
Việc săn bắt một con chim hoang dã có thể khiến mèo mắc phải cúm gia cầm H5N1, một loại virus có thể gây tử vong cho loài mèo. Ảnh: Getty.
"Mẫu vacxin nên bước vào các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II đối với các chủng có khả năng cao lây lan không chỉ giữa các loài động vật mà còn từ người sang người", ông Gintsburg nói với tờ Izvestia hôm 21/5.
Viện nghiên cứu này là nơi phát minh ra Sputnik V, vacxin Covid-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới.
Theo ông Gintsburg, một đột biến của virus H5N1 cho phép lây truyền qua không khí giữa người với người có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn bệnh đậu mùa.
"Tỷ lệ tử vong là 50-70%, và nếu lây truyền qua đường không khí, bệnh đậu mùa sẽ chỉ như trò trẻ con so với những gì có thể xảy ra sau một hoặc hai đột biến", ông nói.
Ông Gintsburg cho rằng Nga cần phải sẵn sàng sản xuất vacxin trong thời gian ngắn.
"Một mẫu vacxin thử nghiệm cần phải sẵn sàng để mở rộng quy mô sản xuất trong 3 – 4 tuần và đưa ra công chúng", ông nói thêm. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng hiện không có chương trình nào như vậy tồn tại.
Vào đầu tháng 5, các nhà nghiên cứu của Đại học Maryland đã xác định sự gia tăng các trường hợp cúm gia cầm ở mèo nuôi trong nhà. Nghiên cứu, dựa trên dữ liệu trong 20 năm qua, cho thấy hơn 600 trường hợp nhiễm bệnh ở mèo tại 18 quốc gia, với tỷ lệ tử vong hơn 50%.
"Mèo nhà dễ bị cúm gia cầm và là một con đường lây nhiễm tiềm năng từ động vật sang người", các nhà nghiên cứu cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh những rủi ro đối với những người tiếp xúc gần với các loài động vật trong các đợt bùng phát phát dịch.
Mèo thường mắc H5N1 khi ăn gia cầm bị nhiễm bệnh, các sản phẩm gia cầm sống hoặc sữa chưa tiệt trùng từ gia súc bị nhiễm bệnh. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng còn nhiều các con đường lây truyền chưa xác định, khi có trường hợp mèo nuôi trong nhà nhiễm bệnh nhưng không rõ nguồn lây.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã báo cáo tổng cộng 974 trường hợp được xác nhận nhiễm H5N1 ở người trên 24 quốc gia kể từ năm 2003. Trong số các trường hợp này, 470 trường hợp đã tử vong. Các trường hợp này thường liên quan đến việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm bị nhiễm bệnh. Virus này hiện chưa thể lây truyền dễ dàng từ người sang người, song các cơ quan y tế hiện đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các đột biến của virus này do tỷ lệ tử vong cao và nguy cơ trở thành đại dịch cao.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) hiện vẫn coi nguy cơ dịch bệnh này với cộng đồng vẫn ở mức thấp.