| Hotline: 0983.970.780

Du lịch Gia Lai nhân đôi tiềm năng từ lợi thế 'rừng vàng biển bạc'

Thứ Năm 10/07/2025 , 15:02 (GMT+7)

Chiều 9/7, tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành du lịch, Gia Lai đặt mục tiêu đón 11,8 triệu lượt khách, doanh thu 28.500 tỷ đồng trong năm 2025…

Tiềm năng nhân đôi

Sau sáp nhập, ngành du lịch tỉnh Gia Lai mới đứng trước cơ hội phát triển trong không gian lớn với tài nguyên du lịch đa dạng. Gia Lai vừa có rừng vừa có biển; khí hậu lệch mùa của Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây; có cửa khẩu biên giới trên bộ và trên biển; tài nguyên văn hóa dồi dào với di tích lịch sử, không gian văn hóa nhiều bản sắc của đồng bào các dân tộc…

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh - Giám đốc Sở VHTT&DL Gia Lai - phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm thành lập ngành du lịch Việt Nam. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh - Giám đốc Sở VHTT&DL Gia Lai - phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm thành lập ngành du lịch Việt Nam. Ảnh: V.Đ.T.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Gia Lai cho biết, với lợi thế “rừng vàng, biển bạc”, tỉnh Gia Lai mới sở hữu hệ sinh thái du lịch độc đáo, kết hợp hài hòa giữa du lịch biển nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn, Kỳ Co - Eo Gió với du lịch sinh thái, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, khám phá đại ngàn Kon Ka Kinh, Biển Hồ… Gia Lai còn có hệ thống giao thông đồng bộ với cảng biển, sân bay, cao tốc, cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối liên vùng, mở rộng thị trường và phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu.

“Dư địa phát triển du lịch của tỉnh Gia Lai hiện nay là rất lớn, không chỉ về tài nguyên mà còn ở khả năng hình thành các chuỗi giá trị; nông nghiệp kết hợp du lịch; du lịch thông minh, phát triển các điểm đến đẳng cấp quốc tế. Đây là cơ hội để du lịch vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực”, bà Hạnh chia sẻ.

Bà Hạnh khẳng định, không chỉ đóng góp cho ngành kinh tế, du lịch còn là nhịp cầu hữu nghị thúc đẩy giao lưu nhân dân và văn hóa đối ngoại. Thông qua du lịch, các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam được quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh “mềm” của Việt Nam trên thế giới. Du lịch Việt Nam thực sự vươn lên tầm cao mới với sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế thông qua nhiều giải thưởng danh giá đã nhận được.

Cũng theo bà Hạnh, trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh Gia Lai mới đón gần 7,4 triệu lượt khách; trong đó, khu vực Bình Định cũ đạt gần 6,5 triệu lượt khách, khu vực Gia Lai cũ đạt 890 nghìn lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt hơn 17.340 tỷ đồng. Đó là kết quả từ sự nỗ lực chung của toàn ngành, cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm của  các ngành liên quan và sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh.

Khách du lịch quốc tế đến với khu du lịch Kỳ Co (Quy Nhơn, Bình Định cũ). Ảnh: V.Đ.T.

Khách du lịch quốc tế đến với khu du lịch Kỳ Co (Quy Nhơn, Bình Định cũ). Ảnh: V.Đ.T.

Một trong 5 trụ cột tăng trưởng

Vận hành hệ thống chính quyền sau sáp nhập, hiện Gia Lai đang bắt tay vào tập trung quy hoạch, đầu tư bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng cấp quốc gia, cấp tỉnh gắn với phát triển du lịch. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; di tích tháp Chăm; xây dựng và triển khai đề án thí điểm cho thuê dịch vụ gắn với phát huy giá trị di tích Tháp Đôi và Tháp Bánh Ít (xã Tuy Phước) giai đoạn 2025-2028. Nghề chằm nón ngựa Phú Gia (xã Xuân An); Lễ hội Chùa Bà - Nước Mặn (xã Tuy Phước Bắc)... đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp resort, khách sạn tiếp tục được Gia Lai đầu tư, nâng cấp và nâng cao chất lượng phục vụ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 1.254 cơ sở lưu trú với hơn 23.136 phòng, trong đó có 2 khách sạn 5 sao; 15 khách sạn 4 sao; 17 khách sạn 3 sao; 48 khách sạn 2 sao; 49 khách sạn 1 sao và 1.123 cơ sở đạt chuẩn; Gia Lai hiện có 89 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó, có 18 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 71 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

“Công tác xúc tiến quảng bá du lịch được UBND tỉnh Gia Lai rất quan tâm; tăng cường hiệu quả liên kết hợp tác phát triển du lịch trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm với TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh”, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh cho hay.

Bãi biển Kỳ Co cát trắng mịn hấp dẫn du khách. Ảnh: V.Đ.T.

Bãi biển Kỳ Co cát trắng mịn hấp dẫn du khách. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Hạnh cho biết thêm: Ngành du lịch Gia Lai phấn đấu năm 2025 đón 11,8 triệu lượt khách, tăng 12% so với năm 2024, doanh thu du lịch ước đạt 28.500 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2024. Đến năm 2030, Gia Lai phấn đấu đón 18,5 triệu lượt khách, trong đó có 1,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 17,4 triệu lượt khách du lịch nội địa.

“Ngành du lịch tiếp tục được Gia Lai xác định là một trong 5 trụ cột tăng trưởng trong thời gian tới với định hướng phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên lợi thế biển, sinh thái núi rừng, di sản văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Chămpa; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng các tuyến du lịch kết nối Đông - Tây, tạo chuỗi dịch vụ du lịch khép kín; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với hệ thống hạ tầng, dịch vụ hiện đại, chất lượng cao”, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh cho biết.

Xem thêm
Dằng dặc mùa khoai

Tôi nhớ vườn khoai lang, nhớ bóng hình của mẹ vào đận tháng ba ngày tám, và những ngày khô khát nắng nôi.

Nguyễn Thùy Linh thăng lên hạng 20 cầu lông nữ thế giới

Tay vợt cầu lông nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh tăng 2 bậc, lên hạng 20 nữ thế giới sau thành tích Á quân giải Canada mở rộng.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất