Trong bối cảnh tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì và thiếu vi chất ngày càng gia tăng, câu hỏi đặt ra không chỉ là “ăn gì cho đủ” mà là “ăn như thế nào để khỏe mạnh và bền vững”. Trả lời cho bài toán này, một mô hình giáo dục mới mang tên “vườn trường sinh thái” đang được triển khai tại một số trường học ở Việt Nam, mang theo kỳ vọng về một thế hệ học sinh hiểu dinh dưỡng, yêu thiên nhiên và sống có trách nhiệm.
Dinh dưỡng học đường: Chiến lược vì sức khỏe học sinh Việt
Vấn đề dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt trong môi trường học đường, từ lâu đã là mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quyết định số 02/QĐ-TTg) đã xác định rõ: Dinh dưỡng học đường không chỉ là bữa ăn đủ chất, mà phải là một hành trình giáo dục, nơi học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng và cả thái độ đúng đắn về thực phẩm, sức khỏe và môi trường sống.
Chiến lược này nhấn mạnh việc tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi, vùng miền; kết hợp giáo dục thể chất, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình và cộng đồng để hình thành lối sống lành mạnh cho học sinh ngay từ nhỏ.

Học sinh và đại biểu tham quan tại Hội thảo Giáo dục dinh dưỡng và thực phẩm trong trường học thông qua phương pháp tiếp cận vườn trường sinh thái. Ảnh: CCD.
Từ định hướng chính sách đó, một mô hình tiếp cận sáng tạo đã ra đời: “vườn trường sinh thái”. Không phải là lớp học lý thuyết khô khan, cũng không phải chỉ là những luống rau xanh trang trí, vườn trường sinh thái là không gian giáo dục sống động, nơi học sinh trực tiếp gieo hạt, chăm cây, thu hoạch nông sản và kết nối những trải nghiệm ấy với bài học về dinh dưỡng, bảo vệ môi trường và tiêu dùng bền vững.
Chia sẻ tại Hội thảo “Giáo dục dinh dưỡng và thực phẩm trong trường học thông qua phương pháp tiếp cận vườn trường sinh thái” do Trung tâm Hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ (CODAS) phối hợp Trung tâm Trẻ em và phát triển (CCD) và hệ thống giáo dục Genesis tổ chức, bà Từ Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc CODAS, chia sẻ: "Hiện nay, học sinh, giáo viên và phụ huynh đang bối rối trước quá nhiều khái niệm như: thực phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch, thuần chay, sinh học, thực phẩm thân thiện môi trường… nhưng không phải ai cũng hiểu rõ và phân biệt được. Vì vậy, chúng tôi muốn xây dựng một môi trường học tập thực tế, nơi người học có thể trực tiếp quan sát, trải nghiệm và tự mình hiểu đúng về thực phẩm và dinh dưỡng.
Trường Genesis tại Hà Nội là đơn vị đầu tiên được CODAS và nhóm nghiên cứu lựa chọn triển khai mô hình vườn trường sinh thái tích hợp giáo dục dinh dưỡng. Tại đây, các hoạt động học tập không còn gói gọn trong lớp học mà lan tỏa ra từng mảnh vườn nhỏ. Các em học sinh tự tay trồng rau, học cách phân biệt thực phẩm sạch - không sạch, tham gia Câu lạc bộ làm vườn, CLB Teen khởi nghiệp từ thực phẩm, thậm chí còn được trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc CODAS chia sẻ về nghiên cứu dự báo và giám sát can thiệp dinh dưỡng NIFAM. Ảnh: CCD.
“Ngay cả với những không gian nhỏ nhất, chúng tôi vẫn tìm cách biến chúng thành nơi để học sinh có thể học hỏi, trải nghiệm và trưởng thành,” bà Nhung nhấn mạnh.
Theo bà Nhung, những trải nghiệm thực tiễn không chỉ giúp học sinh hiểu đúng về thực phẩm và dinh dưỡng mà còn nuôi dưỡng niềm yêu thích với nông nghiệp, khơi gợi sự quan tâm đến môi trường và mở ra những lựa chọn nghề nghiệp mới mẻ trong tương lai.
Cũng tại Hội thảo, bà Phí Thị Mai Chi, Sáng lập Trạm học xanh đã chia sẻ về giải pháp giáo dục tích hợp liên môn thông qua vườn trường sinh thái.
Hành trình gieo mầm từ thói quen tốt
Bên cạnh triển khai mô hình, CODAS cùng các đối tác là: Trung tâm trẻ em và phát triển (CCD), Học viện Nông nghiệp, Trường Đại học Y tế Công cộng, Viện Rau quả Trung ương... đang thực hiện nghiên cứu dự báo và giám sát can thiệp dinh dưỡng NIFAM (Nutrition Intervention Forecasting and Monitoring) nhằm xác định và thực hiện các can thiệp dinh dưỡng và thực phẩm một cách hiệu quả về chi phí, cải thiện bền vững chế độ ăn uống của cư dân đô thị ở Việt Nam, từng bước giảm thiểu ảnh hưởng của các vấn đề dinh dưỡng tới sức khỏe cộng đồng. đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và thói quen ăn uống thay đổi.
Cũng theo bà Nhung, Vườn trường sinh thái chính là “phòng thí nghiệm” sống động cho nghiên cứu này, giúp đánh giá hiệu quả các hoạt động giáo dục dinh dưỡng trên cả ba đối tượng: học sinh – nhà trường – phụ huynh, từ đó xây dựng khuyến nghị cho các chính sách dinh dưỡng phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam.

Vườn trường sinh thái của Trường Genesis Hà Nội. Ảnh: CCD.
Giáo dục dinh dưỡng học đường, khi được tiếp cận từ mô hình vườn sinh thái, không đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà là một quá trình “gieo thói quen, gặt sức khỏe". Từ việc hiểu về rau sạch đến nhận thức về bữa ăn đủ chất, từ cảm nhận thiên nhiên đến ý thức bảo vệ môi trường, tất cả đều được hình thành một cách tự nhiên qua trải nghiệm.
“Đó là lý do vì sao mô hình này đang được kỳ vọng nhân rộng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cần một chiến lược toàn diện và dài hạn cho phát triển bền vững”, bà Từ Thị Tuyết Nhung cho hay.