| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp Việt chuyển mình cùng thương mại số xanh

Thứ Ba 01/07/2025 , 16:04 (GMT+7)

TP.HCM Sự ra đời của các nền tảng thương mại điện tử, thương mại số xanh sẽ đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp từng bước xanh hóa chuỗi cung ứng.

Ngày 1/7, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp UBND TP.HCM, Công ty CP Công nghệ Arobid tổ chức Diễn đàn Thương mại xanh 2025. Đồng thời công bố ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử B2B xanh EcoHub và triển lãm số 3D với chủ đề “No-Carbon City”.

Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, thương mại điện tử, thương mại số xanh đang trở thành một trong những trụ cột quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.

Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hùng.

Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hùng.

Theo bà Thắng, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 vừa được ban hành đã đặt ra hàng loạt mục tiêu cụ thể. Trong đó, đến năm 2030, tỷ lệ bao bì nhựa trong sản phẩm thương mại điện tử sẽ giảm xuống còn tối đa 45%, tỷ lệ bao bì có thể tái chế đạt ít nhất 50%, 40% doanh nghiệp ứng dụng năng lượng sạch trong logistics và 50% doanh nghiệp áp dụng chuỗi cung ứng xanh.

Bà Thắng cho rằng, sự ra đời của các nền tảng thương mại điện tử xanh sẽ đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp từng bước “xanh hóa” chuỗi cung ứng, tăng khả năng kết nối và thích ứng với những tiêu chuẩn phát thải, ESG đang dần trở thành điều kiện bắt buộc tại nhiều thị trường quốc tế.

Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố sàn thương mại điện tử xanh EcoHub tại Diễn đàn kinh tế xanh 2025. Ảnh: Hoàng Hùng.

Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố sàn thương mại điện tử xanh EcoHub tại Diễn đàn kinh tế xanh 2025. Ảnh: Hoàng Hùng.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) nhận định, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào sản phẩm xanh rất cần một nền tảng số đáng tin cậy để giới thiệu thành quả, mở rộng thị trường và tiếp cận đối tác. “Sàn giao dịch xanh không chỉ là nơi bán hàng, mà còn là công cụ giúp doanh nghiệp tiếp cận hệ sinh thái đạt chuẩn, tiết kiệm chi phí và thời gian trong quá trình kết nối,” ông Hòa nhấn mạnh.

Ở góc độ bán lẻ, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho rằng đây là cơ hội để hệ thống phân phối chủ động tiếp cận các sản phẩm có trách nhiệm môi trường, đồng thời mở rộng giới thiệu hàng nhãn riêng đã được xuất khẩu cho các đối tác trong và ngoài nước.

Đại diện đơn vị phát triển nền tảng thương mại điện tử xanh cũng cho biết, mô hình không chỉ dừng lại ở giao dịch, mà hướng đến xây dựng một hạ tầng giao thương số hiện đại. Tại đây, doanh nghiệp có thể minh bạch dữ liệu phát thải, truy xuất nguồn gốc, tích hợp công cụ báo cáo ESG và đáp ứng các quy chuẩn quốc tế như CBAM, EUDR vốn đang là điều kiện bắt buộc tại các thị trường như EU, Hoa Kỳ hay Nhật Bản.

Nền tảng hiện đang vận hành theo mô hình mở, bao gồm 7 nhóm ngành trụ cột: Năng lượng tái tạo, giao thông xanh, vật liệu bền vững, tài chính xanh, tiêu dùng xanh, công nghệ chuyển đổi số và Vietmade. Đây đều là những lĩnh vực trọng tâm trong lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia đến năm 2050.

Xem thêm

Bình luận mới nhất