| Hotline: 0983.970.780

Giải mã lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump: Ai sẽ chịu ảnh hưởng?

Thứ Tư 08/02/2017 , 07:35 (GMT+7)

Lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân 7 quốc gia của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức đã gây ra tranh cãi lớn và nhiều cuộc biểu tình khắp nước Mỹ. Người biểu tình và các nhà hoạt động nói lệnh cấm này là vi hiến, trong khi các nhà quản lý Mỹ còn đang bận làm rõ đối tượng nào sẽ chịu ảnh hưởng của lệnh cấm.

 Điều này chứng tỏ vấn đề hoàn toàn không đơn giản và còn rất nhiều thứ không rõ ràng liên quan đến quyết định này, ngay cả với giới chức Mỹ, theo tạp chí chính trị Politifact.

Văn bản thể hiện quyết định của ông Trump viết: “Tôi, bằng pháp lệnh này, tạm ngưng mọi hoạt động nhập cảnh vào nước Mỹ đối với những người nhập cư và phi nhập cư, trong vòng 90 ngày kể từ ngày ban bố”. Đặc biệt, lệnh cấm nhắm tới công dân các quốc gia từng bị chính quyền Obama liệt vào danh sách điểm nóng khủng bố, bao gồm Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen.

12-14-31_151223114048-donld-trump-muslim-bn-protest-super-169
Người Mỹ theo Hồi giáo biểu tình tại New York phản đối lệnh cấm đi lại của ông Trump (Ảnh: CNN)
 

Kevin Johnson, chuyên gia của trường luật Davis thuộc Đại học Tổng hợp California, nói cụm từ “người nhập cư và phi nhập cư” bao hàm hầu hết du khách đến từ các quốc gia nói trên. “Một người nhập cư là người được thường trú hợp pháp (người được chính quyền Mỹ cấp thẻ xanh)”, ông Johnson nói. “Người phi nhập cư là đối tượng vào Mỹ với thị thực nhập cảnh”.

Đã có nhiều báo cáo cho thấy nhiều người có thẻ xanh và các đối tượng có visa nhập cảnh hợp pháp đã bị chặn lại, hoặc là khi họ đã tới Mỹ, hoặc khi họ lên máy bay đến Mỹ. Một người đàn ông Iraq cùng gia đình đã nhập cảnh tại phi trường quốc tế Kennedy ở New York nhưng lại bị câu lưu.

Lệnh cấm cũng áp dụng đối với những người tị nạn. Hai gia đình theo Công giáo người Syria đã bị chặn lại và gửi ngược về Doha, Qatar sau khi họ đã hạ cánh xuống phi trường quốc tế Philadelphia (Mỹ). Một số người khác nhận được trát của tòa án yêu cầu họ ở tại khu vực sân bay chờ các thông tin và quyết định tiếp theo.

Lệnh cấm của ông Trump cũng đồng nghĩa với việc tạm dừng xem xét các đối tượng tị nạn trong vòng ba tháng. Đặc biệt, đối với người tị nạn Syria, lệnh cấm yêu cầu ngừng việc xem xét nhập cảnh vô thời hạn, “cho đến khi tôi (ông Trump) thấy rằng Chương trình chấp nhận tị nạn của Mỹ đã có những thay đổi cần thiết nhằm đảm bảo việc chấp nhận người tị nạn Syria phù hợp với lợi ích quốc gia”.
 

Đối với người mang thẻ xanh, lệnh cấm có ý nghĩa gì?

Lệnh cấm của tân Tổng thống Donald Trump còn gây tranh cãi ở chỗ nó tạo ra một biên độ khá rộng cho các quyết định của cấp thực thi, nghĩa là có thể tạo ra nhiều cách giải thích, cách hiểu và thi hành.

"Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa có thể, trên cơ sở xem xét từng trường hợp, và khi phù hợp với lợi ích quốc gia, cấp thị thực nhập cảnh hoặc các quyết định tương tự liên quan đến nhập cư đối với công dân của các nước bị cấm xét thị thực và các quyền lợi liên quan”, lệnh cấm viết.

Chánh văn phòng Nhà trắng Reince Priebus nhấn mạnh rằng những người mang thẻ xanh thì không có vấn đề gì nhiều”. “Nhưng nếu bạn nhập cảnh hoặc xuất cảnh từ 7 quốc gia nói trên, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi hơn”.

Sự bối rối xung quanh lệnh cấm đã lan tràn khắp nước Mỹ trong tuần đầu thực hiện. Một tòa án liên bang ở New York ra lệnh cấm chính quyền trục xuất người nước ngoài trở về cố quốc. Các thẩm phán liên bang ở thành phố Boston quyết định “treo” trong vòng một tuần các quyết định câu lưu hay trục xuất người mang thẻ xanh hoặc thị thực hợp lệ.

Nhiều nhà hoạt động nói lệnh cấm nhằm tới người Hồi giáo. Có nhiều tranh cãi trái chiều xung quanh vấn đề này. 7 quốc gia trong danh sách có số người Hồi giáo chiếm đa số. Mặt khác, lý do công dân 7 quốc gia nằm trong danh sách là bởi giới chức Mỹ cho rằng nhiều tên khủng bố đã và đang được huấn luyện tại đây.

Người ta cho rằng, lệnh của ông Trump mở ra khả năng sẽ có thêm các quốc gia khác vào danh sách, không chỉ 7 quốc gia nói trên. Lệnh cấm cũng đề cập cuộc tấn công ngày 11/9 và cấm nhập cảnh các đối tượng có liên quan đến các vụ “giết người vì danh dự”, nghĩa là có liên quan đến Hồi giáo.

Tuy nhiên, ông Trump cũng ra một tuyên cáo nói lệnh cấm không nhằm tới Hồi giáo. “Lệnh này không liên quan đến tôn giáo mà nhằm tới các hoạt động khủng bố với mục đích giúp đất nước chúng ta an toàn”, ông nói. “Có hơn 40 quốc gia khắp thế giới mà đa số người dân theo Hồi giáo không bị ảnh hưởng từ lệnh cấm này”.
 

Thẻ xanh là gì?

Thẻ Cư trú thường xuyên (thẻ xanh) do chính quyền Mỹ cấp cho công dân nước ngoài để chứng nhận quyền cư trú thường xuyên tại Mỹ cho đối tượng mang thẻ. Người ta thường gọi loại giấy tờ này là thẻ xanh do màu sắc của chiếc thẻ. Trước đây thẻ mang màu sắc khác nhưng từ năm 2010, thẻ có màu xanh.

12-14-31_us_permnent_resident_crd_2010-05-11
Một tấm mẫu thẻ xanh (Ảnh: wikipedia)

 

“Thẻ xanh” cũng là cụm từ được dùng để chỉ giai đoạn nhập cảnh trong khi chờ được cấp quyền cư trú thường xuyên. Sở hữu thẻ xanh, người chủ thẻ mới có các quyền liên quan đến cư trú, bao gồm quyền có nhà ở và có việc làm ở Mỹ. Người chủ thẻ phải duy trì tình trạng cư trú thường xuyên và có thể bị trục xuất khỏi Mỹ nếu không đạt được các điều kiện mà mọi chủ thẻ phải đáp ứng.

Người cư trú thường xuyên tại Mỹ từ 18 tuổi trở lên phải mang thẻ xanh mọi nơi, mọi lúc và nếu không làm vậy là vi phạm luật Di trú và Quốc tịch Mỹ, có thể bị phạt 100 USD hoặc ngồi tù tới 30 ngày cho mỗi lần vi phạm. Chỉ chính quyền liên bang mới có quyền áp dụng các án phạt dạng này. Thẻ xanh có giá trị trong 10 năm đối với người cư trú thường xuyên và 2 năm đối với người cư trú thường xuyên có điều kiện. Hết thời hạn, thẻ phải được cấp đổi hoặc xét cấp mới.

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Cần có hành động thực chất để bảo tồn biển

Đây là ý kiến của các đại biểu tham gia tại Hội nghị Đại dương của chúng ta (OOC) lần thứ 10 vừa diễn ra tại Busan, Hàn Quốc.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.