
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: T.N.
Tại cuộc họp báo định kỳ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 12/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, Công an TP.HCM đã cấp giấy đi đường và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chỉ đạo của UBND TP.HCM phù hợp trên từng giai đoạn. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuần tra, kiểm soát.
Đến nay, Công an TP.HCM đã lắp đặt được 109 trạm kiểm soát với 116 thiết bị camera quét mã QR để tiến hành kiểm tra tại các điểm chốt trên địa bàn.
"Theo thống kê, kết quả kiểm tra từ ngày 6/9 đến 11/9, tại 914 chốt trạm kiểm soát toàn thành phố, Công an TP.HCM đã tiến hành kiểm tra hơn 1.383.500 lượt phương tiện các loại ôtô, xe khách, xe tải, xe máy. Kiểm tra 669.331 lượt người, trong đó có 434 người nước ngoài.
Lập biên bản xử lý 3.986 trường hợp với số tiền là hơn 6,8 tỷ đồng. Tỷ lệ vi phạm trên số lần kiểm tra là 0,595%, tức khoảng 170 người kiểm tra thì có 1 người vi phạm. Lỗi vi phạm chính là ra đường không có lý do chính đáng", Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại chốt giao đường Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Ông Hà thông tin thêm, ngày 11/9, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố bị can và tạm giam 2 tháng đối với Trần Vũ Hàn Minh Nhật (sinh năm 1987, ngụ phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức) và Võ Thành Phúc (sinh năm 1969, ngụ quận 7) về hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác theo Điều 339 Bộ luật Hình sự. Ngày 12/9, Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh đã phê chuẩn quyết định khởi tố 2 bị can này.
Trước đó, ngày 10/9, Công an TP.HCM có văn bản gửi công an các đơn vị, địa phương cho phép nhân viên hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm (được cấp giấy đi đường), nhân viên giao hàng shipper (di chuyển trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức), nhân viên cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị vật tư y tế được phép lưu thông từ 5h đến 21h30 hàng ngày.
Về việc cho phép shipper chạy liên quận, huyện, ông Hà cho biết phải chờ phân tích, đánh giá và quyết định của UBND TP.HCM. Công an TP.HCM chỉ là đơn vị triển khai, thi hành.
"Thực tế, shipper chạy liên quận huyện có ưu điểm là sẽ phục vụ được nhiều đơn hàng hơn, đa dạng nguồn cung cho người dân. Tuy nhiên, shipper chạy liên quận có nguy cơ lây lan dịch từ vùng này qua vùng khác; lượng đơn hàng ít hơn do khoảng cách các quận xa hơn", ông Hà nói.
Hiện có khoảng 20.000 shipper triển khai các hoạt động giao nhận hàng hóa trên địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức...