| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai xóa và xây mới 579 căn nhà dột nát chỉ trong ba tháng

Thứ Bảy 28/06/2025 , 11:30 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Chỉ trong ba tháng, Đồng Nai xây mới, sửa chữa 579 căn nhà, vượt 124,5% kế hoạch năm 2025, nhờ sự chung tay của chính quyền, địa phương và doanh nghiệp.

Hiện thực hóa giấc mơ an cư

Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2025, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng và sửa chữa 579 căn nhà cho hộ nghèo, tổng kinh phí thực hiện hơn 45,7 tỷ đồng. Trong đó có 349 căn được xây mới, 230 căn sửa chữa. Con số này không chỉ vượt 124,5% so với kế hoạch được duyệt mà còn hoàn thành trước 45 ngày theo tiến độ tỉnh và sớm hơn 6 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng tại Công điện 102/CĐ-TTg.

Những mái nhà xiêu vẹo, tôn rỉ sét, nền đất nứt nẻ… giờ đã được thay bằng những ngôi nhà vững chãi, sạch đẹp. Đối với nhiều gia đình nghèo, điều từng là giấc mơ nay đã thành hiện thực.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND Đồng Nai phát biểu tại chương trình tổng kết 'Xóa nhà tạm, nhà dột nát' trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Châu Thanh An.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND Đồng Nai phát biểu tại chương trình tổng kết "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Châu Thanh An.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, trong giai đoạn 2021–2024, tỉnh đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm giúp người nghèo thoát nghèo bền vững. Kết quả ghi nhận: gần 1.100 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết được trao; 132.000 thẻ bảo hiểm y tế cấp miễn phí; hơn 9.500 hộ được vay vốn ưu đãi; 174.000 lao động được giải quyết việc làm — trong đó có hàng ngàn người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. 

“Tuy tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hơn 44% mỗi năm — mức hiếm thấy ngay cả ở những địa phương có điều kiện tốt — nhưng chúng tôi không chủ quan. Thoát nghèo không có nghĩa là đã an toàn. Chúng tôi đang chuyển từ hỗ trợ sang đồng hành, khuyến khích người dân tự làm chủ cuộc sống”, ông Tuấn Anh nói.

Vợ chồng chị Giàu (áo nâu) và anh Linh (áo kẻ ngang, bên cạnh) vui mừng khi được UBND tỉnh bàn giao ngôi nhà xây mới, khang trang. Ảnh: Châu Thanh An.

Vợ chồng chị Giàu (áo nâu) và anh Linh (áo kẻ ngang, bên cạnh) vui mừng khi được UBND tỉnh bàn giao ngôi nhà xây mới, khang trang. Ảnh: Châu Thanh An.

Không chỉ những căn nhà xây mới mà cả những căn nhà được sửa chữa cũng thay đổi hoàn toàn cuộc sống của các hộ dân. Tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), gia đình chị Thái Ngọc Giàu và anh Nguyễn Hồng Linh đã góp thêm hơn 27 triệu đồng từ tiền tích lũy để cùng khoản hỗ trợ của nhà nước xây nên căn nhà mới. Anh Linh là thợ xây nên tự tay dựng nên tổ ấm cho gia đình. “Tôi làm nghề này bao năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy việc mình làm quý giá đến vậy, vì nó là của chính mình”, anh Linh chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Gái (một Việt kiều Campuchia trở về sinh sống tại ấp Bình Chánh, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) được hỗ trợ sửa chữa căn nhà xuống cấp nhờ sự chung tay của Đoàn Thanh niên, Ban Điều hành ấp và 30 triệu đồng hỗ trợ từ chương trình. Căn nhà không chỉ “đổi màu” mà còn làm thay đổi cả cách nhìn về tương lai của gia đình. “Nhiều lần trước đây chính quyền muốn giúp nhưng không có nguồn, lần này thì thật sự khác”, chị Gái nói.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Vẫn theo ông Nguyễn Tuấn Anh, chương trình xóa nhà dột nát năm 2025 không chỉ là công trình an sinh đơn thuần. "Chúng tôi không đánh đổi thời gian lấy hình thức. Mỗi căn nhà được khảo sát, thẩm định kỹ càng và ưu tiên những hộ thực sự khó khăn. Chính vì vậy, kết quả không chỉ là 579 mái ấm, mà là 579 lần xác lập lại hy vọng”, ông nói.

Ông Tuấn Anh cho hay, một điểm sáng nổi bật trong chương trình là tinh thần minh bạch và hiệu quả. “Chúng tôi không đi xin doanh nghiệp bằng lòng trắc ẩn, mà thuyết phục họ bằng hiệu quả sử dụng nguồn lực. Khi chính sách đúng và công khai, thì sự đồng hành sẽ tự đến”, ông Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, Đồng Nai đã xây mới 349 căn nhà và sửa chữa 230 căn nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Lê Bình.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, Đồng Nai đã xây mới 349 căn nhà và sửa chữa 230 căn nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Lê Bình.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng không né tránh những tồn tại, như: Một số địa phương còn thiếu chủ động trong rà soát, xác định đối tượng; công tác đào tạo nghề chưa sát nhu cầu thực tiễn; tình trạng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân vẫn còn hiện hữu; việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ chưa thực sự bền vững, thiếu chiều sâu ở một số nơi.

Trong tổng kinh phí thực là hơn 45,7 tỷ đồng, phần lớn đến từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, riêng Tập đoàn Cường Noãn đã ủng hộ 55 tỷ đồng thông qua Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh golf Long Thành; Tập đoàn Kim Oanh tài trợ 5 tỷ đồng.

Từ những doanh nghiệp lớn đến từng người dân góp chút vật liệu, công lao động hay một cánh cửa cũ… tất cả đang nối dài hành trình biến “chốn về” thành “tổ ấm”. 579 căn nhà chỉ là một con số khởi đầu. Nhưng nếu mỗi căn nhà đều được xây bằng lòng tin và sự chung tay, thì không có giới hạn nào cho những mùa mưa không còn ướt mái.

Chương trình được triển khai với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, hướng đến an sinh công bằng cho mọi người. Ảnh: UBND tỉnh Đồng Nai.

Chương trình được triển khai với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, hướng đến an sinh công bằng cho mọi người. Ảnh: UBND tỉnh Đồng Nai.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: “Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ là thời kỳ đầy thách thức đối với công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Trong bối cảnh mới khi bộ máy chính quyền địa phương hai cấp đang được sắp xếp, tinh gọn, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đòi hỏi phải có sự đổi mới quyết liệt cả về chỉ đạo, phương pháp điều hành lẫn cơ chế phối hợp”.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục xem giảm nghèo bền vững và hỗ trợ nhà ở cho người dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài.

Xem thêm

Bình luận mới nhất