Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, lần đầu tiên ca khúc "Chiếc khăn piêu” (còn có tên khác là “Chiếc khăn rơi”) của nhạc sĩ Doãn Nho được giọng ca Tùng Dương làm mới với bản phối theo âm nhạc world- music (của Nguyên Lê). Bản phối mới này đã ngay lập tức chinh phục khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ và trở thành bài hát yêu thích trong tháng 11.
Vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho
Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng “Chiếc khăn piêu” vẫn được khán giả yêu thích. Theo nhạc sĩ, đâu là sức sống mãnh liệt của ca khúc này?
Đó là sự trẻ trung, tươi mới và khao khát mãnh liệt tình yêu lứa đôi trong ca khúc “Chiếc khăn piêu”. Nhưng đáng nói là Tùng Dương đã vượt qua những khó khăn để làm mới một ca khúc mang âm hưởng dân ca. Bằng giọng hát đầy nội lực, với những nhấn nhá theo phong cách jazz, người nghe như vừa được gặp lại những giai điệu quen thuộc vừa thấy được nét mới lạ. Rất chủ động và không mất sức trong những đoạn nhấn nhá, lên tone hay chỉ đơn thuần là các động tác hình thể minh họa theo bài của Tùng Dương trong cách hát, cách thể hiện đã mang đến thành công mới cho ca khúc này.
“Chiếc khăn piêu” ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa nhạc sĩ?
Tôi viết ca khúc này năm 1956, sau chiến thắng Điện Biên Phủ hai năm. Đối với những người lính như chúng tôi, Tây Bắc, Việt Bắc rất gần gũi, quen thuộc, nhiều kỉ niệm. Lúc ấy tôi mới 24 tuổi, vừa ra khỏi chiến tranh nên có những cảm xúc đầy mới lạ, có những đòi hỏi không chỉ riêng tôi mà của cả những người lính đều khao khát tình yêu lứa đôi, tình yêu đồng đội, quân dân. Tôi nghĩ đó là đòi hỏi hết sức tự nhiên. Khi tôi "gặp" bài Tăng A Tin (dân ca Xá, giờ gọi là Khơ Mú), tôi say ngay. Nó tươi mới, trẻ trung, hồn nhiên... đúng với nhu cầu tình cảm lúc bấy giờ. Và, một cách rất tự nhiên, tôi đặt lời, phát triển thành bài rất nhanh, đúng với tâm trạng của người khao khát tình yêu. Với âm hưởng dân ca vùng Tây Bắc đậm đặc, nhịp điệu nhanh, hoan hỉ, tràn đầy tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống... Đặc biệt, có thể nói đây là ca khúc đầu tiên có "một nàng con gái" trong bài hát. Trước đó, chúng tôi chỉ sáng tác những ca khúc về chiến đấu, hậu phương và chiến trường.
Những năm tháng đó, khán giả đã đón nhận ca khúc này như thế nào?
“Chiếc khăn piêu” là câu chuyện kể lại diễn biến cung bậc tình yêu của các cặp trai gái trên miền cao đã nhanh chóng được phổ biến và được nhiều thế hệ khán giả trong và ngoài nước yêu thích. Ngay khi ra đời năm 1956, ca khúc đã được NSƯT Trần Chất hát với cây ác-coóc-đê-ông của NSƯT Huy Luân. Sau đó, NSND Quý Dương, đặc biệt là danh ca Kiều Hưng cũng đã gắn bó tên tuổi của mình với ca khúc này. Về sau, nhiều ca sĩ nổi tiếng khác cũng trình bày lại "Chiếc khăn piêu" như: NSƯT Hoàng Chè, NSND Trung Đức. Mỗi nghệ sĩ hát lại là một sự sáng tạo riêng, tạo thêm dấu ấn cho ca khúc. Gần đây, một giọng ca nữ cũng tạo được thành công với ca khúc này là Anh Thơ. Ngoài chất giọng, diễn cảm của Anh Thơ cũng trẻ trung, hồn nhiên, lại có sự sáng tạo riêng nên "Chiếc khăn piêu" của Anh Thơ cũng rất được ưa thích.
Tùng Dương hát theo bản phối mới, lạ, nhưng có chỗ nào nhạc sĩ chưa thực sự hài lòng không?
Ở bản phối này Tùng Dương không hát một đoạn trầm, quãng tám, khác so với một số ca sĩ khác. Đứng ở góc độ nào đó thì thấy mất đi một quãng trầm, mầu sắc, độ rộng của âm hưởng đó bị thu hẹp lại nhưng bù lại cách phiêu, nhả chữ cùng với trang phục, ánh sáng... của Tùng Dương rất độc đáo. Vì vậy, dù mất đi một đoạn trầm vẫn có sức hút của nó và tôi rất tôn trọng Tùng Dương. Bên cạnh đó có những cách đảo nhịp do Tùng Dương sáng tác ra, tạo ra nghịch phách, rất lãng mạn, bay bổng, rất hợp với thẩm mĩ giới trẻ. Tôi hoan nghênh sự sáng tạo tìm tòi khi thể hiện ca khúc của các ca sĩ. Nhưng công bằng mà nói, kể cả khi NSƯT Trần Chất hát đầu tiên đến Anh Thơ, nghệ sĩ nào cũng có sự sáng tạo của riêng mình.
Ở tuổi 80, hiếm có ai được minh mẫn và vẫn ngày đêm làm việc như nhạc sĩ, ông có thể chia sẻ bí quyết của mình?
Tôi cho rằng sức khoẻ rất quan trọng. Nhiều năm nay tôi tập dưỡng sinh tâm thể và là thành viên trong ban lãnh đạo Viện dưỡng sinh tâm thể. Chính nhờ có sự luyện tập chăm chỉ mà tôi không chỉ có sức khoẻ mà còn rất minh mẫn. Hiện tôi đang viết vở nhạc kịch opera lớn nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014) mang tên “Bài ca tình yêu”.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!