| Hotline: 0983.970.780

Đại lộ ký ức chiến tranh

Thứ Tư 30/04/2025 , 09:30 (GMT+7)

Trong linh thiêng thành cổ Quảng Trị, sự giao hòa của quá khứ với hiện tại dường như đang làm nên một con đường mang tên đại lộ ký ức chiến tranh.

Hành trình của những người lính đã từng trải qua chiến tranh, đặc biệt trong những ngày tháng Tư lịch sử là hành trình thăm lại chiến trường xưa. Có lẽ với họ, cái được lưu giữ kỹ càng và sâu bền nhất trong lòng là ký ức về một thời đạn bom khốc liệt.

Chứng tích về một thời đạn bom. Ảnh tư liệu.

Chứng tích về một thời đạn bom. Ảnh tư liệu.

Trên chuyến xe vào Quảng Trị hôm ấy, những cựu chiến binh Trường Sơn, đã có cháu gọi mình bằng ông, bà, thay nhau kể kỷ niệm chiến trường và say mê hát lại những ca khúc quen thuộc thời mười tám đôi mươi. Không ai nghĩ rằng họ đang ở độ tuổi trên dưới bảy mươi, có cụ đã tám mươi lăm.

Nụ cười Thành cổ. Ảnh: Đoàn Công Tính.

Nụ cười Thành cổ. Ảnh: Đoàn Công Tính.

Thời thanh xuân của hầu hết các cựu chiến binh đều gắn bó với Trường Sơn, với con đường mang tên Hồ Chí Minh huyền thoại. Họ là những người lính lái xe, lái máy ủi, lính cao xạ, lính công binh, lính đường ống, lính giao liên, lính quân y và không thể không có lính văn công... Ký ức cũng vì thế mà đủ các tầng bậc cảm xúc.

Chúng tôi bật cười sảng khoái khi nghe chuyện tiếu lâm đời lính của bác Thể, anh Thanh, anh Tạo, anh Văn Thành, anh Đông... những người từng bám trụ nơi “Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”.

Chúng tôi bùi ngùi rưng rưng với những mất mát hy sinh qua hồi ức của chị Vũ Thị Thúy Lành - bộ đội Trường Sơn - quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, vốn là cây đơn ca, ngâm thơ nổi tiếng trong Đội Tuyên văn Sư đoàn 968. Rồi kỷ niệm của chị Thành, chị Oanh, chị Hoa, chị Hằng, chị Thủy,... Cả một thời thanh xuân của người lính thức dậy rưng rưng. 

Chuyện nối tiếp chuyện, hồi ức nối tiếp hồi ức, tưởng chừng không bao giờ dứt, không bao giờ cạn. Vui vẻ tếu táo đến độ cười vỡ ra cả xe. Buồn thương xót xa như muốn gục vào nhau để khóc. Họ sống lại với Trường Sơn, hay một phần Trường Sơn trong họ bừng thức dậy tỏa sáng trong trẻo ngời ngời.

Họ trẻ lại cùng ký ức thời mười tám đôi mươi, dũng cảm rất mực nhưng cũng lạc quan vô cùng. Những người lính hồn nhiên ra trận, hồn nhiên chiến đấu, hồn nhiên lao động như bản anh hùng ca bình dị thấm đẫm chất lãng mạn của một thời xa xôi.

Những bài ca đi cùng năm tháng, nốt nhạc, ca từ thấm mồ hôi và máu của bao người như “Bài ca Trường Sơn”, “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Cô gái mở đường”, “Bài ca bên cánh võng”... được họ hát lại. Một phần ký ức dội vang từ đó, tự nhiên như bay ra từ cây, chảy ra từ suối, cất lên từ đại ngàn Trường Sơn.

Chúng tôi trở lại với những địa danh máu lửa nay đã trở thành di tích lịch sử thắm đỏ. Có rất nhiều người đến viếng thăm, dâng hương hoa cho liệt sĩ. Trong dòng người ấy, có nhiều người ở độ tuổi đôi mươi với sự thành kính, xúc động và biết ơn sâu sắc. Không thể lãng quên sự hy sinh to lớn của những người con ưu tú cho Tổ quốc. Chiến thắng càng vĩ đại bao nhiêu thì sự hy sinh của đồng bào, chiến sĩ càng to lớn bấy nhiêu. Thêm một lần trở lại chiến trường xưa, những người lính thấm thía hơn giá trị vĩnh hằng của những dâng hiến cao cả.

Ngã ba Đồng Lộc, Đền thờ bến phà Long Đại, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường Chín… dằng dặc, dày đặc những di tích lịch sử gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại. Nhìn mộ bia san sát trùng điệp mà không cầm được nước mắt. Bức tường khắc tên bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc kín chỗ...

Quảng Trị có hai nghĩa trang linh thiêng mà không có một nấm mộ nào. Đó là Thành cổ và sông Thạch Hãn. Cỏ Thành cổ xanh, xanh lắm, ngằn ngặt như những nỗi niềm chưa nói hết và có lẽ chẳng bao giờ nói hết.

Những nén hương thắp trên đài tưởng niệm gió đưa khói tỏa bốn bề, mùi thơm cũng tỏ mờ hiện khuất. Tám mươi mốt tấm lịch bằng đồng ứng với tám mươi mốt ngày đêm khốc liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972, ở nơi chưa đầy bốn cây số vuông mà phải hứng chịu một lượng bom đạn lớn của kẻ thù.

Không ít sinh viên đã ngã xuống nơi đây. Mỗi ngày khoảng một đại đội hy sinh, đó là một con số không hề nhỏ. Không bài toán xác suất nào, không định lý nào có thể tính đúng sự hy sinh của những người lính quả cảm. Họ vào trận đánh với dự cảm mình sẽ không trở về, mãi mãi không được trở về với mẹ hiền, với vợ yêu, nhưng họ vẫn không hề nao núng, chùn bước.

Một cảnh trong bộ phim chiến tranh 'Mưa đỏ' tái hiện giây phút bình yên hiếm hoi của người lính trong chiến hào Thành cổ. Ảnh: ĐPCC.

Một cảnh trong bộ phim chiến tranh "Mưa đỏ" tái hiện giây phút bình yên hiếm hoi của người lính trong chiến hào Thành cổ. Ảnh: ĐPCC.

Nước sông Thạch Hãn mùa này trong xanh. Chúng tôi ra bến thả hoa, thắp hương. Chị Lành lội xuống sông thắp nén nhang lên lư hương đặt sát mặt nước. Mặt sông xập xõa bóng chiều. Mười phút, hai mươi phút, rồi ba mươi phút trôi qua, chị vẫn đứng yên như hóa đá trước dòng sông đang mải miết chảy.

Phải cho người lội xuống vỗ mạnh vào vai, Lành mới sực tỉnh. Đôi mắt đỏ hoe. Chị như nghe văng vẳng bên tai tiếng đồng đội: “Em đừng lên vội nhé... Ở với các anh thêm chút nữa, em gái...”.

Ký ức vẫn thường trộn lẫn thực hư như thế, cũng giống lúc Văn Thành đứng hát cho đồng đội nghe giữa Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, anh như nghe được rất nhiều lao xao, thấy được rất nhiều bóng áo cỏ bên cạnh. Âm dương hòa trộn vào nhau, có trong nhau như sự bất tử của các liệt sĩ và lòng thương nhớ khôn nguôi của người đang sống.

Đó là gì nếu không phải là sự giao hòa của quá khứ với hiện tại, là sự liên thông trên đại lộ ký ức với những chất liệu vô hình nhưng thật bền chặt dẻo dai có tên gọi là... hồi niệm. Ký ức của những người lính đủ tạo dựng sinh động một thời đã qua, một Trường Sơn hùng vĩ, một con đường mang tên Hồ Chí Minh huyền thoại.

Xem thêm
Tổ quốc và đồng đội

Văn hóa Việt Nam là văn hóa của tình yêu hòa bình, của hiền hòa, nhân nghĩa, song sẵn sàng đứng lên giữ vững cuộc sống đó nếu kẻ thù dám mang gươm súng đến.

Hà Nội FC khiến cuộc đua vô địch V.League càng khó lường

Chiến thắng 2-1 của Hà Nội FC trước Quảng Nam ở vòng 20 khiến cuộc đua vô địch V.League càng khó lường khi chỉ kém 2 điểm so với Thép Xanh Nam Định.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Đà Nẵng: Tiếp nhận 1.300 cây dừa phủ xanh đường biển

Đà Nẵng đã tiếp nhận gần 1.300 cây dừa từ 40 tổ chức, cơ quan để phủ thêm màu xanh cho không gian bãi biển, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.