Thứ Bảy, 28/6/2025 17:35 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Di dời hơn 2.000 ngôi mộ về sát khu dân cư, chuyện lạ có thật ở quận Long Biên!

Thứ Tư 16/11/2016 , 08:37 (GMT+7)

Liên tiếp mấy ngày qua, hàng trăm người dân phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) đã tập trung phản đối di dời hơn 2.000 ngôi mộ về bãi Xém, vốn là khu đất nông nghiệp có diện tích hơn 1,1ha. Mặc dù được “núp bóng” là cải tạo nghĩa trang bãi Xém nhưng thực chất là xây mới...

14-48-43_nh-1-nguoi-dn-phn-doi
Người dân phản đối dự án cải tạo nghĩa trang bãi Xém nhưng thực chất là xây dựng mới để quy tập hơn 2.000 ngôi mộ
 

Mặc dù được “núp bóng” là cải tạo nghĩa trang bãi Xém nhưng thực chất là xây mới nghĩa trang ngay sát khu dân cư, nhà máy nước sạch và trường tiểu học khiến dư luận rất bức xúc.
 

Chuyển hơn 2.000 mộ về... khu dân cư

Trao đổi với PV Báo NNVN sáng 15/11 về dự án cải tạo nghĩa trang bãi Xém thuộc khu vực ngoài đê phường Ngọc Thụy, ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường giải thích, để giải phóng mặt bằng dự án “Xây dựng tuyến đường 40m từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị Thượng Thanh, quận Long Biên, theo hình thức BT” (Công ty Cổ phần Khai Sơn làm chủ đầu tư), UBND phường Ngọc Thụy đã đề xuất cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang bãi Xém thuộc tổ dân phố số 33 để quy tập hơn 2.000 ngôi mộ.

Theo ông Văn, từ năm 2015 đến nay, phường đã tổ chức nhiều hội nghị, xin ý kiến nhân dân. Mới nhất, ngày 30/8/2016, tiến hành gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo phường để đề cập di chuyển nghĩa trang.

Ngày 10/9/2016, họp với cán bộ chủ chốt, hơn 200 liên gia cụm dân cư phố Bắc Cầu, khu vực cải tạo nghĩa trang bãi Xém. Ngày 27/9/2016, tiến hành họp chủ chốt cụm dân cư Gia Thượng (nơi thu hồi đất). Tiếp đó, phường làm việc với đại diện dân các khu vực Gia Quất, Trung Hà, K159... (nơi phải di chuyển mộ phục vụ giải phóng mặt bằng) và họp với các hộ dân tự nguyện giao đất nông nghiệp để cải tạo nghĩa trang.

14-48-43_nh-2-nghi-trng-bi-xem-thuc-cht-l-bi-dt-nong-nghiep
Nghĩa trang bãi Xém chỉ là tưởng tượng của cán bộ phường Ngọc Thụy, thực chất là 1,1 ha đất nông nghiệp màu mỡ
 

Ông Văn cho biết tiếp, phần đất bãi Xém từ xưa vốn là nghĩa trang, nhưng vì nhiều lần bị lũ bồi đắp nên nhiều mồ mả bị phủ lấp, có độ sâu đến 2m. Tuy nhiên, ông Văn thừa nhận, đây chỉ là ý kiến của các cụ cao niên chứ UBND phường không có văn bản chứng minh khu vực bãi Xém là nghĩa địa vì ngoài bãi chưa có quy hoạch cụ thể.

Trái với ý kiến của ông Văn, bà Như, Chi hội trưởng phụ nữ tổ 33, bức xúc: Khu vực bãi Xém là đất sản xuất nông nghiệp được giao cho dân quản lý, sử dụng lâu dài theo Nghị định 64/CP, có diện tích hơn 1,1ha. Nay thành phố chuyển đổi thành nghĩa trang cách khu dân cư chưa đến 100m, cạnh đó là trường tiểu học và nhà máy nước phục vụ toàn bộ cụm dân cư phố Bắc Cầu. Dân chúng tôi phản đối quyết liệt vì sợ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, một người dân ở phường Ngọc Thụy, khẳng định: “Thực chất đây là xây nghĩa trang mới. Khu đất bãi nông nghiệp này chưa từng tồn tại nghĩa trang nào cả. Người ta di dời nghĩa trang ra khỏi khu dân cư đông đúc còn chưa được, đằng này lại đưa mộ vào khu dân cư. Đây là việc làm không thể chấp nhận”.
 

Lấp liếm nhằm “đánh lừa” dân?

Trả lời câu hỏi về chủ trương cải tạo nghĩa trang bãi Xém, ông Nguyễn Quốc Văn, cho biết: Theo chủ trương của thành phố thì không được xây dựng mới nghĩa trang mà chỉ được cải tạo. Bãi Xém là nghĩa trang cũ, chúng tôi thực hiện cải tạo theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Các văn bản liên quan đến đề xuất cải tạo nghĩa trang này có từ năm 2014, tôi mới được luân chuyển từ Văn phòng UBND quận về làm Chủ tịch phường nên các văn bản chưa thể nắm bắt hết được.

14-48-43_nh-3-nh-my-nuoc-cch-nghi-trng-gn-100-m
Nhà máy nước khoan nước ngầm ngay sát khu xây dựng nghĩa trang
 

Qua tìm hiểu, PV được biết, ngày 8/9/2014, UBND phường Ngọc Thụy có công văn số 225/UBND giới thiệu vị trí xây dựng nghĩa trang tại khu vực bãi Xém.

Sau đó, trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và Sở NN-PTNT thành phố, ngày 22/9/2015, Văn phòng UBND TP có công văn 6457/VP-QHKT truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng đồng ý đề xuất phương án quy tập mộ tại nghĩa trang bãi Xém. Phải chăng, UBND phường Ngọc Thụy đã triển khai dự án theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, mập mờ giữa xây dựng mới và cải tạo khiến người dân bức xúc.

Qua quan sát, tìm hiểu, bãi Xém là bãi đất nông nghiệp màu mỡ, được bồi đắp qua nhiều thập niên, hiện nay người dân phường Ngọc Thụy vẫn canh tác, trồng các loại hoa màu trên diện tích 8ha. Trong đó, diện tích mà UBND quận Long Biên, phường Ngọc Thụy đề xuất "cải tạo" nghĩa trang là 1,1ha.

“Hiện có 31 hộ dân được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp trên 1,1ha ở bãi Xém, khi cải tạo dự án nghĩa trang bãi Xém, thành phố đã tiến hành thu hồi, hỗ trợ và bồi thường cho 31 hộ dân này là hơn 10 tỷ đồng. Các hộ dân đã lấy tiền”, ông Văn cho biết.

Tuy nhiên, khi PV đề nghị làm việc với cán bộ địa chính phường để lấy thông tin về phương án hỗ trợ, đền bù cho 31 hộ dân với số tiền hơn 10 tỷ đồng, ông Văn từ chối.

Ai là người được hưởng lợi từ cái gọi đền bù, giải tỏa mặt bằng 1,1ha đất nông nghiệp ở bãi Xém? Vì sao việc cải tạo nghĩa trang bãi Xém, tức là đã có nghĩa trang cũ mà lại phải.

Không còn lựa chọn nào khác?

Ông Văn thừa nhận: Việc cải tạo nghĩa trang là giải pháp tình thế bởi theo Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 8/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Quy hoạch Nghĩa trang Trung Mầu (huyện Gia Lâm) đến năm 2020 khoảng 17ha, đến năm 2030 khoảng 35ha, đến năm 2050 khoảng 53ha; sử dụng hình thức hung táng, cát táng, táng một lần, hỏa táng; phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân và quy tập mộ di chuyển khu vực phát triển đô thị quận Long Biên và huyện Gia Lâm”.

“Tuy vậy, tại thời điểm này việc di dời hơn 2.000 ngôi mộ về nghĩa trang Trung Mầu để có mặt bằng sạch cho tuyến đường Ngọc Thụy đến khu đô thị Thượng Thanh là bất khả thi.

Căn cứ tình hình thực tế thì việc di dời hơn 2.000 mộ khô từ 1 phần nghĩa trang Ngọc Thụy bị giải tỏa về nghĩa trang bãi Xém là hợp lý. Việc này chắc chắn có ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước và sức khỏe của người dân nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Hơn nữa, đây là các mộ khô, đã an táng lâu nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Văn giải thích.

 

Xem thêm

Bình luận mới nhất