: 2015-Sầu riêng quả tươi” và nâng cấp thành Quy chuẩn Việt Nam; trong đó, bổ sung cụ thể chỉ tiêu hàm lượng chất khô, thời gian thu hoạch, quy cách thu hoạch cho phù hợp theo vùng, mùa vụ và các giống khác nhau, đảm bảo nâng cao chất lượng quả sầu riêng.
Ngoài ra, ngành chức năng cần bổ sung đa dạng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho cây sầu riêng như thuốc trừ sâu, trừ bệnh… đặc biệt là hóa chất bảo quản vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói và các chế tài xử lý vi phạm và đàm phán với phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt mã số vùng trồng đối với các hồ sơ đã thiết lập
Ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk kiến nghị